Nhạc sĩ Trần Tiến, nén cơn đau để hát

  • 13:34 | Thứ Sáu, 22/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cho đến tận giữa tháng ba năm 2022, trong mơ tôi cũng không nghĩ mình có thể được ôm vai, bá cổ người nhạc sĩ tài hoa Trần Tiến. Ấy thế mà, hoàng hôn ngày 24/3/2022, tôi và nhà báo Phạm Phú Thép, Chi hội trưởng Chi hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Trạch-Ba Đồn vào Cảng hàng không Đồng Hới để đón ông. Trong dòng người kín mít khẩu trang ở nhà ga, tôi vẫn nhận ra ông ngay. Ông cầm tay tôi thân mật hỏi: "Ủa, sao nhận ra tài vậy?", "Dạ thưa, tại cái mũ ạ!".
 
Nếu không đến, sẽ có lỗi với Quảng Bình
 
Tuấn-một người bạn của chúng tôi làm việc ở khu Sun Spa Resort, Mỹ Cảnh, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) nhưng rất đam mê nghệ thuật, khi hay tin Chi hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Trạch-Ba Đồn mời được nhạc sĩ Trần Tiến về tham dự lễ phát động cuộc thi sáng tác văn học trẻ và giao lưu cùng công chúng thì vô cùng háo hức.
 
Anh khẩn khoản nhờ chúng tôi mời nhạc sĩ và đoàn dùng cơm tối, rồi nghỉ ở Mỹ Cảnh một đêm. Nhưng nhạc sĩ chỉ nhận lời mời ăn cơm, ông muốn về TX. Ba Đồn nghỉ sớm để chuẩn bị cho công việc ngày mai. Thôi thế cũng "ok", được mời “thần tượng” một bữa cơm cũng đã là hạnh phúc, anh bạn tự hào nói vậy. Để có bữa cơm này, Tuấn và nhân viên, đã phải lựa chọn và trang trí không gian cả buổi chiều. Anh muốn một khung cảnh thật nên thơ, gần gũi thiên nhiên và rất…Quảng Bình, để tạo cảm hứng cho nhạc sĩ, dù phòng ăn sang trọng ở đây không thiếu.
 
Bữa cơm không có các món đặc sản đắt tiền, nhưng đã khiến nhạc sĩ Trần Tiến, phu nhân và những người cùng đi vô cùng thích thú. Đặc biệt là món ăn dân dã, ruốc khô rang dầm với xoài tươi thái chỉ. Vào bữa, nhạc sĩ tuyên bố: "Mình đang là bệnh nhân ung thư, bà Hồng (phu nhân nhạc sĩ) chỉ cho phép uống một ly nhỏ, nhưng mình xin phép uống với các bạn ba ly".
Nhạc sĩ Trần Tiến hát bài Mặt trời bé con.
   Nhạc sĩ Trần Tiến hát bài Mặt trời bé con.                  Ảnh: Lê Thanh Thu

Nhạc sĩ tâm sự: “Mình đã từng đến, nói đúng là đi qua Quảng Bình hai lần rồi. Lần thứ nhất là vào năm 1967, lúc đó mình 20 tuổi, theo đoàn văn công vào phục vụ tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh. Bọn mình đến Quảng Bình trong đêm, chỉ biết địa phận Quảng Bình qua lời nói của anh lái xe tải. Xe đi theo tuyến đường 20 và chỉ dám bật đèn gầm, xung quanh một màu đen thui, nào có thấy Quảng Bình là gì đâu. Nhưng mình vẫn rất ấn tượng với giọng nói của các cô gái giao liên. Mình nghe không hiểu lắm, nhưng cảm nhận thấy âm thanh trầm bổng như những nốt nhạc. Hôm nay, gặp các bạn ở đây, mình vẫn rất cảm hứng với những âm thanh đó. Có lẽ, đây là nguồn cảm hứng, để lúc bấy giờ mình một nốt nhạc bẻ đôi cũng chưa biết nhưng đã sáng  tác được các bài hát Thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp và đã đoạt giải A cuộc thi Tiếng hát át tiếng bom do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức chăng? Còn lần thứ hai mình đi qua Quảng Bình là sau giải phóng miền Nam năm 1975. Mình cũng không còn nhớ gì nhiều, chỉ biết Quảng Bình hai bên đường nghèo lắm, xơ xác lắm, xót xa lắm. Đến con phà hay cầu gì đó, bọn mình có mua được mấy cái nón lá về làm kỷ niệm…”.

Nhạc sĩ hào hứng nâng ly, trả lời câu hỏi của Tuấn: "Vì sao tôi muốn đến Quảng Bình ư? Là vì như tôi đã kể trên, nên tôi muốn một lần tận mắt thấy Quảng Bình trong ánh sáng ngày mới hôm nay, một Quảng Bình thay đổi như thế nào. Nay mình đã 75 tuổi rồi, lại mang trọng bệnh, cơ hội sẽ không còn nhiều. Bởi vậy, khi nhận lời mời của các bạn văn nghệ sĩ ở đây, mình không đắn đo, tính toán. Phải đứng dậy và đi ngay thôi, nếu không đến, sẽ có lỗi với Quảng Bình".
 
Nén cơn đau để hát
 
Tôi đã từng xem nhiều chương trình biểu diễn của Trần Tiến trên truyền hình và tôi nghĩ, một người du ca đầy ngẫu hứng như ông, chắc chỉ cần nhảy lên sân khấu là hát. Nhưng không, suốt buổi sáng 25/3, ông đã đóng cửa phòng và tập luyện.

Buổi trưa, ông ăn rất ít. Chị Hồng bảo: "Anh đang lo lắm đấy. Anh nói, mình càng lớn, càng nổi tiếng càng phải lo. Trước công chúng mình phải hết sức tôn trọng bằng cách tập luyện để không có những sơ suất xảy ra". Nhạc sĩ còn yêu cầu chúng tôi và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình cho chạy thử chương trình, thử sân khấu, âm thanh vào chiều 25/3. Chỉ khi mọi việc chuẩn bị cho buổi giao lưu sáng 26/3 xong xuôi, ông mới thở phào nhẹ nhõm. Ông đột ngột hỏi nhà báo Phạm Phú Thép, chợ Ba Đồn có bánh đa, bánh đúc không? Tất cả mọi người đồng thanh: Đặc sản! Thế là chợ Ba Đồn được chứng kiến người nhạc sĩ tài hoa ngồi xổm ăn bánh đúc, bánh đa. Tại đây, chị Hồng không quên đi mua một bọc ruốc khô to tướng về ăn và làm quà.

Bữa tối 25/3, Trần Tiến không uống ly rượu nào, để dành sức khoẻ cho ngày mai. Thay vào đó là những lời tâm sự gan ruột về sáng tạo và lao động nghệ thuật. Ông nói: “Sáng tạo nghệ thuật luôn cần yếu tố “trời cho” các bạn ạ! Có những sáng tác của mình được viết lên từ tâm thức, viết xong mình chưa thấy hay, nhưng khi đưa ra công chúng, khán giả lại thấy hay, thậm chí có bài cả một thời gian lâu sau mới thấy hay. Nhưng lao động nghệ thuật là nhất khoát phải xuất phát từ trái tim. Kể cả khi đói, viết để kiếm tiền, viết theo hợp đồng thì cũng phải bằng trái tim. Chỉ khi đem trái tim đến với trái tim thì nghệ thuật mới được phát sáng". Có phải vì thế mà Sao em nỡ vội lấy chồng viết cho sinh đẻ kế hoạch, Đời doanh nhân viết cho Hội Doanh nhân… đều được đón nhận nồng nhiệt chăng?

Sáng 26/3 tại Trung tâm Văn hóa huyện Quảng Trạch, theo kịch bản thì phải đến 9 giờ 25 phút mới đến chương trình giao lưu của Trần Tiến. Tuy vậy, ông yêu cầu 7 giờ 30 phút phải chở ông đến đó, ông cần có thời gian để chu đáo mọi thứ.
 
Đúng 9 giờ 25 phút, nhạc sĩ Trần Tiến bước ra sân khấu trong tiếng hò reo nồng nhiệt của khán giả. Chương trình theo kịch bản của Đài PT-TH Quảng Bình thực hiện trong khoảng một tiếng mười phút. Nhạc sĩ trò chuyện với người hâm mộ về cuộc đời và hoạt động nghệ thuật, trả lời một số câu hỏi của khán giả và tự trình bày 3 nhạc phẩm: Mặt trời bé con, Chị tôi và Không gục ngã. Ba tác phẩm do ông trình bày, khiến khán phòng lặng im phăng phắc.
 
Ai cũng muốn giao lưu với nhạc sĩ, ai cũng muốn nhạc sĩ hát thêm, nhưng sức khoẻ của ông không cho phép. Tuy vậy, trong cơn cao hứng nhạc sĩ đã “khuyến mãi” thêm bài hát Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp. Hát xong bài này khiến ông muốn xỉu, nhưng ông lại nhanh chóng hồi tỉnh bằng một ngụm nước do vợ chế biến riêng cho ông và chương trình đã kéo dài đến một tiếng bốn mươi phút.
Nhạc sĩ Trần Tiến và nhà thơ Đỗ Thành Đồng.
          Nhạc sĩ Trần Tiến và tác giả.                   Ảnh: Lê Thanh Thu
Nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự, ông bị ung thư vòm họng. Người bình thường xạ trị khoảng 15 lần là hết sức. Nhưng ông đã xạ trị đến lần thứ 30. Cái lần thứ 30 ấy khiến ông không dậy được nữa. Trong cơn mê ông nghe một âm thanh giống như tiếng cha mình gọi, Trần Tiến, dậy đi con, con không được phép gục ngã. Ông bừng tỉnh và giai điệu bài hát Không gục ngã hình thành.
 
Với cây đàn ghi-ta, một lần nữa, để kết thúc chương trình, nhạc sĩ trình bày bài Không ngục ngã trong sự nghẹn ngào xúc động và khâm phục của đông đảo người hâm mộ. Bài hát kết thúc, tiếng vỗ tay chưa dứt, người ta không thấy Trần Tiến đâu nữa.
 
Người hâm mộ chạy ào lên sân khấu, chạy ra sau hậu trường để mong có được với ông một kiểu ảnh, nhưng đều thất vọng. Một người bạn năn nỉ nhờ tôi xin tiếp cận ông. Tôi vì quá nể nang, dẫn bạn vào căn phòng giám đốc trung tâm. Vừa mở cửa, tôi thấy nhạc sĩ ôm ngực, mặt xanh tái, thở dốc. Tôi vô cùng ân hận bởi nhận ra ông đã nén cơn đau để hát.
 
Không thể hứa trước được
 
Chiều 26/3, tiễn Trần Tiến vào TP. Đồng Hới để bay vào TP. Vũng Tàu. Nâng ly rượu xong, ông nói: "Các bạn là văn nghệ sĩ, nhưng có một số bạn ở đây cũng là doanh nhân. Mình sẽ hát tặng các bạn bài hát Ngẫu hứng doanh nhân".
 
Chao ôi, viết về doanh nhân mà viết được như ông, hát được như ông thì quả thật như ông nói, chỉ có trái tim mới đến được với trái tim: “Đời doanh nhân vốn nhọc nhằn, đêm với đêm không cho là đêm/Bước phong sương muôn dặm trường, xa với xa không còn là xa/Đời doanh nhân thích độc hành, đi lối đi chưa ai từng đi”.
 
Trong phút chia tay bịn rịn, tôi có nhắc lại lời của một khán giả mà ông chưa kịp trả lời rằng, sau chuyến đi đến Quảng Bình ngắn ngủi này, ông có thể có một nhạc phẩm cho Quảng Bình không?
 
Trần Tiến im lặng một lúc rồi chảy nước mắt: “Tôi yêu Quảng Bình, tôi yêu các bạn, từ nay các bạn sẽ là những người em thân thiết của tôi. Nhưng tôi 75 tuổi rồi, sức khỏe lại không cho phép. Tuy nhiên, biết đâu đấy bỗng có giây phút “trời cho”. Nhưng thực lòng không thể hứa trước được”.
 
Chỉ ở lại với Quảng Bình chưa đầy ba ngày, thời gian thật ngắn ngủi. Nhưng nhạc sĩ Trần Tiến đã để lại những ấn tượng không thể phai mờ trong lòng người hâm mộ đến giao lưu trực tiếp và trên sóng truyền hình tỉnh nhà. Chia tay ông, tôi vẫn luôn hy vọng một nhạc phẩm của Trần Tiến viết về Quảng Bình yêu dấu.
 
Ghi chép của Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Biển và mẹ

(QBĐT) - Mẹ sinh ra tôi trên dải đất hẹp nhất Tổ quốc, nơi có những cồn cát nối nhau không dứt, đầy nắng, đầy gió. Cửa Gianh tháng tư sóng chừng đã lặng, đêm mặn mòi gió biển đưa tiếng oa oa của tôi bay xa. 

Nhà sử học Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam

Sự kiện kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thanh Hóa - quê hương của ông mà còn trên phạm vi cả nước.

Triển khai hiệu quả kết luận hội nghị văn hóa toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về VH và TT

(QBĐT) - Sáng nay, 21/4, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao (VH và TT) về thực hiện nhiệm vụ năm 2022.