Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian

  • 07:34 | Thứ Hai, 28/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Huyện Quảng Trạch là địa phương vẫn giữ được những làn điệu dân ca truyền thống, như: Hát ca trù ở Quảng Phương, hát nhà trò, hát kiều ở Quảng Kim, hát ru, chèo cạn ở xã Cảnh Dương... Những năm qua, cùng với việc quan tâm hỗ trợ các câu lạc bộ (CLB) dân ca trên địa bàn duy trì hoạt động, huyện khuyến khích truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian của quê hương…
 
Tích cực hỗ trợ
 
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lễ hội Cầu ngư năm nay ở làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch) đã phải cắt giảm quy mô tổ chức, chỉ thực hiện các nghi lễ tâm linh truyền thống. Điều này đã làm nghệ nhân Lê Thành Lộc và các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) dân ca Cảnh Dương có chút buồn. Bởi lẽ, trong lễ hội Cầu ngư của làng biển Cảnh Dương, toàn bộ phần hội đều do CLB đảm nhận, đặc biệt là tiết mục chèo cạn với điệu hò đặc sắc của quê hương.
 
Không riêng gì lễ hội Cầu ngư, nhiều năm qua, CLB dân ca Cảnh Dương đã có nhiều hoạt động biểu diễn, phục vụ nhiều sự kiện văn hóa, từ thiện của huyện Quảng Trạch. Nghệ nhân Lê Thành Lộc, Chủ nhiệm CLB dân ca Cảnh Dương chia sẻ: “Vì niềm đam mê văn hóa dân gian, đặt biệt là những làn điệu hát ru, hò chèo cạn của quê hương, tiếp nối những thế hệ đi trước, đặc biệt là nghệ nhân Phạm Ngọc Thức, năm 2017, tôi cùng với 4 thành viên cao tuổi đứng ra thành lập CLB dân ca Cảnh Dương.
 
Ngày mới thành lập, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm về cả vật chất và tinh thần của cấp ủy, chính quyền xã, đặc biệt mới đây, UBND huyện Quảng Trạch đã quyết định cấp kinh phí thường xuyên mỗi năm 10 triệu đồng, đến nay, CLB duy trì tốt hoạt động”.
Một buổi sinh hoạt tập hát ca trù của các em học sinh Trường THCS Quảng Phương và CLB ca trù Đông Dương.
Một buổi sinh hoạt tập hát ca trù của các em học sinh Trường THCS Quảng Phương và CLB ca trù Đông Dương.
Tương tự, CLB ca trù Đông Dương (xã Quảng Phương), là một trong những CLB được thành lập rất sớm (năm 1999) và hoạt động bằng kinh phí đóng góp của các thành viên.
 
Xuất phát từ mong muốn được góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của quê hương, các thành viên trong CLB, mặc dù nhiều người tuổi cao, sức yếu vẫn không quản ngại khó khăn, sắp xếp thời gian, đóng góp kinh phí để sưu tầm, tập luyện, biểu diễn.
 
Đến nay, sau nhiều năm duy trì sinh hoạt, CLB ca trù Đông Dương cũng đã nhận được nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên 10 triệu đồng/năm từ UBND huyện Quảng Trạch, cùng sự quan tâm, động viên kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương.
 
Ông Nguyễn Trần Sơn, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Trạch cho biết: “Nguồn kinh phí mà UBND huyện hỗ trợ hoạt động thường xuyên cho các CLB văn hóa dân gian trên địa bàn tuy chưa nhiều nhưng phần nào đã kịp thời động viên, khích lệ các CLB duy trì hoạt động, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị vốn văn hóa dân gian ở địa phương…".
 
Nỗ lực trao truyền
 
Theo ông Sơn, cùng với việc cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các CLB văn hóa dân gian, huyện Quảng Trạch cũng quan tâm đến việc trao truyền vốn văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ. Ngày thành lập, CLB dân ca Cảnh Dương chỉ có 4-5 thành viên, đa số đều đã lớn tuổi. Tuy nhiên, đến nay, CLB đã có hơn 30 thành viên và điều đáng mừng là không chỉ có các ông, các bà lớn tuổi mà còn rất nhiều thành viên là thanh niên và học sinh.
 
Tại xã Quảng Phương, nghệ thuật hát ca trù ở làng Đông Dương còn được đưa vào trường học như một môn học ngoại khóa, thu hút được nhiều học sinh tham gia. Cô giáo Hoàng Thị Mỹ Lệ, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phương cho biết: “Không chỉ đưa ca trù Đông Dương vào học ngoại khóa, nhà trường còn thành lập được CLB ca trù Đông Dương của trường, với sự tham gia của 19 thành viên, là các em học sinh trong trường. Hàng tuần, CLB sinh hoạt vào ngày thứ 7 và ngày càng thu hút được đông đảo học sinh, giáo viên, cùng các nghệ nhân ở CLB ca trù Đông Dương tham gia. Hoạt động của CLB đã khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo tồn nghệ thuật hát ca trù của các em học sinh”.
 
Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Trạch cho biết thêm: “Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian trên địa bàn huyện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu hơn về những giá trị của văn hóa dân gian trên địa bàn. Đồng thời, quan tâm hơn nữa các nghệ nhân, các CLB dân ca về cả vật chật và tinh thần; đẩy mạnh các hoạt động “trao truyền” cho lớp trẻ, đặc biệt là đưa các loại hình nghệ thuật dân gian vào các trường học…"
 
Phan Phương
 

tin liên quan

Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 đảm bảo hiệu quả

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định trên, ngày 24/12/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Kế hoạch số 5270/KH-BTTTT hướng dẫn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên toàn quốc.
 

Phát hành tem quảng bá cây cà phê có sử dụng công nghệ in mùi hương

Bộ tem đặc tả các giai đoạn cơ bản trong quá trình sinh trưởng của cây cà phê, từ hạt mầm, cây non, cây trưởng thành, đơm hoa, kết trái, đến hạt càphê, rồi thành ly càphê nóng hổi, hấp dẫn.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch vào ngày 15/3, các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đã tích cực quảng bá các tour, tuyến mới với phương châm: Thích ứng, đón thời cơ!