Đất tổ Hùng Vương - Linh thiêng nguồn cội

  • 07:48 | Chủ Nhật, 10/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù ai đi ngược về xuôi
               Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba...
 
Từ xa xưa, giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức dân tộc. Bản ngọc phả để tại Đền Hùng viết từ thời Trần, được đời vua Lê Thánh Tông chép lại rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.
 
Đến đời nhà Nguyễn, năm Khải Định thứ 2 (1917), chính thức lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ các vua Hùng. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN, ngày 18/2/1946 quy định nghỉ lễ ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch và tổ chức các hoạt động hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ngày giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946), năm đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước đã đến dâng hương lên bàn thờ Tổ cùng với tấm bản đồ Tổ quốc và một thanh gươm quý thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc trước nguy cơ giặc Pháp cướp nước ta một lần nữa.
 
Tám năm sau, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 19/9/1954, từ chiến khu về lại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân dâng hương tại Đền Hùng. Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong, Người nhắc nhở: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tiếp tục con đường giải phóng, hơn 30 năm sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm1975 đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Từ năm 1995, giỗ Tổ Hùng Vương được xem là ngày lễ lớn trong năm. Ngày 2/4/2007, Quốc hội quyết định lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm là ngày Quốc lễ linh thiêng của dân tộc.
n
                              Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở TP. Đồng Hới.                   Ảnh: Bách Chiến

Giỗ Tổ Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một tín ngưỡng dân gian có ở nhiều quốc gia ở châu Á. Song, hiếm thấy một quốc gia, một dân tộc thờ chung một vị Quốc Tổ, tổ chức chung một ngày giỗ Tổ như ở nước ta. Giỗ Tổ Hùng Vương là nét đặc trưng văn hóa tâm linh, là biểu tượng tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam “có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó”. Chính vì thế, ngày 6/12/2012, tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày giỗ Tổ, đến với đất Tổ để được trở về nguồn cội. Nơi đây khí thiêng xã tắc tụ về trong hình hài sông núi. Núi Nghĩa Lĩnh còn gọi là núi Hùng cao 175m thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ như chiếc đầu rồng hướng về phương Nam, mình rồng uốn khúc bởi ba ngọn núi thiêng là núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo được gọi là “Tam sơn cấm địa”. Phía sau, dãy đồi từ Phú Lộc đến Thuận Thành như 99 con voi chầu về đất Tổ. Phía trước, ngã ba Bạch Hạc, nơi hợp lưu ba dòng sông lớn: sông Hồng, sông Đà, sông Thao như những dải lụa màu bao bọc lấy vùng đất thiêng của dân tộc.
 
Xa xa, phía đông là dãy Tam Đảo (núi Mẹ) trùng điệp, phía nam là dãy Ba Vì (núi Cha) cao ngất. Đúng là: “Đăng giả hệ hà tư, vạn cổ giang sơn đế tạo thủy/Giai tai do vượng khí, thiên niên thành quách úy thông gian” (Lên đây nhớ về cội, muôn thuở giang sơn chốn này tạo dựng/Đẹp thay nhờ vượng khí, nghìn năm thành quách cây cỏ tốt tươi). Núi sông tạo dựng lại được thổi hồn dân tộc trong những truyền thuyết nghìn năm, đất Tổ Hùng Vương linh thiêng nguồn cội.
 
Đến Đền Hạ thờ Mẹ Âu Cơ nơi sinh ra bọc trăm trứng mới hiểu thêm hai tiếng “Đồng bào”. Đó là tình cảm máu thịt, yêu thương, đùm bọc của cả dân tộc trong suốt bốn nghìn năm lịch sử. Bọc 100 trứng nở 100 người con, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên non khai sơn phá thạch mở mang bờ cõi mới có giang sơn gấm vóc ngày nay.
 
Trên đỉnh Nghĩa Lĩnh có Kính Thiên Lĩnh Điện thờ Thần Núi (với ba ngọn núi thiêng là Cao Sơn, Áp Sơn, Viễn Sơn); Phù Đổng Thiên Vương, người có công giúp vua Hùng đánh đuổi ngoại xâm và Thần Lúa. Hàng năm, Hùng Vương cùng các Lạc hầu, Lạc tướng tổ chức tế lễ cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Vẫn còn đó những cánh đồng trù phú đất Hy Cương (xưa gọi là Hùng điền), người dân (xưa gọi là Hùng dân) từng được các vua Hùng dạy trồng lúa nước. Hạt lúa thơm thảo của hoàng tử Lang Liêu làm nên bánh chưng, bánh dày “Trời tròn đất vuông” dâng vua cha Hùng Vương thứ sáu vẫn nảy mầm trên đất Phong Châu.
 
Những di tích Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun ở đất Tổ đã minh chứng cho sự có mặt của nền văn minh lúa nước thời đại Văn Lang. Bắt đầu dựng nước cũng là lúc phải giữ lấy nước. Tương truyền, Mộ Tổ sau đền Thượng là nơi sau khi cùng quân dân Văn Lang đánh đuổi giặc Ân, Hùng Vương thứ 6 cởi áo vắt trên cành kim giao rồi hóa, táng tại đó. Cạnh đó, Cột đá thề của Thục Phán-An Dương Vương khi được con rể Hùng Vương thứ 18 là Tản Viên nhường ngôi dựng lập thể hiện son sắt lời thề quyết giữ gìn non sông xã tắc của các vua Hùng. An Dương Vương xuống đồng bằng về đóng đô ở Cổ Loa lập nên nước Âu Lạc tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
 
Dưới chân núi Hùng có Đền Giếng nơi thờ hai công chúa của Hương Vương thứ 18 là Ngọc Hoa và Tiên Dung. Công chúa Ngọc Hoa gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh và Thủy Tinh là bài ca chinh phục thiên nhiên, ngăn chặn lũ lụt của cư dân Văn Lang buổi đầu dựng nước. Mối tình công chúa Tiên Dung với chàng trai đánh cá nghèo Chữ Đồng Tử là biểu trưng cho tình yêu chung thủy, nét đẹp tâm hồn của người con gái Việt Nam. Đất Tổ Hùng Vương linh thiêng nguồn cội còn hàm chứa những giá trị tinh thần truyền thống quý báu của dân tộc mãi mãi trường tồn.
 
Kỷ niệm 10 năm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thắp nén tâm hương hướng về đất Tổ, mãi mãi ghi nhớ công ơn các Vua Hùng dựng nước để con cháu ngày nay nguyện xây dựng non sông gấm vóc Việt Nam “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
 
Phan Viết Dũng

 

tin liên quan

Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ

Ngày 31/3, Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022) dành cho các hoạ sỹ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp; công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Nhiều hoạt động trong Ngày Sách và Văn hóa đọc

Các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được tổ chức từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 4 với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc".

Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022 kết nối trực tuyến đến hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ

Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022 - Lễ giỗ Tổ linh thiêng và Vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu sẽ diễn ra vào ngày 10/4/2022 (tức ngày 10/3 âm lịch) bằng hình thức kết nối trực tuyến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.