Cơm bữa diếp, ai nhớ ai quên?

  • 07:27 | Thứ Hai, 11/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày hè oi ả, đến Lệ Thủy, du khách sẽ được đắm mình vào dòng Kiến Giang xanh mát, ngọt ngào; hòa vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nên thơ.
 
Đến Lệ Thủy là đến với những trải nghiệm du lịch văn hóa tâm linh; với những chùa chiền, những di tích lịch sử văn hóa; những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng: Suối Bang, hồ An Mã… Đặc biệt là đến với Bàu Sen!
 
Đến Sen Thủy, ngoài việc được thưởng thức bát cháo cá Bàu Sen nức tiếng, du khách còn được nghe câu chuyện “có thật như bịa”: Ăn cơm bữa diếp.
 
“Ăn cơm bữa diếp”-tức là ăn bữa cơm cách đây đã ba hôm trước. Vậy sao phải cứ là “ăn cơm bữa diếp” mà không là cơm bữa nay, hoặc bữa hôm qua?! Đó là cả một câu chuyện dài…
      Bàu Sen (xã Sen Thủy, Lệ Thủy)                  Ảnh: N. Hải
                        Bàu Sen (xã Sen Thủy, Lệ Thủy)                   Ảnh: N. Hải

Chuyện rằng, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có đơn vị bộ đội về đóng quân và ăn ở nhờ nhà dân Sen Thủy. Đến bữa cơm của mấy chú bộ đội, bọn trẻ trong nhà cứ đứng chầu chực, hóng hớt gần xa. Thấy thế, các chú bộ đội liền gọi vào ăn thì bị bà mẹ ngăn lại, bảo: “Các chú cứ ăn đi. Con tui ăn cơm bữa diếp rồi!”. Nói rồi, chị kéo con đi để cho mấy chú ăn cho tự nhiên, thoải mái.

Sau này, các chú bộ đội mới biết rằng, đó là tấm lòng của bà mẹ nghèo dành cho họ. Sợ con mình ăn hết phần cơm, bà mẹ đành phải dối lòng, kéo con mình đi trong nước mắt lưng tròng...

Xưa, vùng các thôn Phù Chánh, Phù Thiết thuộc xã Hưng Thủy và các thôn thuộc xã Sen Thủy đều chìm trong cảnh đói nghèo. Ruộng ít, đất đai khô cằn, sỏi đá, chủ yếu trồng khoai, sắn. Nhà nghèo lại đông con, gạo cơm không có. Nngười dân từ nam phụ lão ấu đều phải ăn ngô khoai thay cơm. Họ đặt ra quy định: Cứ 2 ngày sắn khoai thì có 1 ngày ăn cơm (nói đúng hơn là sắn khoai độn cơm). Nói là có bữa cơm chứ thực chất, được bao nhiêu cơm đều dành cho trẻ con và người già, các thành viên còn lại chỉ ăn khoai sắn có dính vài hạt cơm mà thôi...

Nhớ về những tháng ngày cơ cực,  anh Lê Mậu Tý-người con của quê hương Sen Thủy đã thốt lên thành thơ, với những cung bậc chan chứa tình thương và nước mắt:
 
“Cơm bữa diếp mẹ thường vẫn nhắc
Miếng trầu vằng đắng chát cuộc đời cay
Nón quai mây che bên mô cũng nắng
Chữ O tròn mẹ cũng chẳng hay”
 
(Cơm bữa diếp-Báo QBĐT ngày 2/11/2015)
 
Cũng phải thôi, cái thời buổi mà: “Môn khoai năm tháng đỡ đần/Chút môn thay cá, sắn tàu thay cơm” thì không chỉ có Sen Thủy mà hầu khắp các miền quê hương Việt Nam đều cùng chung cảnh ngộ. Gian khổ vậy mà bất khuất, kiên trung; mà sung sướng, tự hào, bởi:
 
“Rồi ánh sáng được thắp lên
Giữa bầu trời quê hương
Thắp sáng cuộc đời của mẹ”
 
Về Sen Thủy hôm nay, chúng ta không khỏi vui mừng trước sự đổi thay của quê hương. “Cơm bữa diếp” đã trở thành chuyện cũ, thành ký ức mãi mãi không phai mờ. Những điện, đường, trường, trạm, những công trình; những cánh đồng, những rừng cây công nghiệp xanh tươi ngút ngàn; những xóm làng trù phú, những ngôi nhà cao tầng khang trang… đã nói lên rằng: Sen Thủy hôm nay giàu đẹp lắm thay!
 
“Con nhắc chuyện ăn cơm bữa diếp
Mẹ cười... bay chớ có quên”…
 
Đỗ Đức Thuần

tin liên quan

Giới thiệu phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bạn bè châu Phi

Bộ phim tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ việc Người tham dự Đại hội Tours (Pháp) năm 1920 đến các hoạt động đấu tranh giành độc lập cho đất nước.

Họa sĩ Văn Đắc và "Ký ức thời gian"

(QBĐT) - Ông là họa sĩ tuổi cao nhất và là thế hệ đầu tiên trong đội ngũ sáng tác mỹ thuật ở Quảng Bình hiện nay, đó là hoạ sĩ Văn Đắc (TP. Đồng Hới), vừa tròn 80 tuổi.

Thanh Hữu "Khóc và cười"

(QBĐT) - Khóc và cười là tập thơ đầu của Thanh Hữu. Phần lớn thơ trong Khóc và cười được viết khi anh đã bước qua ngưỡng U50.