Nhớ câu đối Tết

  • 08:03 | Thứ Sáu, 28/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hàng năm, cứ khoảng 20 tháng Chạp, trên nhiều tuyến phố ở TP. Đồng Hới, cây cảnh, hoa Tết đã bắt đầu được bày bán. Nhìn những chậu quất trĩu quả, những cành đào đầy nụ hoa tím, đỏ từ phía Bắc chở vào; những chậu mai, chậu cúc vàng từ phía Nam ra, rồi các loài hoa hồng, lay ơn, cẩm chướng… đua nhau khoe sắc, lòng người cảm thấy rạo rực, náo nức.
 
Lẫn trong dòng người đi chợ hoa, tôi để ý trên gương mặt mỗi người một vẻ. Có người vui vẻ, thoải mái, mua được mấy chậu hoa đắt tiền đưa lên xe ô tô bóng lộn; có gương mặt lo âu, đắn đo, cầm lên để xuống từng cành hoa; có tiếng nói, tiếng cười râm ran của người mua, kẻ bán. Cũng có người chen lấn chủ yếu đi để ngắm hoa. Lách trong dòng người chen lấn chợ hoa, tôi ghé vào mấy hiệu sách bên đường Mẹ Suốt tìm mua mấy câu đối và bức tranh Tết. Nhìn một lượt trong cửa hàng không thấy, hỏi người bán, họ cười: “Bác ơi! Bữa nay ai còn treo câu đối, treo tranh Tết như xưa mà bác còn tìm mua”. Nghe cô bán hàng trả lời mà lòng cảm thấy chạnh buồn. Tự nhiên lại nhớ mấy câu thơ của cụ Vũ Đình Liên ngày trước còn văng vẳng đâu đây:
 
Mỗi năm hoa đào nở
 
Lại thấy ông đồ già
 
Bày mực Tàu, giấy đỏ
 
Bên phố đông người qua
Rồi người ta đua nhau, háo hức xin chữ cụ đồ Nho như tìm thấy niềm hạnh phúc, sự may mắn đón chào năm mới:
 
Bao nhiêu người thuê viết
 
Tấm tắc ngợi khen tài:
 
“Hoa tay thảo những nét
 
Như phượng múa rồng bay”
 
Thế rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, cuộc sống ngày càng thay đổi, vật chất ngày càng no đủ hơn, dần dà người ta lãng quên đi, ông đồ năm xưa đến mùa hoa đào lại ngồi viết thuê bên đường phố không còn ai hỏi han, khách mỗi năm một vắng, và chỉ còn:
 
Ông đồ vẫn ngồi đấy
 
Qua đường không ai hay
 
Lá vàng rơi trên giấy
 
Ngoài trời mưa bụi bay…
 
Công bằng mà nói, nay thỉnh thoảng cũng có người thuê viết, xin chữ ở nơi chùa chiền, đền miếu. Nhưng người xin chữ chỉ đến cầu may chứ không còn là nét văn hóa, là thú vui như xưa và người viết chữ là những kẻ tay ngang, một chữ Nho bẻ đôi chưa chắc đã hiểu...
 
Thế hệ chúng tôi lớn lên, không còn thấy cảnh cụ đồ viết thuê bán chữ trên đường phố, nhưng khi xuân đến, Tết về thì không thể thiếu đôi câu đối và tranh ảnh Tết. Ngày ấy, vào bất cứ hiệu sách hay sạp hàng tạp hóa chợ Tết nào, người ta đều bày bán câu đối và tranh treo Tết.
 
Mua sắm chuẩn bị đón Tết mà chưa mua được đôi câu đối coi như chưa có Tết. Cầm đôi câu đối mới mua, cặp tranh cá chép hóa rồng, nghe mùi giấy mực mà nôn nao Tết. Chuẩn bị đón Tết, lau dọn bàn thờ tổ tiên, mang đôi câu đối mới mua về treo lên đỏ rực giữa nhà cùng đôi tranh cá chép trang trí hai bên, đứng nhìn ngắm nghía mà lòng cảm thấy vui mừng, háo hức. Đúng là có “thịt mỡ, dưa hành” thì phải đi liền “câu đối đỏ” mới thực sự là Tết.
 
Nay, “câu đối đỏ”, tranh treo Tết hầu như vắng bóng, mấy tờ lịch ảnh treo tường trang trí cũng ít dần, thay vào đó, nhà nào có điều kiện kinh tế thì gắn những bức tranh to tướng in thêu phong cảnh trên các chất liệu gốm sứ, gương kính treo quanh năm, một số nhà không có điều kiện thì treo mấy chữ viết kiểu thư pháp, trang trí nhà cửa đón Tết, không còn cảm giác bồn chồn, háo hức như thời “câu đối đỏ”.
 
Sang tháng Chạp, mai, đào lại nở hoa, xuân lại bừng nắng ấm, trên các trục đường phố, chợ hoa ngày Tết lại được bày bán, không khí vui xuân đón Tết lại về, chúc cho mọi người, mọi nhà chuẩn bị đón xuân mới 2022 trong sự bình an, niềm vui và hạnh phúc mới.
 
Tân Phương

tin liên quan

Góc nhìn 365: Tết chậm

Chúng ta đang chuẩn bị đón những ngày "Tết Covid" thứ 2 trong cuộc đời mình, kể từ khi những làn sóng dịch đầu tiên bắt đầu chạm tới Việt Nam vào năm năm 2020. Thế nhưng, cái Tết năm nay hẳn cũng khác nhiều so với năm trước, sau sự khốc liệt của đợt dịch thứ 4 vừa rồi.

 

Sứ mệnh nhà thơ với trái tim biển, đảo

(QBĐT) - Biển, đảo luôn là đề tài nằm lòng, đề tài lớn xuyên suốt chiều dài văn học Việt Nam.

Xây dựng văn học - nghệ thuật Quảng Bình thời kỳ mới toàn diện, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp Nhân dân (*)

(QBĐT) - Phát biểu của đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Bình, ngày 26/1.