Mùa cá trích

  • 14:20 | Thứ Sáu, 15/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một người bạn ở Đồng Hới ship biếu tôi một hộp gỏi cá trích do tự tay bạn ấy chế biến. Thú thật, đây là lần đầu tiên tôi trông thấy món ăn này. Nhìn những lát cá phi lê mỏng có màu vàng mơ sau khi đã trộn đủ gia vị như gừng, chanh, tỏi…Mùi thơm nức lên tận mũi khó kiềm chế. Tôi lấy một lá cải cay, cuốn một lát cá mỏng, cho thêm ít gừng thái chỉ, chút rau mùi. Quả thật, phải dùng đúng cụm từ “ ngậm mà nghe” của người xưa khi mô tả món ăn ngon.
 
Tôi cũng chưa có điều kiện để tìm hiểu xem ngư dân đánh bắt cá trích như thế nào. Chỉ biết rằng, cứ sau Tết Nguyên đán là đến mùa cá trích. Càng đến tháng hai, tháng ba âm lịch thì một dải đất từ cửa Gianh đến Cảnh Dương, các chợ truyền thống đều lấp lánh ánh màu cá trích. Nghe nói, mùa này cá trích bơi vào bờ cách khoảng 5-7 hải lý, nếu giăng lưới trúng luồng cá đi qua, có khi chỉ cần 5 tiếng đồng hồ đã bắt được đầy thuyền, kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Cá trích là loài cá biển giàu dinh dưỡng, nhưng giá rất bình dân, lại dễ chế biến tùy theo sở thích của từng người. Nhiều “đại gia” quê tôi ở xa, cứ đến mùa này, lại nhờ người nhà gửi cho nồi cá trích kho ớt xanh thơm lựng.
 
Đó là nói chuyện ngày nay với những điều kiện thuận lợi. Chứ lúc tôi còn ấu thơ, được ăn một con cá trích cũng là niềm mơ ước.
 
Tôi còn nhớ cứ đến tháng ba, bà nội tôi lại hay hát ru: “Ơi mệ đi bán cá tươi/Quần vắt lên cổ có lời chi không”. Tôi vốn tò mò nên hỏi cho bằng được vì sao lại quần vắt ngang cổ? Bà tôi thủng thẳng nhai trầu, trả lời: “Đó là chuyện của ngày xưa cháu ạ! Cứ đến mùa cá trích, ngư dân Quảng Phúc, Nhân Thọ lại đánh bắt được nhiều. Cứ buổi chiều, chồng con đi biển về là vợ phải có nhiệm vụ đem cá đi bán. Ở vùng biển ai cũng đánh cá, nên phải đem cá lên tận chợ Ba Đồn mới bán được. Quảng đường cách xa 6-7km, nếu đi bộ lên đến chợ cá sẽ ươn, không ai mua nữa. Để cá tươi mới bán được giá, các mệ phải chạy, chạy hơn cả chạy giặc. Cái câu “quần vắt ngang cổ” là cường điệu nỗi khổ đó của họ. Ngày nay thì họ đánh bắt tập thể rồi, cá được nhập cho mậu dịch”, không còn cảnh “quần vắt ngang cổ” nữa."
 
Nói là thế, nhưng lúc bấy giờ, tôi thỉnh thoảng vẫn thấy người đi bán cá rong. Ấy là vào những ngày tháng ba âm lịch, mẹ tôi nói cá trích vào bờ để đẻ trứng, nên nhiều và béo hơn cá giêng hai. Nhất là những ngày đông nồm, cá về nhiều, mậu dịch thu mua bán cho cán bộ, công nhân không hết, để ươn, nên cũng cho các hộ đánh bắt gần bờ tự bán cá. Gặp những lúc như vậy, ngư dân đem kho nhạt lên, rồi mới thủng thẳng gánh đi các làng quê để bán rong. Nhà tôi ở gần đường nên họ hay ghé nghỉ lao, xin nước uống. Anh em chúng tôi đứng xung quanh gánh cá rỏ dãi. Mẹ thương quá, mua năm con, bữa tối cho mỗi đứa một nửa con. Thường là bà, mẹ, chị em gái luôn phải ăn phần đầu.
 
Tuy nhiên, cũng có những buổi sáng ở chợ Họa (phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) cá trích ngồi trắng bãi. Những dịp này, người dân nghèo quê tôi mới có thể ăn được cá trích. Đây cũng là cơ hội để mẹ tôi thực hiện lời hứa với các con rằng, học cho giỏi, giúp mẹ siêng năng, khi nào có cá trích rẻ, mẹ mua kho, cho mỗi đứa một con bắc ngang bát. Mẹ tôi chọn hàng cá trích nào to nhất, tươi nhất, ngồi xuống chọn chục con thật đều, đủ trong nhà mỗi người một con.
 
Quê tôi hồi xưa mua bán cá bằng chục, không bằng cân. Chọn được cá ưng ý rồi, người bán đòi giá cao mấy cũng mua. Cá này mẹ tôi kho nhạt, gắp lên bát cho mỗi đứa mỗi con, kèm nửa cái bánh đa nướng. Anh em chúng vô cùng háo hức, lấy đũa bóc từng lớp thịt cá trắng, thơm phức, lộ rõ buồng trứng cá dài béo ngậy. Chao ôi, đó là những bữa “liên hoan” lâu lâu mới được lặp lại một lần. Hạnh phúc nhiều khi chỉ đơn giản như vậy!
 
Gặp những buổi chợ trưa, hàng cá chỉ còn lại cá vừa và nhỏ, giá bán thường rất rẻ. Mẹ tôi mới tranh thủ mua được nhiều, về làm sạch và chế biến món cá trích kho hầm ớt xanh. Tôi ngồi theo dõi, thấy mẹ sắp cá theo lớp vào nồi đất, đổ nước ấm vào và đun sôi. Khi nước cạn, cá chín, mẹ mới cho đủ thứ gia vị vào, như nước mắm, muối, mỡ, kẹo kho cá, đường, ớt xanh phủ một lớp trên mặt, cho lửa liu riu và hầm kỹ. Mẹ giải thích, phải ninh bằng nước sôi như vậy cho xương cá nhừ ra đã rồi mới cho ngấm gia vị. Nếu cho mắm muối ngay từ đầu thì thịt cá sẽ mềm, mặn mà xương vẫn không giòn tan. Quả thật, món cá trích kho hầm ớt xanh trứ danh của mẹ tôi mà ăn với cơm rành, nó vừa thơm, vừa béo, bùi, giòn tan. Cứ gắp con cá cắn ngang từ đầu đến cuối rồi thỉnh thoảng “Ngậm mà nghe” chứ đừng vội nuốt.
 
Bây giờ mẹ đã đi xa. Tháng ba chợ vẫn đầy cá trích. Thời đổi mới, đủ sơn hào hải vị. Nhưng anh em chúng tôi, trên mọi nẻo đường đều thương nhớ về món cá trích tháng ba...
 
 Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Ấn tượng chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh "Huyền tích thác Bụt"

(QBĐT) - Tối 14/4, Ban tổ chức Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa phối hợp với Công ty Truyền thông Cát Trắng tổ chức chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh "Huyền tích thác Bụt". 

Tổ chức lễ dâng hương tại thác Bụt

(QBĐT) - Sáng 14/4, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn cùng đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài huyện đã đến dâng hương tại thác Bụt.

Trưng bày nhiều gian hàng giới thiệu đặc sản

(QBĐT) - Chiều 13/4, huyện Minh Hóa khai trương, trưng bày nhiều gian hàng đặc sản ẩm thực đặc sắc riêng có của địa phương. Đây là hoạt động nhằm quảng bá du lịch, giới thiệu nhiều sản phẩm nông, lâm sản và tiểu thủ công nghiệp mang đậm màu sắc, dấu ấn của huyện.