Người "truyền lửa" âm nhạc Bru-Vân Kiều

  • 07:57 | Thứ Năm, 16/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với vốn kiến thức âm nhạc của mình, nghệ nhân Hồ Văn Tiêu, ở bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) đã “truyền lửa” cho nhiều thế hệ trên địa bàn. Lòng nhiệt huyết của ông đã góp phần phục dựng và phát triển những tinh hoa âm nhạc truyền thống của dân tộc Bru-Vân Kiều.
 
Yêu nhau qua câu dân ca
 
Nghệ nhân dân gian Hồ Văn Tiêu sinh ra và lớn lên ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngày nhỏ, ông không chỉ học văn hóa mà còn được nuôi dưỡng bằng những làn điệu dân ca của người Bru-Vân Kiều từ cha mẹ. Dần dần, ông đã chơi được nhiều loại nhạc cụ, thuộc các điệu múa, điệu hát truyền thống của dân tộc mình như: Múa mừng lúa mới, hát giao duyên, hát ru con... hay các nhạc cụ truyền thống như: Kèn, sáo, đàn nhị, cồng, chiêng, trống…
 
Lớn lên, Hồ Văn Tiêu đã mang lời ca, tiếng nhạc của mình đi phục vụ tại các lễ hội của bản làng khiến bao người say đắm, trong đó có bà Hồ Thị Hải, vợ của ông bây giờ. Bà Hải cho biết: “Ngày đó, ông Tiêu hát điệu giao duyên và thổi kèn hay lắm. Trong những đêm trăng thanh gió mát, trai gái trong vùng đi sim đều nghe tiếng hát, tiếng kèn ông vang cả núi rừng.
Ông Hồ Văn Tiêu đang truyền dạy các điệu nhạc, múa, hát cho học sinh Trường PTDT nội trú Lệ Thủy (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát).
Ông Hồ Văn Tiêu đang truyền dạy các điệu nhạc, múa, hát cho học sinh Trường PTDT nội trú Lệ Thủy (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát).
Tôi cũng vì mê tiếng kèn, tiếng hát của ông mà nên duyên vợ chồng đến mãi bây giờ”. Bà Hải ngày đó cũng là một “bông hoa” của núi rừng, lại biết hát giao duyên nên có rất nhiều chàng trai say đắm. Song, bà đã được tiếng kèn, tiếng hát ông Tiêu chinh phục sau vài lần đi sim, hát giao duyên.
 
Ông Hồ Văn Tiêu kể: “Người Bru Vân-Kiều ngày xưa rất đam mê âm nhạc. Ngày đó, vùng tôi ở có nhiều lễ hội để trai gái hẹn hò, gặp nhau. Đặc biệt, trong những dịp đi sim, ai muốn có bạn tình phải biết đàn, hát, thổi sáo. Từ những đặc thù như thế nên trai gái trong vùng ai cũng đam mê học nhạc. Người biết nhiều thì truyền cho người biết ít, người biết ít truyền lại cho người chưa biết nên trai gái trong vùng gần như ai cũng biết hát, đàn, thổi sáo..."
 
“Truyền lửa” cho thế hệ sau
 
Năm 1968, vợ chồng Hồ Văn Tiêu đưa nhau ra bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy định cư. Ông Hồ Văn Tiêu nhớ lại: “Những năm tháng đầu định cư tại Quảng Bình, gia đình tôi cũng như nhiều bà con Quảng Trị khác ở bản Cồn Cùng gặp muôn vàn khó khăn. Do vậy, các hội hè rất ít được tổ chức, bà con cũng ít tụ tập để đàn hát, các giá trị văn hóa tổ tiên để lại ngày càng bị mai một nên tôi phải quyết tâm giữ gìn”.
 
Trong quá trình công tác, ông Hồ Văn Tiêu đã từng làm Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy 3 nhiệm kỳ. Trên cương vị của mình, ông luôn quan tâm đến việc phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở các bản làng, đặc biệt là gìn giữ các làn điệu dân ca, điệu múa, nhạc cụ của dân tộc mình.
 
Năm 2007, ông nghỉ hưu theo chế độ nhưng vẫn nung nấu “truyền lửa” các giá trị văn hóa Bru-Vân Kiều cho đồng bào, nhất là thế hệ trẻ. Với lòng nhiệt huyết, ông đã đến các hộ gia đình vận động bà con không bỏ âm nhạc truyền thống, giảng giải tầm quan trọng của âm nhạc trong tình yêu, hôn nhân, lao động cũng như trong các lễ hội của người Bru-Vân Kiều.
 
Ngoài ra, ông còn tập hợp những người biết đàn, hát, chế tác nhạc cụ để giao lưu, học hỏi và truyền dạy cho nhau. Anh Hồ Văn Cường, ở bản Cồn Cùng cho hay: "Nhờ có ông Hồ Văn Tiêu truyền dạy nên tôi đã chơi được một số loại nhạc cụ và biết hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Giờ đây, mỗi khi ru con hay lên nương, rẫy, đi lễ hội tôi vẫn thường hát các làn điệu dân ca đó và cảm thấy rất vui, tự hào. Tôi sẽ đem các làn điệu này để truyền dạy lại cho con cháu và các thế hệ sau này”.
 
Hơn hai năm trước, Trường PTDT nội trú Lệ Thủy đã sưu tầm, mua sắm các loại nhạc cụ, đồ dùng truyền thống của người Bru-Vân Kiều rồi mời nghệ nhân Hồ Văn Tiêu và những người biết đàn, hát, chế tác nhạc cụ về truyền dạy, giới thiệu cho học sinh. Từ đó, nhiều em đã biết hát, chơi thành thạo một số nhạc cụ dân tộc, thậm chí còn biểu diễn tốt tại một số chương trình văn nghệ trong huyện.
 
Em Hồ Văn Thành, học sinh Trường PTDT nội trú Lệ Thủy bộc bạch: “Qua việc tiếp cận, học tập các giá trị văn hóa truyền thống tại trường do bác Hồ Văn Tiêu truyền đạt, em thấy người Bru-Vân Kiều chúng em có một nền văn hóa giàu bản sắc. Qua đó, em ngày càng thêm yêu, tự hào về quê hương của mình”.
 
Ông Hoàng Văn Lình, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy cho biết: "Nghệ nhân Hồ Văn Tiêu có công lớn trong phục hồi lại bản sắc văn hóa của người Bru-Vân Kiều. Ông am hiểu các điệu hát dân ca, chơi các loại nhạc cụ truyền thống và thường truyền dạy cho học sinh tại các trường học, thế hệ trẻ tại các bản làng. Hiện, xã cũng đang có dự định thành lập câu lạc bộ đàn, hát dân ca rồi mời nghệ nhân Hồ Văn Tiêu đến truyền đạt. Đồng thời, sưu tầm, chế tác thêm các làn điệu mới cũng như các loại nhạc cụ truyền thống để lưu giữ, phát triển cho thế hệ sau”.
 
Với những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị những di sản văn hóa, năm 2016, ông Hồ Văn Tiêu đã được công nhận là nghệ nhân dân gian tỉnh Quảng Bình. 
 
Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Lệ Thủy cho biết: “Hiện ngoài Trường PTDT nội trú Lệ Thủy đưa văn hóa Bru-Vân Kiều vào dạy trong trường học, trên địa bàn còn có các trường ở 3 xã miền núi cũng đã nghiên cứu, sưu tầm nhạc cụ và các giá trị văn hóa của người Bru-Vân Kiều để giới thiệu, truyền dạy cho học sinh. Qua đó, giúp các em hiểu biết thêm giá trị văn hóa của đồng bào mình, góp phần bảo tồn và phát triển những tinh hoa đặc sắc của dân tộc Bru-Vân Kiều…"
 
Xuân Vương

tin liên quan

Tổng kết cuộc vận động sáng tác về đề tài "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Quảng Bình"

(QBĐT) - Ngày 15-12, Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình tổ chức  tổng kết cuộc vận động sáng tác về đề tài "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Quảng Bình".

"Bao nhiêu cái nắng để làm khô một dòng sông" - Bài 2: Đậm đà Lệ Thủy

(QBĐT) - Anh tiết lộ với tôi bí quyết là muốn nồi rạm "nhức neng" (nhức răng) thì phải chọn một nửa rạm đực, một nửa rạm cái. Nếu không phân biệt được thì cứ thò tay bóc lên, hễ chúng đang quặp vào nhau đủ cặp là dùng, một con thì thả xuống... Anh lý giải món ăn cũng như trời đất, trong âm có dương, trong dương có âm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) -  Chuyển đánh nhanh, thắng nhanh
Thành đánh chắc, thắng chắc