"Bao nhiêu cái nắng để làm khô một dòng sông"

  • 08:22 | Thứ Ba, 14/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi mạn phép lấy câu thơ của một nhà thơ nổi tiếng để đặt tựa cho bài viết về một gốc nho nhỏ của xứ Lệ, bởi có lẽ không thể có bất cứ tựa đề cụ thể nào xứng đáng với quê ngoại thân thương…                                                      
 
Bài 1: Tìm đâu cho thấy ngày xưa
 
Tôi không sinh ra ở Lệ Thủy, tuổi thơ tôi cũng không được chín điệu hò khoan sâu lắng vỗ về. Nhưng trong dòng máu ngày đêm nuôi tôi khôn lớn có nước nghịch hà ngọt lịm, có hạt gạo trắng trong đồng sâu chiêm trũng, có mùa mưa trắng xóa mênh mông đồng xa, có nắng hạn dòng Kiến Giang trơ đáy…
 
Những người “xa quê anh không hẹn lại về” thấm hơn ai hết câu thơ của Ngân Giang. Người xứ Lệ tha hương thương cha, nhớ mẹ, nhớ bà con chòm xóm, nhớ con thuyền cô đơn cắm sào “đêm năm canh em cứ nhớ người, người ơi”, nhớ câu hò da diết “mẹ ngậm đắng nuốt cay cho miệng con đầy ngọt… sữa ngọt”, nhớ chợ Hôm, chợ Mai, nhớ bến đò chợ Tréo kẻ đón người đưa. Nhớ từng nắm đất, gốc cỏ ngọn cây của mảnh đất được bồi đắp bởi dòng “Kiến Giang xanh xanh mãi một màu”.
 
Tuổi niên thiếu, khi gốc phượng già rải những nụ hôn tạm biệt đỏ thắm sân trường trống vắng, quyến luyến chia tay con trẻ, tôi bắt xe đò cọc cạch về với quê ngoại yêu thương.
 
Ấn tượng của tôi khi lần đầu tiên đặt chân đến quê ngoại, nơi có căn nhà lá đơn sơ và chiếc võng tre kẽo kẹt dì tôi hay nằm dưới lũy tre già là những đàn bướm nón trắng tinh chập chờn ẩn hiện dọc bờ dậu theo bước chân lon ton. Làng Quy Hậu có nghề chằm nón. Ở làng từ già đến trẻ, bất kể gái, trai ai ai cũng có thể múa mười ngón tay trên khung tre hình chiếc bánh ú. Dì tôi kể, nghề nón của làng có từ lâu lắm rồi, nghe đâu hồi xưa có mấy người trong làng giỏi nghề may rời làng ra Ba Đồn làm ăn và mang nghề làm nón về quê hương.
Lũy tre làng.
Lũy tre làng.
Hóa ra, chiếc nón mỏng manh chỉ từ tre và lá lại không phải đơn giản để làm ra như tôi nghĩ. Nhìn mấy o, mấy mệ thoăn thoắt vót, thoăn thoắt đan cứ nghĩ dễ như mấy bạn nữ chơi chuyền thẻ. Nhưng để làm ra chiếc nón chuẩn Quy Hậu thì người làm phải là người làng Quy Hậu, tre là tre Quy Hậu và nghe đâu lá nón cũng phải do người làng hái về. Có người còn nói nón sẽ đẹp miên man nếu tay vừa chằm miệng vừa... ơ khoan ơ hò.
 
Đó là lời mấy anh trai làng đi tán gái xóm bên, nhưng chiếc nón Quy Hậu làm ra đẹp, tròn trặn phải xuất phát từ nguyên liệu chuẩn và bàn tay khéo léo của người thợ chằm. Trước hết, nón muốn đẹp thì khoảng cách giữa các mắt tre phải đủ dài. Tre vót xong ép vào khuôn thì đến đoạn làm lá, công đoạn này phải rất công phu và tỉ mỉ. Lá nón trên rừng mang về phải được phơi qua nắng cho vừa độ khô và dai, lá được bàn tay khéo léo của người Quy Hậu bắt ra thành những bẹ lớn sau đó được ép phẳng. Dì tôi nói, phải căn tùy vào kích thước của từng chiếc lá mà sắp xếp sao cho đều đặn, chỉnh chu.
 
Nón lá Quy Hậu có nhịp chằm đều, lá nón trắng dịu, mỏng nhẹ nhưng lại bền chắc. Bởi, người Quy Hậu không chỉ đội nón để hát hò khoan, họ ra đồng, xuống sông, lên non, về phá, thời tiết thì khắc nghiệt, bão lũ thì thường xuyên…
 
Những năm cuối thập niên 80, bà con bên ngoại tôi di dân làm kinh tế mới gần hết, chỉ còn lại một người dì khắc khổ trong căn nhà bên sông. Dì sống với người con đầu của chồng trước, cha anh hy sinh trong trận đánh Xuân Bồ vang dậy một thời. Người chồng sau cũng sớm ra đi để lại dì một mình với mấy đứa con dại. Lần đầu tôi về quê mẹ là lúc các con dì đã khôn lớn nối bước nhau vào Nam sản xất hàng hóa bán cho Nhật, cho Tây, nghe đâu chỉ một người có bát ăn, bát để.
 
Người anh đầu không đến nỗi nào nhưng không hiểu vì sao vẫn ăn cơm mẹ nấu. Có hôm ra đồng móc đam với anh, tôi gặng hỏi, anh đăm chiêu: “Vì răng họ yêu mềng? Phải đặt vào mặt hắn dấu chấm hỏi”. Và cứ thế, ai đem lòng thương yêu anh thì bị ngay cái lưỡi câu giữa trán. Vậy là đã hơn 50 mùa xuân và ngần ấy dấu chấm hỏi “thanh xuân anh còn nữa đâu em/mất nửa đời anh đợi chờ duyên”.
 
Trời không lấy đi của ai tất cả, bất hạnh trong tình yêu nhưng đời bù lại cho dì chất giọng dân ca chan chứa, thiết tha. Dì là kép chính của câu lạc bộ hò khoan xã. Mỗi lần lên ngoại là tôi được dì cho đi nghe hò khoan xứ Rào Nậy, Rào Con. Tất nhiên là tôi không hiểu gì về loại hình diễn xướng dân gian với 9 làn điệu ơ khoan ơ hò. Chỉ biết dì tôi hát như tâm sự nỗi lòng, như để quên đi số phận hẩm hiu…
 
Anh con dì tôi vô duyên với phụ nữ nhưng với con cá, con tôm thì anh là tay sát ngư có hạng. Đồng ruộng Lệ Thủy thì bao la, bát ngát, cá tôm xứ Rào Sen, Rào Mỹ Sơn thì vô vàn. Nói chung, anh đã xách đồ nghề ra đồng thì mai dì khỏi ra chợ.
 
Đi móc rạm với anh mãi tôi mới hiểu vì sao anh chưa bao giờ làm chú rể. Anh kỹ đến mức con rạm có mấy sợi lông chân anh còn biết. Còn độ rối rắm của anh thì y như rạm trong rổ. Anh giải thích cho tôi “con đam dưới tê khác với con rạm trên ni, con đam là con đam mà con rạm là con rạm, con đam không phải con rạm và con rạm chắc chắn không phải con đam”.
 
Với tôi đam hay rạm cũng không có gì ghê gớm, đều tám cẳng hai càng và cứ lớ xớ là nó kẹp thủng tay, thế thôi. Nhưng có lẽ, với kinh nghiệm mấy chục năm bếp núc nên với anh thì khác, rạm là rạm mà đam là đam, bởi con rạm ngon hơn con đam và có những món chỉ có thể dùng con rạm, nhưng món nào đã dùng con đam thì con rạm dùng càng ngon. Rồi anh giải thích vì sao con rạm xứ ruộng sâu ngon mỹ mãn. Theo anh, hễ nơi nào ruộng sâu, đồng rộng, đất bồi nước ngọt và hàng năm có lụt thì nơi đó cá tôm ngọt thịt.
 
Mỗi lần đón cháu lên chơi, khó gì thì khó nhưng dì và anh đều cơm nước đầy đủ ít nhất vào ngày đầu và buổi chia tay. Đầy đủ ở đây phải hiểu là có thêm một hai món so với ngày mâm cơm chỉ có hai mẹ con. Tôi không biết anh nói món này, món kia từ con rạm đúng không nhưng những món anh nấu thì đúng là lạ, lạ từ cách nấu, lạ cả gia vị anh dùng. Không biết công thức như thế nào và anh bỏ gì vào đó nhưng kết quả luôn đậm hơn tý, cay hơn tý, chua hơn tý và không còn tý nào sau bữa cơm.
 
30 năm, 40 năm hay bao nhiêu thời gian đi nữa, tôi cũng không thể quên mâm cơm lúa ruộng sâu nhà dì với món mít luộc lá lốt quệt dút tép nâu nâu đỏ đỏ cay xè lưỡi, món cá lúi kho nghệ vàng ớt xanh, tép đồng chưng tóp mỡ dai dai…
 
Khánh Như

tin liên quan

Vị tướng Điện Biên

(QBĐT) - Từ cây đa Tân Trào thuở ấy
34 người
Những chiến sĩ nông dân

Chiếu trực tuyến Liên hoan phim Thái Bình Dương lần thứ ba

Bốn bộ phim được chiếu trực truyến ở các thể loại đa dạng như hài, hài tình cảm và phim tài liệu sẽ đem đến cái nhìn hấp dẫn và đa chiều về nền văn hóa tại các quốc gia Mỹ Latinh.

Đại diện Ấn Độ giành vương miện Hoa hậu Hoàn vũ 2021

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) 2021 tại thành phố Eilat (Israel) đã kết thúc rạng sáng 13-12, giờ địa phương (10h sáng 13-12, giờ Việt Nam).