"Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua"

  • 08:18 | Thứ Hai, 31/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Người đang yêu đếm năm tháng đi qua bằng những mùa xuân đầy hương sắc; người sẽ yêu đón tuổi đời bằng hy vọng tràn trề; kẻ yêu xong rồi ngẫm thời gian như mùa thu lá vàng hờ hững rơi...
 
Đường vào xóm tôi-xóm nhà lá-là độc đạo, đầu xóm án ngữ bởi chiếc cầu chỉ lọt hai con trâu tránh nhau. Vậy là chỉ lũ trẻ cuối xóm tôi mới là những đứa đầu tiên nghe được tiếng rú ga của chiếc Zin khơ mắc lầy nơi vũng bùn to nhất trên con đường làng ổ trâu chen lẫn ổ gà.
 
Cái thời mà tiếng xe ô tô hấp dẫn hơn âm thanh mạ đi chợ về thì phản xạ bật tưng lao vút của lũ trẻ xóm tôi khi nghe tiếng chiếc Zin khơ rú ga cũng không có gì lạ. Chỉ sau khoảng thời gian của một hồi kẻng ra chơi ở trường kể từ khi chiếc Zin khơ phát ra âm thanh đầu tiên “báo lầy” là năm, bảy thằng lóc nhóc mũi thò lò đã có mặt tại “vũng lầy vui vẻ”, nơi chiếc Zin khơ của chú bộ đội đang lùi, tiến rín xịch, xịch rín. Chú bộ đội mà bọn trẻ trâu cứ réo tên là “chú lầy xe” chân dí côn tay gạt số liên hồi, mồ hôi vã đầm đìa. Chiếc xe hết phóc lên lại lùi xuống, bánh quay tít, bùn bắn tung tóe. Lũ trẻ chúng tôi hò reo cổ vũ. Đang nhảy tưng tưng bỗng cả lũ chợt nhận ra và khựng lại, lỡ cổ vũ hăng quá xe thoát lầy thì lại không được xem màn vật lộn của con bò sắt và vũng bùn nhão nhoẹt nên bèn quay sang cổ vũ ngược. Khi thấy xe tụt xuống sau hồi rú ga bươn lên thì bọn lật kèo réo lên vui mừng hả hê.
 
Cứ thế, khoảng thời gian “chú xe lầy” vật lộn với vũng lầy là lúc cảm xúc của bọn trẻ thăng hoa, hò reo cổ vũ, rồi hồi hộp lo lắng khi xe xuýt thoát nạn và vỡ òa hân hoan mỗi khi xe… tụt về điểm xuất phát.
 
Đó là lúc tôi bước vào cấp hai.
*    *
 
Em xuất hiện trên trần gian này sau tôi đúng một mùa xuân. Nhà em có hai chị em, chị gái của em là một thiếu nữ có “nụ cười buông súng”. Bác trưởng xóm, không biết có phải thời đó đất nước vừa đi qua cuộc chiến ác liệt dài đằng đẵng hay vì sức mạnh gì đó rụng rời mà bác ví von nụ cười của chị với hành vi liên quan đến súng đạn như thế. Nhưng quả thật với tôi, chắc chắn có gì tôi sẽ buông nấy mỗi khi mùa xuân hé nụ trên đôi môi của chị.
Nhưng, em mới là người khiến tôi tương tư.
 
Nhà em ở cuối xóm, cửa sổ phòng phên đất của em nhìn ra ngay... “vũng bùn sum họp”. Vậy nên mỗi khi chiếc Zin khơ rồ ga cũng là lúc thấp thoáng sau chiếc rèm lao xao được kết bằng những con thoi giấy đầy sắc màu mái tóc mùa xuân xanh mướt mơn man trên bờ vai nhỏ rung rinh. Và khi chiếc xe xui xẻo tụt xuống sau cú bươn bất thành, em lại khanh khách cười. Đó cũng là lúc tôi không thiết gì xe chẳng cần gì pháo. Bọn trẻ thì vô tư hò reo không biết có kẻ vừa đứng xem xe lầy vừa tương tư “mùa xuân bên cửa sổ”.  
 
Thi thoảng, “chú lầy xe” bó tay với con trâu sắt bất trị đành nhờ sự giúp đỡ của địa phương tìm chỗ ăn ở qua đêm chờ sửa xe. Bác trưởng xóm quyết ngay: “Nhà o Dung”. 
 
O Dung là tên của mạ em, o là góa phụ không cô đơn, một mình nuôi dạy hai con giữa thời buổi đất nước khó khăn vô vàn thời bao cấp. Chồng o hy sinh bên thềm chiến thắng, khi anh giải phóng quân đang lao lên cắm lá cờ Tổ quốc trên nóc Dinh Độc Lập.
 
O không cô đơn vì o được xóm làng tin yêu, lại được bầu làm tổ trưởng tổ phụ nữ xóm. Hai đứa con gái của o đều ngoan ngoãn.
 
Ngày qua tháng lại, sáng, hai chị em ra đồng bắt cua mò ốc, quần quật cho đến lúc xóm làng lên đèn mới ngơi tay. Bữa cơm của gia đình bé nhỏ chỉ ba phần sắn một phần khoai, đơn sơ đến mức không thể giản đơn hơn.
 
Vất vả, khó khăn là thế nhưng không hiểu sao, hai chị em nhà em lại đẹp miên man. Hình như gian khó chỉ làm cho nhan sắc bừng nở mãnh liệt hơn khiến môi em thêm hồng, tóc em thêm dài và mắt em thêm long lanh. Tôi hay trộm nghĩ việc bầu chọn chức danh người đứng đầu xóm tôi quả là đúng đắn. Tố chất lãnh đạo có khác, bác trưởng xóm bốn mắt, máy đo độ cận gác kim nhưng bác lại nhìn ra “nụ cười chị em nhà con Dung” ngay từ khi má em chưa biết ửng hồng… 
35.jpg

Mùa xuân năm ấy, khi chú bộ đội không hiểu vì sao cứ vào xóm tôi là lầy mà hễ lầy là xe hỏng và cứ hỏng xe là vào tá túc nhà em thì lũ trẻ xóm tôi vẫn còn… trẻ cả lũ. Chúng chả cần quan tâm vì sao chú bộ đội lại hay lầy xe ngay nhà em và cũng không để ý gì đến những điều xảy ra sau đó, chỉ biết xem xe lầy là niềm phấn khích hiếm hoi liên quan đến máy móc thời ăn khoai lang bắn súng bẹ chuối.

Nhưng tôi thì khác, tôi đã biết “tương tư thức mấy đêm rồi”.
 
*    *
 
Một ngày mùa thu, có hai chiếc xe con hùng dũng vượt qua vũng lầy mang theo mấy chú bộ đội súng ống chỉnh tề. Dẫn đầu là viên sĩ quan chỉ huy có dấu trừ và hai ngôi sao lấp lánh trên ve áo. Thấy xe, bọn trẻ vô tư lao đến sờ mó vuốt ve.
 
Hóa ra, tinh thần cảnh giác cao độ khi biên giới phía Bắc chưa yên tiếng súng khiến hành vi “lầy xe có hệ thống” mang niềm vui cho lũ trẻ xóm tôi của anh bộ đội trẻ đến tai cấp trên. Một đoàn kiểm tra nhanh chóng về địa phương và đó là lần đầu tiên bọn trẻ nhìn thấy hơn một chiếc xe và nhiều khẩu súng. Và không hiểu sao hai chiếc xe của đoàn kiểm tra ghép lại còn nhỏ hơn xe chú bộ đội nhưng lại không hề hấn gì ở vũng lầy vui vẻ kia.
 
Mặc cho o Dung bổ trái mít ngọt ngào đon đả mời đoàn và bác trưởng thôn phân trần lý giải (sau này mới biết nội gián chính là người có đôi mắt nhìn ra nụ cười buông súng) thì biên bản vi phạm cũng đã hoàn thành đặt ngay ngắn trước gương mặt thảng thốt tội nghiệp của chú bộ đội đang yêu.
 
Tôi nhớ lúc đó, hai chị em nhà em từ ngoài đồng trở về.
 
Tất nhiên tôi không thể biết người chị đã nói những gì với chú chỉ huy. Chỉ thấy gương mặt chị ửng hồng, tay lau lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán suy tư… Và khi con Mực vừa quen hơi mấy vị khách thôi gầm gừ thì viên sĩ quan có vẻ “buông súng”, chú quay sang khen mít ngọt, mít thơm, chuyện trò vui vẻ với ba mẹ con, bắt tay cảm ơn bác trưởng thôn đầy trách nhiệm rồi vỗ vai giáo huấn “đối tượng”. Đại ý chú nói chú tôn trọng, chú cổ vũ gì gì đó tôi không rõ nhưng câu cuối thì đầu làng cuối xóm đều nghe: “Tình yêu đẹp nhất là tình yêu nước”.
 
Và mấy ngày sau, chú bộ đội đang yêu “tình nguyện” lên biên giới.   
 
*    *
 
Vậy là hiệp một không bù giờ của tình yêu anh lính “lầy xe” và cô thôn nữ có nụ cười “buông súng” kết thúc bằng câu giáo huấn đầy tính cách mạng của viên sĩ quan.
 
Anh là lính quân báo. Mọi cuộc chuyển quân đều bí mật không báo trước. Ngay cả những lá thư gửi về cho người yêu đang ngóng trông cũng không được tiết lộ “anh ở đầu sông hay cuối sông”.
 
Hơn một năm sau ngày anh lính xung phong ra tiền tuyến, chị gái của em cũng xung phong nhập ngũ. Chị đi tìm hiệp hai không bao giờ được bắt đầu của mối tình dang dở bởi ở quê nhà xa xôi, “bầm ơi” của anh lính đã cưới cho anh một người con gái mà anh chưa bao giờ biết mặt.
 
Ngôi nhà nhỏ chỉ còn lại hai mẹ con em. Không còn xe lầy, không còn tiếng lao xao của bức rèm giấy, không còn tiếng cười khanh khách đuổi bắt đàn bướm bên bờ dậu. Không còn kẻ si tình hóng chờ mái tóc buông dài bên khung cửa.
 
Nhưng cũng từ đó, em thân thiết với tôi hơn. Năm tôi lên cấp ba là lúc em bước vào năm cuối cấp hai bận rộn. Cô hàng xóm ngày ngày sang nhà tôi nhờ giảng bài. Những buổi học toán khô khan bao giờ cũng kết thúc bằng những vần thơ tình lãng mạn…
 
Tháng ngày mộng mơ trôi qua như những bông bưởi trắng tinh rơi rơi bên hiên nhà.
 
Rồi phong trào đưa dân đi kinh tế mới, khai hoang những vùng đất hứa tận Tây Nguyên xa xôi. Bác trưởng xóm lại phát huy tinh thần cách mạng, đưa mẹ con em vào danh sách khăn gói rời quê hương.
 
Tôi chia tay em chưa lần thổ lộ, đêm sáng trăng thoảng hương không dám nhìn nhau, em không khóc, ánh mắt thăm thẳm ngước lên bầu trời đêm xa xăm: “Anh có đi tìm hiệp hai của chúng mình!?”
 
*    *
 
Mấy chục mùa thu lá vàng hờ hững rơi sau cái ngày người chị lên đường đi tìm anh lính quân báo với cuộc hôn nhân vắng mặt và câu hỏi không thể trả lời của em. Hàng ngày, ngang qua nơi xóm cũ, hạ kính xe bâng khuâng hóng tìm đâu đó nụ cười của người em gái vô tình vướng quên trên hàng dậu ngập tràn sắc vàng hoa mướp mùa thu.
 
Nhưng có lẽ, nụ cười khiến xe phải lầy phải hỏng sẽ không bao giờ được tìm thấy giữa cái xóm nhà lá toàn mái bằng mái Thái. Kỷ niệm xưa đã xóa nhòa theo năm tháng và theo cả tốc độ đô thị hóa. Đường bê tông, đường nhựa len lỏi vào tận cùng ngõ xóm. Xóm xa xưa ấy còn đâu cảnh lầy xe, những đứa trẻ trâu không còn hân hoan hóng tiếng xe rú giật mà giờ đây trên tay chúng là tin tin trò chơi đua xe đoạt mỹ nhân. Giống nòi duy trì vĩnh cửu nhưng những thiếu nữ khanh khách ngày nay không còn thả nụ cười lầy xe “buông súng” nữa…
 
Họ cười kiểu khác..!
Truyện ngắn của Thanh Lợi
 
 

tin liên quan

Dưa hấu Quảng Bình phẩm vật tiến vua

(QBĐT) - Vào các dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, ngày giỗ chạp…, chúng ta thường thấy trên bàn thờ của nhiều gia đình người Việt dâng cúng tổ tiên quả dưa hấu bên cạnh nhiều loại hoa quả quý khác. Sự lựa chọn này của người dân không phải ngẫu nhiên, mà có nguồn gốc từ giá trị dinh dưỡng mát lành, từ ý nghĩa văn hóa lịch sử lâu đời, từ quan niệm truyền thống của người Việt đối với quả dưa hấu và phong tục theo đó được bền vững trao truyền thế hệ.

Bài ca dâng Đảng

(QBĐT) - Xuân về, con kết vạn đóa hoa
Thành bài ca kính dâng lên Đảng
Là niềm tin luôn luôn tỏa sáng
Là tấm lòng yêu kính sâu xa.

Đèo Đá Đẽo

(QBĐT) - Ngày xưa, trèo đèo Đá Đẽo