Thơ chọn-Lời bình: Mẹ…

  • 08:28 | Thứ Sáu, 18/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trải chơ vơ xứ lạ quê người
Con mới thấm thía hơi ấm gia đình bình dị
Trải thật giả sâu nông tình thiên hạ
Con mới cảm thấu lòng mẹ mênh mông…
 
Như con tằm rút ruột nhả tơ
Như cánh phượng cháy nồng nàn trong nắng
Như ngọn nến tan chảy tràn đêm trắng
Quên phía mình, đau đáu phía đời con.
 
Những đêm khuya bóng điện thức mỏi mòn
Cửa khép hờ phạc phờ giấc ngủ muộn
Niềm vui con nhẹ tênh theo gió cuốn
Quầng thâm mắt mẹ ở lại với ngày sau.
 
Băng ngày tháng con rong ruổi tìm đâu
Bạn bè người yêu lần lượt thành xa lạ
Thương những sợi gàu tưởng giếng sâu cứ thả
Thương những bài thơ đánh bóng đến tàn canh…
 
Mọi thứ chẳng lành nguyên chỉ lòng mẹ nguyên lành
Thao thiết chảy xuống đời con xanh tuổi
Con là đứa vô tâm nông nổi
Xin được về tạ lỗi mẹ. Mẹ ơi!
 
Hoàng Đăng Khoa
s
 
Lời bình:        
 
Mẹ là nguồn cảm hứng thiêng liêng, chân thành, sâu sắc, xúc động vô tận của các nhà thơ. Bởi thế, không một nhà thơ nào không có câu thơ, bài thơ viết về mẹ của mình. Hoàng Đăng Khoa cũng có không ít bài thơ viết về mẹ. Trong đó, tôi ấn tượng nhất là bài Mẹ….
 
Bài thơ có 5 khổ, được cấu trúc theo lối tự sự. Ngay khổ đầu anh đã nói lên nỗi lòng của mình khi lớn lên xa mẹ, xa quê, mới cảm hết nỗi chơ vơ, trống trải, mới thấu hiểu bao la lòng mẹ: Trải chơ vơ xứ lạ quê người/Con mới thấm thía hơi ấm gia đình bình dị/Trải thật giả sâu nông tình thiên hạ/Con mới cảm thấu lòng mẹ mênh mông… Tứ thơ không lạ nhưng chặt, cô đọng, bao nhiêu tình cảm vô bờ, trìu mến đối với mẹ đều được lột tả.
 
Đến khổ 2, anh nới lỏng kết cấu bằng sự lặp đi lặp lại yếu tố quan hệ so sánh “như” được đặt ở vị trí đầu câu, để mở rộng công lao sinh thành, bao bọc, chở che của mẹ. Ba câu thơ có yếu tố quan hệ so sánh “như” lại tựa ba chân đế vững chãi, bật lên đức hy sinh thầm lặng của mẹ: Quên phía mình, đau đáu phía đời con. Và đức hy sinh ấy được anh làm rõ hơn ở khổ 3 thông qua cấu trúc đối lập: Niềm vui con và mỏi mòn mẹ. Niềm vui con nhẹ tênh theo gió cuốn/Quầng thâm mắt mẹ ở lại với ngày sau. Rõ ràng, trên bề mặt câu chữ là sự tương phản tâm trạng nhưng bề sâu là sự đồng cảm, hướng về nhau. Tự thân kiểu đối xứng song song này đã tích hợp một tình mẫu tử sâu nặng. Con dù có vui nơi xa vẫn xa xót trước quầng thâm nơi mắt mẹ. Mẹ không quản nhọc nhằn, bươn chải nuôi con khôn lớn.
 
Lòng mẹ bao la, con dù có đi hết một đời, vẫn không bao giờ hiểu hết. Mọi ngôn từ dường như bất lực, không thể biểu đạt được tình yêu bất tận của mẹ. Cho nên, trong anh luôn có cảm giác vẫn thiếu bài thơ về mẹ: Nhìn cái cách chị chăm cháu con mới biết mình nặng nợ/trái sung quả khế chín tháng mười ngày mẹ tạc hình hài con/con tép con cua củ sắn quả dưa/hao gầy mẹ đánh đổi phổng phao con ngày tháng (Vẫn thiếu bài thơ mẹ).
 
Vì thiếu nên mãi kiếm tìm. Nhưng lần tìm này lại khác, anh không tìm mẹ qua hình bóng chị, mà tìm ngay trong chính những va đập của cuộc đời mình. Những cuộc rong ruổi, lần tìm càng như hồi cố về những tháng ngày bên mẹ. Trong sự chênh chao, tận cùng của nỗi buồn lữ thứ, anh mới thức nhận được sức sống vĩnh hằng của tình mẫu tử. Mọi thứ có thể thay đổi, biến chuyển trắng đen nhưng tình cảm của mẹ mãi mãi vẹn nguyên: Mọi thứ chẳng lành nguyên chỉ lòng mẹ nguyên lành/Thao thiết chảy xuống đời con xanh tuổi.
 
Cụm từ thao thiết chảy xuống gợi nhiều xúc cảm: Vừa bộc lộ tình yêu thương, quý trọng của con đối với mẹ, vừa hằng cửu đức hy sinh vô bờ bến của mẹ. Mẹ như dòng suối trong lành tắm táp, vỗ về cuộc đời con. Mẹ yêu thương con vô điều kiện. Trong mỗi bước chân con đi đều có mẹ thầm lặng dõi theo, động viên và cổ vũ. Còn những thứ phù phiếm trong cuộc đời rồi sẽ như gió bay đi: Thương những sợi gàu tưởng giếng sâu cứ thả/Thương những bài thơ đánh bóng đến tàn canh… Đến đây, tôi lại nhớ đến hai câu thơ hay về mẹ của Êxênin: Chỉ mẹ là nguồn vui ánh sáng diệu kỳ/ Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước (Thư gửi mẹ). Đúng vậy, chỉ có mẹ mới là chỗ dựa vững chắc, là niềm an ủi của cuộc đời con.
 
Hoàng Đăng Khoa kết thúc bài thơ bằng lời tự trách móc mình: Con là đứa vô tâm nông nổi/ Xin được về tạ lỗi mẹ. Mẹ ơi! Thực tế, lúc trẻ người non dạ, chưa có nhiều đồng cảm, chia sẻ với mẹ thì con cái khó nắm bắt được ý nghĩa của lời xin lỗi. Ở đây, lời xin lỗi của anh không đơn giản chỉ là lời xin lỗi của đứa con nông nổi mà còn là lời xin lỗi mang tính nhân văn, lời xin lỗi thay cho lời cảm ơn mẹ. Thông qua mong muốn xin được về tạ lỗi mẹ, anh gửi gắm đến người đọc lời nhắn nhủ: Hãy biết cảm ơn mẹ vì mẹ đã sinh ra mình trong cuộc đời này.
 
Tình mẫu tử trong bài thơ Mẹ… thật đẹp, thật cảm động. Là câu chuyện riêng giữa nhà thơ với mẹ nhưng nó lại được trải rộng như câu chuyện của biết bao người. Đó là một tình cảm cao quý, thiêng liêng, không ai có thể mua được bằng tiền.
Hoàng Thụy Anh

tin liên quan

Trình diễn lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều

(QBĐT) - Chiều 17/11, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hoá-Thể thao và UBND huyện Lệ Thuỷ tổ chức buổi trưng bày và thực hành trình diễn lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thuỷ (Lệ Thuỷ).

Nhiều tiết mục hấp dẫn, ấn tượng

(QBĐT) - Tối 15/11, Ban tổ chức hội diễn văn nghệ ngành Giáo dục-Đào tạo đã tổ chức công diễn và trao thưởng cho các đơn vị có chương trình, tiết mục đạt giải.

Nhà thờ họ Đặng Đại làng Đức Phổ

(QBĐT) - Đức Phổ là một trong những làng tập trung nhiều họ sinh sống nhất. Có những họ lớn như họ Đặng, họ Trần, họ Phan, họ Phạm, họ Hoàng...Trong đó, họ Đặng là họ lớn nhất trong làng, đồng thời cũng là dòng họ đã có công lớn trong việc khai khẩn, mở mang, lập nên làng Đức Phổ.