Cảm ơn cuộc đời 2021: Lời tri ân gửi tuyến đầu chống dịch COVID-19

  • 08:13 | Thứ Bảy, 11/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Thông qua phóng sự, giao lưu và biểu diễn nghệ thuật, chương trình sẽ tiếp tục gieo vào lòng người những hạt mầm tốt đẹp của tình yêu thương và sự tử tế trong đại dịch.
Chương trình sẽ dành lời tri ân dành cho những người ở tuyến đầu chống dịch. (Ảnh: VTV)
Chương trình sẽ dành lời tri ân dành cho những người ở tuyến đầu chống dịch. (Ảnh: VTV)
Chương trình truyền hình trực tiếp “Cảm ơn cuộc đời 2021” phát sóng lúc 20 giờ 10 phút ngày 12-12 trên kênh VTV1 sẽ dành lời tri ân dành cho những người ở tuyến đầu chống dịch.
 
“Cảm ơn cuộc đời” là chương trình thường niên do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất vào dịp cuối năm. Đây là khoảng thời gian mà con người thường muốn "sống chậm lại một chút" để suy ngẫm về câu chuyện của năm cũ.
 
Với chủ đề "Cảm ơn vì đã trở về," chương trình cùng khán giả nhìn lại những câu chuyện xúc động, có ý nghĩa nhân văn được chọn lọc từ những sự kiện xảy ra trong năm 2021, khi đại dịch COVID-19 nhuốm màu xám xịt cho bức tranh cuộc sống. Hàng triệu người mất việc, cuộc sống bấp bênh. Hàng chục nghìn người lên đường tiếp viện cho tuyến đầu trong dịch với những tháng ngày đằng đẵng xa gia đình.
 
Đi qua những đau thương, tình yêu luôn là điều còn lại sau mọi nỗi đau và mất mát. Chương trình mang thông điệp giản dị là cảm ơn những người ở tuyến đầu chống dịch, cảm ơn những nỗ lực vượt qua bạo bệnh để sống và trở về, cảm ơn người dân Việt Nam đã luôn cưu mang nhau trên hành trình trắc trở…
 
Chương trình mang tới khán giả những câu chuyện xúc động và nhân văn. Đó là câu chuyện “Cha con và xe cứu thương” của ông Đặng Tri Thông (62 tuổi) và con trai Đặng Minh Trí (24 tuổi) tại xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới. Hai cha con đã cùng nhau chạy xe cứu thương hàng trăm cây số hỗ trợ chống dịch dù bản thân phải vay tiền để đi làm tình nguyện.
 
Hay như câu chuyện “Mái ấm tình thương” của bé Châu và người cha đỡ đầu: Khi Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên đưa tro cốt của chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (44 tuổi, ngụ phường Tân Phú) về với gia đình, anh rất bất ngờ khi người tiếp nhận tro cốt là một cháu bé rất nhỏ! Hỏi thăm hoàn cảnh, anh được biết bố của bé Châu đã bỏ đi từ khi bé mới sinh, nay Châu lại mồ côi mẹ. Anh Kiên đã nhận làm cha đỡ đầu và bảo trợ học tập cho đến khi bé đủ 18 tuổi.
 Anh Đinh Công Duy ngồi trên xe lăn đang thực hiện phóng sự về Nhà May Mắn. (Ảnh: VTV)
Anh Đinh Công Duy ngồi trên xe lăn đang thực hiện phóng sự về Nhà May Mắn. (Ảnh: VTV)
Khán giả cũng sẽ xúc động với câu chuyện của Nhà May Mắn, nơi che chở cho hàng trăm người khuyết tật suốt gần 30 năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, anh Đinh Công Duy, một thành viên của Nhà May Mắn, đã giúp đỡ ekip ghi lại những thước phim tại mái ấm trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
 
Những câu chuyện thật đẹp đã lan tỏa đi những thông điệp lạc quan và tích cực. Những con người trong chương trình vẫn đang tiếp tục công việc bằng các hành động thiết thực và ý nghĩa cho cộng đồng. Đội ngũ y bác sỹ, những người lính áo xanh, các chiến sỹ công an, các nhà hảo tâm, những người dân, những bạn trẻ bình dị... đang tạo ra sự hồi sinh. Hành trình của họ, chắc chắn rồi sẽ có thêm nhiều người đồng hành mới.
 
Chương trình có sự góp mặt của các ca sỹ: Văn Mai Hương, Bảo Trâm, Đông Hùng, Oplus, Lê Minh, Hà My, Nhật Minh... trong những ca khúc lan tỏa một tinh thần lạc quan tươi sáng: “Cảm ơn cuộc đời” (sáng tác: Thanh Bình); “Trao đi may mắn, nhân lại nụ cười” (sáng tác: Châu Đăng Khoa); “Khúc ca yêu cuộc đời” (sáng tác: Hồ Hoài Anh); “Trở về” (sáng tác: Trần Lập).../.
 
 
Theo Minh Thu (Vietnam+)

tin liên quan

Đời sông

(QBĐT) - Gió thổi lên từ sông. Nắng hắt lên từ sông. Gió, nắng của miền sông đến rồi đi hồn nhiên, vô tư bốn mùa. Trên ngọn cỏ may gần chỗ em ngồi có lấm tấm, li ti nắng sông, gió sông.

Cảm tác trên bến đò Mẹ Suốt

(QBĐT) - Tôi lại về Đồng Hới yêu thương
Hàng dừa Trị-Thiên xanh đầy thơ mộng

Nâng cao kiến thức đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Bài thi gồm 10 câu hỏi, trong đó có chín câu trắc nghiệm và một câu tự luận liên quan đến các chủ đề bất bình đẳng giới được đề cập trong cuốn "Cẩm nang đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái."