Người thơ trên bục giảng

  • 08:24 | Thứ Hai, 22/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi có may mắn được gặp gỡ, quen biết với các nhà thơ tài hoa của Lệ Thủy như cố thi sĩ Hải Kỳ, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Đình Ty… qua nhà giáo Diệp Minh Luyện. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, hơn nửa các nhà thơ đã tìm gặp nhau dưới cửu tuyền. Tôi tin họ vẫn tiếp tục đọc thơ cho nhau nghe bên cửa biển Nhật Lệ, cũng như nhận nghiệm bao nỗi dâu bể của chốn trần gian đã trải qua. Thật trùng hợp khi trở lại Đồng Hới, tìm về nơi cách đây 20 năm, chúng tôi lại nghe thầy Trần Đồng trầm nhiên thảng thốt những câu thơ cháy lòng của thi sĩ Hải Kỳ: “Chao ôi cây nối liền cây/Người sao chẳng biết cầm tay với người/Giữa rừng em với mình tôi/Lặng im giấu một khoảng trời Thiên An”.
 
Thầy giáo Hải Kỳ (1949-2011) lớn lên và học tiểu học, trung học cơ sở ở Đồng Hới. Sau đó, vì chiến tranh quá ác liệt, mẹ cho sơ tán lên Lệ Thủy. Những năm học THPT tại quê nội, ông cùng lớp với Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty, Nguyễn Minh Hoàng... Những người thầy ảnh hưởng sâu sắc đến con đường sư phạm của Hải Kỳ sau này là thầy giáo dạy văn tài hoa, nổi tiếng Lương Duy Cán (nhà thơ Hà Nhật) và Phan Ngọc Thu.
 
Tác giả bài thơ nổi tiếng "Một khúc tâm tình của người thủy thủ" (Hà Nhật) năm 2017 ra Lệ Thủy thăm nhà thơ Đỗ Quý Dũng và các học trò của mình đã nhắc: “ Nhớ Trần Văn Hải (Hải Kỳ) lắm. Khi còn học cấp 3, tôi đoán thế nào cậu ấy cũng đi theo sư phạm. Hải đọc thơ hay và có cá tính mạnh, khi nào cậu ấy cũng nghiêm túc trong học hành và có những phát hiện rất mới trong mỗi bài tôi dạy.”
 
Năm 1968, Hải Kỳ hoàn thành học cấp tốc sư phạm hai tháng, cùng thời gian đó mẹ ông mất trong một vụ máy bay Mỹ bắn rocket ở Cầu Rào, Đồng Hới. Đến năm 1980, ông mới vào học khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Huế. Tốt nghiệp đại học Sư phạm, Hải Kỳ về dạy các trường THCS ở Đồng Hới.
Trang bìa Tuyển tập Hải Kỳ.
Trang bìa Tuyển tập Hải Kỳ.
Cho đến bây giờ, các thế hệ học sinh từng học với ông vẫn luôn nhớ hình ảnh một thầy giáo lúc nào cũng mặc Com-lê, đeo cà vạt, tóc tai gọn gàng, giảng văn lúc trầm lúc bổng vừa khắc sâu vừa quyến rũ, vừa khoa học vừa sáng tạo. Với ông dạy học là nghề. Đã là nghề thì phải tinh thông, biết mười mới nói được một. Người thầy thì luôn phải chỉnh chu trong ăn mặc và mô phạm từng giây từng phút ở mỗi giờ lên lớp.
 
Lúc sinh thời, ông trao đổi với tôi về cách học Truyện Kiều, cách làm ngoại khóa văn học. Ông chỉ bày cho tôi từng chi tiết nhỏ khi soạn các phân môn Ngữ văn. Với ông, đã dạy Tiếng Việt thì phải khoa học như dạy toán, dạy Văn thì phải làm bật được cái thần văn bản. Theo ông, học sinh học xong một tác phẩm văn học chỉ cần các em thuộc một đoạn văn, khổ thơ và nhớ một chi tiết nào đó đã là thành công.
 
Trong một lần thao giảng đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” (Ngữ văn 9), ông say sưa đàm thoại với học sinh và bất chợt hỏi: “Theo các em, qua nét vẽ của đại thi hào Nguyễn Du, Thúy Vân khác Thúy Kiều ở chỗ nào?”. Câu hỏi không có gì mới nhưng phần thảo luận vô cùng sôi nổi bởi học sinh tự do phát biểu.
 
Cuối cùng ông chỉ mỉm cười và nêu vấn đề: Cả hai chị em Kiều đều rất đẹp, đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng các em chú ý khi tả Thúy Vân, đại thi hào Nguyễn Du không vẽ đôi mắt mà chỉ nhắc “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, còn riêng Thúy Kiều, đại thi hào tập trung vào đôi mắt và chính đôi mắt ấy khắc họa tâm hồn và đời sống bên trong của nhân vật này “Làn thu thủy nét xuân sơn”.
 
Nếu tôi là người họa sĩ, khi vẽ tranh hai nàng, tôi sẽ vẽ Thúy Vân không có mắt. Đoàn giáo sinh thực tập chúng tôi vỡ òa, đồng cảm, vui sướng. Cuối tiết dạy, ông dặn tôi: “Riêng Ngô Mậu Tình thầy mới nói, dạy văn phải thế. Nếu cứ rập khuôn máy móc theo sách vở, học sinh chán lắm vì các em đọc trước rồi, soạn rồi, biết rồi.”.
 
Ông nói với tôi, em biết không, Nguyễn Du rất dụng ý khi cho nhân vật Thúy Kiều gặp Kim Trọng sau khi vừa mới khóc than cho Đạm Tiên-một kỹ nữ bạc mệnh “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. Đây là dự báo cho một cuộc tình buồn “dư nước mắt”.
 
Cố nhà giáo Diệp Minh Luyện, người bạn tâm giao của ông đã nhận xét: "Anh Hải Kỳ luôn tìm tòi, phát hiện. Giờ dạy của anh như được sân khấu hóa bằng ngôn ngữ. Từ cách ăn mặc, tác phong trên lớp là tấm gương cho các giáo sinh thực tập và đồng nghiệp học hỏi". Có đồng nghiệp thắc mắc sao khi đứng lớp ông khắc nghiệt với cả chính mình.
 
Nhà thơ Hải Kỳ chỉ cười, nếu không thế thì sau mấy chục năm, học sinh sẽ cười mấy ông thầy này. Lúc tham gia cùng đoàn tổng kết thực tập sư phạm, khi được mời tham gia phát biểu, ông bày tỏ một ước vọng sẽ có một “thánh đường văn chương” ở trường học một cách đúng nghĩa. Điều này, cho đến hiện nay vẫn đang là mơ ước của nhiều người.
 
Với nhà thơ Hải Kỳ sự chân thật và không đánh mất mình sẽ làm nên chất sống, giúp người nghệ sĩ tìm ra hạnh phúc và sự sáng tạo. Ông đã nhận ra tình yêu là sự cứu cánh cho những bất hạnh, khổ đau. Cũng nhờ nó mà lúc nào tình cảm của con người cũng như vừa mới xảy ra, như thuở ban đầu.
 
Có lẽ nỗi đau xa cha, mất mẹ từ nhỏ cùng sự nhọc nhằn trên con đường lập nghiệp, mưu sinh đã làm cho thi sĩ những trải nghiệm và sự nhạy cảm với cái đẹp. Ông làm thơ từ thời học sinh phổ thông trung học, bùng nổ nhất là 4 năm học ở Trường đại học Sư phạm Huế. Cho đến khi giã từ cõi tạm, Hải Kỳ đã xuất bản 5 tập thơ: Ngọn gió đi tìm, Đồng vọng, Nằm đếm trời sao, Đối thoại lục bát, Giấc mơ. 
 
Đời giáo và đời thơ của Hải Kỳ quyện vào nhau như làm một. Nếu thơ đưa ông đến với công chúng cả nước thì dạy học đưa các thế hệ học trò đến với thế giới của cái đẹp ngự trị, lên ngôi. Ông là người không màng danh lợi chỉ biết sống hết mình với thơ với nghề gõ đầu trẻ. Riêng tôi, vẫn nghe đâu đây tiếng nhà thơ Hải Kỳ đang đọc vang vang: “Câu này vần của ngày xưa/Câu này điệu của bây giờ lạ không?”.
 
  Ngô Mậu Tình

tin liên quan

'Niềm tin và khát vọng': Khẳng định vị thế và bản sắc của văn hóa Việt

Chương trình "Niềm tin và khát vọng" được xây dựng công phu, hoành tráng, mang tâm huyết sáng tạo của lực lượng những người làm nghệ thuật trên cả nước.

Đi trong lời ca của mẹ

(QBĐT) - Tuổi thơ ngủ giữa lòng nôi 
Tôi như chiếc hạt say lời mẹ ru

"Mắt biếc" đạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam

Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, tối 20-11, tại Nhà hát Sông Hương - Học viện Âm nhạc Huế (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn" đã chính thức bế mạc và trao giải.