Chất nhà nông trong "cây không rễ"

  • 14:20 | Thứ Ba, 19/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh năm 1947 ở Lộc Mỹ, Trung Trạch (Bố Trạch), Hồng Thế lớn lên cùng cánh đồng, lăn lóc cùng lúa khoai, rồi làm thơ từ… bao giờ. Năm 1973, ông vào Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình, năm 1974 được bầu vào Ban Chấp hành Hội. Hồng Thế đã xuất bản 4 tập thơ và in chung trong 18 tuyển tập, “Cây không rễ” là ấn phẩm thứ tư của ông. Vẫn mạch nguồn ấy, song cấu trúc cô đặc hơn, với những phát hiện tinh tế về đồng quê, thôn xóm, những trở trăn, xa xót cùng cây lúa, hạt ngô và băn khoăn thế sự.
 
Mở đầu tác giả đã lấy tấm gương nhà nho Nguyễn Công Trứ, để tự nhắc mình: Nghỉ hưu ông Trứ về làng/Cổ xe bò kéo bụi đàng ruổi rong/…/Đeo-đai-mũ-lọng vứt rồi/Cần chi kiệu-ngựa thảnh thơi xe-đò/Cuộc đời như sợi lò xo/Lên quan, xuống lính vẫn lo dân hàn (Nguyễn Công Trứ). Mấy chục năm gắn bó với nông nghiệp và nông dân, ông vẫn không rời chiếc cày. Ông vinh hạnh vì điều đó, ông yêu cuộc sống này hơn cũng vì điều đó: Trở về tay trắng bàn tay/May còn lưỡi cuốc, lưỡi cày và tôi/Đêm đêm tiếng dế bên hồi/Tri âm bầu bạn chẳng rời bỏ ta (Tấc lòng còn chút mà ghi). Từng nổi tiếng với bài thơ “Đá Nhảy”, nay ông lại mời ta về một làng quê văn vật: Làng ở giữa con sông và dãy núi/Giọng dẻo mềm cứ “giăng” “giứa” mà yêu/Nơi đất học thành danh nhiều khoa, giáp/Nơi tuổi thơ tắm mát những câu Kiều/Nơi biển biếc, vầng trăng xanh hò hẹn/Tôi yêu làng như nơi đã sinh ra (Qua sông Lý Hòa gặp đèo Lý Hòa).
 
“Cây không rễ” là bài thơ được ông chọn làm tên sách. Chỉ mười câu lục bát, tác giả đưa ta về quê ông sau vụ gặt, cho ta yêu da diết, hình ảnh cây rơm thân thương: Cái cây không rễ thẳng ngay/Trụ trời muôn thuở cắm ngày vào đêm/Ôm quanh những sợi óng bền/Sợi thơm của nắng sợi mềm của mưa. Ở khổ kết, tác giả đã nâng tầm giá trị của bài thơ. Không chỉ những sợi rơm vàng, từ đây cảm xúc của chủ thể trữ tình đã hướng đến những điều lớn lao, cao đẹp hơn: Thơm từ ngày xửa, ngày xưa/Thơm từ chân ruộng mẹ vừa gặt xong (Cây không rễ).
 
Giếng nước không thể thiếu trong đời sống thôn quê Việt Nam. Giếng nước không chỉ cung cấp nguồn nước, mà còn giúp con người tắm gội tâm hồn luôn thanh tao, sạch sẽ. Tác giả đã lấy câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”, ngầm phê phán những ai có thói quen “cho mình là hơn”: Đường đời không hiểu ra sao/Trông lên trời rộng còn cao lắm mà/Tháng ngày tập tễnh đi qua/Không đi hết cái sân nhà cỏn con/Chưa ra khỏi những lối mòn/Làm sao biết quả đất tròn hay vuông (Đáy giếng).
Trang bìa tập thơ “Cây không rễ” của Hồng Thế.
Trang bìa tập thơ “Cây không rễ” của Hồng Thế.

Trăn trở với đất đai, với những giọt mồ hôi ướt đẫm áo nâu giữa trưa hè. Ông ước mình là chú dế, miệt mài ca hát, sẻ san nhọc nhằn: Trả tôi về lại đất đai/tôi làm con dế miệt mài hát ca/Hát cùng những hạt mưa sa/Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng/Hát cùng cánh áo nâu sòng/Mồ hôi tan chảy ròng ròng đang trưa/…/Sông còn chảy núi còn ngồi/Tôi còn duyên nợ rối bời rạ rơm (Tôi còn mưa nắng).

Càng yêu trời biển, đồng quê bao nhiêu, ông càng cồn cào ray rứt: Quê tôi vùng đồng bãi/tôi thấm bùn từ thuở chăn trâu/mẹ một đời bền áo nâu/bàn tay sạm màu nắng cháy/Bây giờ làng lên phố/nhiều nhà thả ruộng hoang/hạt giống đến mùa mơ tách vỏ/xa xót/tiếng gà/loang (Hạt giống chờ tách vỏ). Một tâm hồn không đậm chất nông dân, làm sao ông có thể viết lên những câu thơ gan ruột như thế!

Là người gieo hạt, Hồng Thế thổn thức lắng nghe, miên man trong lòng đất, lời ru của dế, lời ca của gió và giấc mơ mùa vàng: Cả lời chi sâu thẳm/thân thuộc giữa tháng ngày/lời quê hương nồng mặn/trong hơi thở luống cày/Cả lời chi rạo rực/tỏa lan khắp đất trời/giấc mơ còn thổn thức/mùa xuân đã cất lời (Lời hạt). Trong ông luôn có một niềm tin: Tổ quốc hình chữ S/mỗi năm gánh chịu nhiều cơn bão/đất nước vững bền như bàn thạch/cơn bão nào rồi cũng đi qua.
 
Song khi nhận ra những cơn bão không theo quy luật đất trời, cơn bão đến từ lòng tham, thì trên dải đất này, quyết không để một tấc khuyết hao. Mỗi câu thơ như một tuyên ngôn chắc nịch, thể hiện thái độ, trách nhiệm của nhà thơ: Tổ quốc hình chữ S/non sông đất nước cha ông/một tấc quyết không cho giặc cướp/những cơn bão đang rình rập giữa biển/chưa thể nói là cơn bão đã đi qua (Bão biển).
 
Cày ruộng và gieo trồng, đọc sách và làm thơ. Tuổi bảy lăm, ngòi bút Hồng Thế vẫn không ngừng sáng tạo. Tâm hồn ông vốn nhạy cảm, giàu rung chấn. Mỗi bận người thơ ứa lệ, chính là lúc ông chộp được những tứ thơ hay, những câu thơ xương tủy: Bạn ơi thơ viết mấy bài/ủ men thành rượu rót chai thòm thèm/ruộng vườn cỏ rả lem nhem/buồn vui tĩnh lặng ngọn đèn khêu khuya/Hạt mưa cuối nẻo đường về/lặng im ớn lạnh dầm dề tủy xương/đã từng gối đất nằm sương/sá chi chút bụi ngày thường đeo đai/Bạn ơi, cày cuốc còn dài/nỗi niềm xin gửi cùng chai rượu này/mấy khi lả chả được say/lệ thơ rụng đỏ xác cây lộc vừng (Lệ thơ).
 
“Cây không rễ” là sản phẩm tinh thần của một nông dân được trời phú hai món hồi môn: Tình yêu đồng quê, sống chết với đồng quê và tình yêu thi ca, văn học. Nhờ đó, thơ ông còn được đăng tải ở nhiều báo, tạp chí trên cả nước. Dù vậy, Hồng Thế chưa bao giờ thỏa mãn với mình. Ông bùi ngùi thú nhận: Tôi như chiếc lá vàng xa nguồn cội/Rụng xuống vườn trưa ngủ ngon lành/Lăn lóc trong mơ hòn sỏi cuội/Tuổi thơ ai đã đánh rơi mình (Trưa lặng).
 
Nguyễn Tiến Nên

tin liên quan

Lặng lẽ với những đam mê

(QBĐT) - Đến với hội họa như một cơ duyên, họa sỹ Hồ Trọng Lâm, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình, giáo viên bộ môn Mỹ thuật Trường THCS Phú Trạch (Bố Trạch) với niềm đam mê, hàng ngày cần mẫn, sáng tạo cho ra đời nhiều tác phẩm ấn tượng.

Tổ chức đợt phim kỷ niệm 30/4, 1/5, 7/5 và 19/5

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ tổ chức Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5 và 19/5 gồm các phim thể loại đa dạng, từ phim truyện, phim tài liệu cho đến phim hoạt hình. Đợt phim sẽ diễn ra trong phạm vi cả nước.

Ra mắt video âm nhạc ca khúc chính thức SEA Games 31

Video âm nhạc ca khúc chính thức của SEA Games 31 "Hãy tỏa sáng" (Let's Shine) sẽ được ra mắt công chúng Việt Nam và quốc tế vào lúc 20 giờ tối nay (ngày 18/4) qua hệ thống kênh chính thức của SEA Games 31.