Bếp lửa

  • 07:43 | Thứ Sáu, 14/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chiều muộn, nhìn những làn khói mỏng bay lên từ gian bếp nhà ai chợt thấy bồi hồi nhớ về những ngày xưa, tháng cũ. Nhớ tiếng củi nổ lép bép, tiếng lửa reo phần phật và hơi khói từ căn bếp mẹ nấu… Nhớ dáng mẹ, dáng bà lom khom bên bếp lửa bập bùng để rồi cả nhà được thưởng thức bữa ăn dẫu đạm bạc, đơn sơ nhưng đầy ắp tiếng cười bên bếp lửa ấm với làn khói vấn vương trên mái lá.
 
Tôi sinh ra, lớn lên ở một làng quê nhỏ nằm trải dài bên nhánh sông Gianh mà người dân quê tôi thường gọi là rào. Từ nhỏ, chị em tôi đã biết phụ mẹ kiếm củi, nhen bếp, nấu cơm. Để có đủ củi cho những ngày đông, mẹ tôi đã phải chuẩn bị dự trữ ngay từ những hè nắng như đổ lửa. Hàng ngày, chị em tôi thường ra vườn kiếm những nhánh nè khô từ những cây tre quanh vườn, gom những cành nhỏ, lá khô về đun còn các cành lớn phải để dành cho ngày đông rét mướt. Mẹ thường nói với chúng tôi rằng “thiếu củi như thiếu gạo” nên lúc nào cũng nhắc nhở chị em tôi phải biết siêng năng kiếm củi phòng khi mưa gió có cái để đun nấu.
 
Bếp lửa thường gắn với hình ảnh người phụ nữ tảo tần hôm sớm. Từ gom củi, nhóm bếp, đun nước, nấu cơm đến đỏ lửa gần như cả ngày trong những hôm nhà có kỵ giỗ. Ngày đông khí trời ẩm ướt, mẹ phải “mồi” dăm bảy lần bằng lá khô, giấy vụn mới có lửa, ngày hè lại phải chịu cảnh nóng bức, áo đẫm mồ hôi nhưng lúc nào các mẹ, các chị cũng vui cười xem đó là niềm hạnh phúc, là một phần trong thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình.
 
Trong nỗi nhớ về những ngày đã qua, tôi thường nhớ bếp lửa trong chái bếp của nội, nơi đã ấp ủ tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Nếu như bếp lửa của mẹ được nấu bằng củi, thì bếp lửa của nội chủ yếu bằng rơm, rạ còn củi luôn phải để dành để nấu nồi bánh chưng đón giao thừa. Xong vụ gặt, nhà nào, nhà nấy đều xây rơm, rạ thành đụn, thành cội dùng để đun nấu. Lửa rơm cháy nhanh nhưng chóng tàn nên mỗi lần vào bếp, nội phải thường xuyên canh lửa, đôi tay bà thoăn thoát vừa tiếp rơm, vừa gạt tro vì chỉ cần lơ đễnh một chút là lửa tắt phải nhóm lại.
Nấu cơm nấu bằng rơm, rạ không đơn giản chút nào. Nội luôn canh chừng khi cơm sôi già một chút là nhấc xuống đặt bên cạnh bếp rồi khơi tro phủ kín nắp nồi. Nồi cơm sau khi được ủ bằng hơi nóng của tro luôn có lớp cháy vàng ươm và lũ trẻ chúng tôi thường được bà chia mỗi đứa một miếng chấm với vừng đen mà với tôi bây giờ đó là món ăn ngon nhất, nhớ nhất. Ngày nắng, nội lấy rơm từ các cội rơm được xây ngoài vườn đưa vào bếp để nấu, khi trời chuyển gió lại phải mang rơm từ vườn vào trữ trong nhà, phòng mưa đổ xuống rơm ướt không có cái để đun. Nội thường dùng một ống nứa tròn bằng cổ tay rỗng hai đầu để làm ống thổi, tiếp khí cho ngọn lửa bùng lên, rồi dùng thanh sắt nhỏ dài để khơi tro ủ cơm hay nồi cá đồng kho với củ nghệ, hạt tiêu xanh… Và tôi luôn được thưởng thức bữa cơm ngon từ tay nội nấu, được ngủ sâu trong vòng tay và lời ru êm đềm của nội mỗi lúc đêm về.
 
Làm sao tôi quên được dáng nội gầy gầy, đôi bàn tay chai sạn nhưng chưa một ngày nghỉ ngơi, hết lo lắng cho con, lại ân cần chăm cháu. Khi gà vừa cất tiếng gáy sớm, bà đã dậy nhóm bếp nấu nước, lo bữa sáng rồi tất bật với công việc đồng áng, ruộng vườn và cả chuẩn bị bữa cơm trưa, tối cho chúng tôi. Ông nội tôi mất sớm, bà một mình nuôi các con khôn lớn, trưởng thành rồi lần lượt bác tôi, bố tôi, các cô, chú đều lập gia đình ra riêng. Nhiều lần bố tôi, bác tôi muốn đón bà ở cùng để tiện chăm sóc nhưng bà nhất định không rời căn nhà mái lá vì đó là nơi bà gắn bó cuộc đời với ông tôi, nơi có bàn thờ ông nội và người chú của tôi đã hy sinh tại chiến trường miền Nam cùng tấm bằng Tổ quốc ghi công mà ngày ngày bà tôi vẫn thắp hương trò chuyện với người đã khuất.
 
Từ năm lên 10 tuổi, tôi được bố mẹ cho ở với bà để bà đỡ buồn vì phải sống một mình trong căn nhà ba gian trống trải. Vì thế, tôi là đứa cháu may mắn được ở với bà nhiều nhất. Cứ mỗi buổi tan trường trở về nhà, tôi lại chạy vào bếp, tay ôm đầu gối nội và nhõng nhẽo đòi bà kể chuyện.Thường những câu chuyện của bà thường bắt đầu bằng hai chữ “ngày xưa”, từ chuyện “Sọ dừa”, “Nàng tiên ếch”… đến chuyện tuổi thơ của bố tôi, chuyện về người chú đã hy sinh khi mới 20 tuổi, chuyện ông tôi với hàng cau trước hiên nhà… Có những chuyện nội kể làm tôi cười khúc khích và cũng có những chuyện khiến cả hai bà cháu cùng khóc… Câu chuyện kết thúc cũng là lúc bữa cơm đã xong, bà cháu tôi lại cùng nhau thưởng thức, cùng trò chuyện, có món ngon nào bà lại gắp lên bát cho tôi và nói “ăn nhiều, học giỏi, lớn nhanh để bà nhờ”. Ấy vậy mà khi tôi khôn lớn, chưa kịp báo hiếu để “bà nhờ” thì bà tôi đã trở thành người thiên cổ. Bếp lửa ngày xưa giờ chỉ là kỷ niệm để mỗi lần nhớ lại cay cay khóe mắt.
 
Tôi lớn lên từ những ngọn lửa trong rất nhiều kiểu bếp. Bếp lửa của mẹ là chiếc kiềng ba chân bằng sắt, bếp lửa của ông ngoại là ba viên gạch chụm vào nhau còn bếp lửa của nội là hai thanh sắt gác lên hai hòn đá. Nồi niêu, soong chảo chủ yếu là bằng gang để nấu cơm, canh, nồi được nung bằng đất để kho cá. Bữa cơm đôi khi chỉ có muối vừng, rau luộc, cá đồng kho tiêu… mà sao ngon đến lạ.
 
Những năm sau này, nhà tôi cũng như nhiều nhà khác thay thế từ bếp củi thành bếp ga, bếp điện. Dần dà, bếp củi, bếp rơm rạ chỉ còn trong ký ức. Nhớ những đêm 30 bên bếp lửa củi than hừng hực canh nồi bánh chưng để đón giao thừa. Nhớ đôi mắt nội ánh lên bên bếp lửa khi kể tôi nghe những câu chuyện “ngày xưa”.
 
Nhớ mẹ tảo tần lựa chọn những thanh củi đẹp bó lại gọn gàng chờ đông, đón Tết. Và nhớ rất nhiều, nhớ nhất là những ngày đông đã qua rất lâu nhưng vẫn có cảm giác như mới đây thôi. Và trong rất nhiều nỗi nhớ những câu thơ trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt cứ thế ùa về: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/Cháu thương bà biết mấy nắng mưa (...) Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu/Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả/Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở/Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?"
 
                                                                   Nh. V

tin liên quan