"Với những ai tha thiết Quảng Bình"

  • 08:30 | Chủ Nhật, 25/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nằm trên đường thiên lý Bắc-Nam, Quảng Bình là nơi giao thoa của nhiều vùng văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, lịch sử quý báu và nhiều cảnh quan kỳ thú. Đây cũng là vùng “địa linh nhân kiệt” nơi sinh ra nhiều người con ưu tú, danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Trải qua thời gian, mảnh đất, con người Quảng Bình luôn là mạch nguồn khơi dậy cảm hứng bất tận trong đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc với sự ra đời ngày càng nhiều ca khúc về đề tài du lịch, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Quảng Bình đến với du khách trong, ngoài nước.
 
Động Phong Nha, động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng… những hang động nổi tiếng của Quảng Bình đã được các nhạc sỹ đưa vào âm nhạc qua các khúc như: Chuyện tình Phong Nha (Hoàng Sông Hương), Tiếng vọng Phong Nha (Đinh Gia Hòa), Thiên cung trong lòng đất mẹ (thơ Võ Minh Hoài, nhạc Tuấn Phương), Âm vang Sơn Đoòng (Xuân Vũ), Sơn Đoòng-Phong Nha (nhạc Văn Tiến, phỏng thơ Hoàng Vũ Thuật)…
 
Đa số các ca khúc đều có giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, mang màu sắc huyền thoại, ca ngợi vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của các hang động, những kiệt tác mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất Quảng Bình.
Đề tài về quê hương, con người Quảng Bình luôn tạo được ấn tượng trong lòng người xem tại các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng.
Đề tài về quê hương, con người Quảng Bình luôn tạo được ấn tượng trong lòng người xem tại các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng.
Một trong những ca khúc mới được công bố của nhạc sỹ Lê Đức Trí công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Quảng Bình về đề tài du lịch là “Phong Nha đệ nhất kỳ quan” phổ từ bài thơ “Tạm biệt Phong Nha” của nhà văn, nhà giáo Thanh Sắc Nguyễn Văn, sinh sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
 
Nhạc sỹ Lê Đức Trí kể: Một lần tình cờ đọc báo, anh bắt gặp bài thơ “Tạm biệt Phong Nha” và ấn tượng bởi bài thơ này nên đã tìm cách liên lạc và nhà thơ và ngỏ ý muốn được phổ thơ thành nhạc. Cuộc gặp gỡ giữa người làm thơ và người sáng tác âm nhạc dẫu chỉ qua tin nhắn, điện thoại nhưng đã nhanh chóng có sự đồng cảm.
 
Như một lời cảm ơn người bạn mới đã dành nhiều tình cảm cho quê hương mình, Lê Đức Trí đặt bút viết ngay và từng nốt nhạc cứ thế “bật” ra để rồi tạo nên một “Phong Nha đệ nhất kỳ quan” có giai điệu ngọt ngào, đậm chất ca trù. 
 
Nặng lòng với quê hương, Giáo sư Nguyễn Anh Trí đã sáng tác nên nhiều ca khúc về quê hương, con người Quảng Bình, nổi bật là tác phẩm “Bơi đua quê mình” nói về lễ hội truyền thống của người xứ Lệ quê ông. Với giai điệu, tiết tấu sôi nổi, hồ hởi, ca khúc này đã lột tả được khí thế của ngày hội đua bơi trên sông Kiến Giang một cách duyên dáng bằng âm nhạc qua những ca từ giản dị, mộc mạc, mang đậm bản sắc quê hương: “Trai này, bơi, bơi, bơi. Gái này, đua, đua, đua. Mời về Lệ Thủy xem này bơi đua. Tháng tám mùa thu, người người háo hức, lòng người rạo rực, đóng thuyền luyện quân. Những chàng trai xuân. Những cô gái đảm. Kiến Giang dòng lụa, tưng bừng ngày đêm…”.
 
Nhạc sỹ Dương Viết Chiến cũng có nhiều ca khúc về đề tài du lịch, đất, người Quảng Bình. Nổi bật là ca khúc “Về với động Thiên Đường”, phỏng thơ Văn Lợi.
 
Nhạc sỹ Dương Viết Chiến tâm sự: Đọc thơ Văn Lợi, ông cảm nhận được vẻ đẹp của động Thiên Đường nên rất muốn tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp đó. Và trong một lần thăm động Thiên Đường, chứng kiến từng khối thạch nhũ lung linh, các tảng đá hình thù kỳ thú, muôn hình vạn trạng…, ông mới hiểu vì sao nhà thơ Văn Lợi đã có bài thơ về hang động này hay đến vậy.
 
Và rồi tác phẩm âm nhạc “Về với động Thiên Đường” ra đời với sự hòa quyện giữa thơ và nhạc: “Anh cùng em về nơi lắng gió Trường Sơn. Nơi ảo mộng trời mây, nơi khí thiêng đất trời dậy sóng. Như lạc vào cổ tích xa xưa. Nhũ đá rồng mây, ảo huyền tóc xõa Tiên cô xuống trần. Gió thổi lay lay gấm màn thêu. Tý tách đâu đây hồn đá hát. Hoang sơ rừng núi, tiếng vọng ngàn năm”…
 
Nhiều ca khúc của Dương Viết Chiến như “Đồng Hới thành phố tôi yêu”, “Tình sông Nhật Lệ” (thơ Đặng Thị Kim Liên), “Vấn vương Minh Hóa quê mình”, “Đồng Hới hoa hồng” (thơ Trần Công Thuật)… đã trở nên quen thuộc với công chúng yêu nhạc Quảng Bình và người Quảng Bình xa quê. Ca khúc của Dương Viết Chiến chứa chan tình yêu quê hương, đất nước và những mảnh đất mà ông đã từng qua, đặc biệt là TP. Đồng Hới, nơi gia đình ông đang sinh sống.
 
Âm nhạc và du lịch, hai phạm trù khác nhau nhưng lại có mối quan hệ khăng khít. Những danh lam thắng cảnh, danh nhân văn hóa, lịch sử và các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ cho việc khai thác du lịch… là nguồn cảm hứng để các nhạc sỹ đưa vào âm nhạc. Và qua các tác phẩm âm nhạc, không chỉ làm giàu thêm mảng đề tài về quê hương, đất nước trong văn học nghệ thuật, mà còn góp phần quan trọng giúp các địa phương quảng bá, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước những vẻ đẹp của mỗi vùng quê trên mảnh đất hình chữ S.
 
Để có một Quảng Bình trong câu hát với động Phong Nha, Thiên Đường, cùng những địa danh du lịch, văn hóa, lịch sử nổi tiếng… là sự lao động nghệ thuật miệt mài của các nhạc sỹ nhằm tạo nên những thanh âm còn mãi “với những ai tha thiết Quảng Bình” (Tha thiết Quảng Bình, thơ Hoàng Vũ Thuật, nhạc Lê Anh)...
 
Họ đã viết bằng tình yêu quê hương, niềm tự hào về vùng đất giàu bản sắc văn hóa, lịch sử cùng những bí ẩn của một “vương quốc hang động” nổi tiếng thế giới. Và chính những tác phẩm âm nhạc đã trở thành nguồn động lực tinh thần to lớn đồng hành cùng sự phát triển của quê hương.
 
Tình yêu quê hương, xứ sở luôn là mảng đề tài lớn, truyền nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm âm nhạc. Trong tuyển tập 30 ca khúc về Quảng Bình xuất bản năm 2019, hầu hết là ca khúc về đề tài du lịch, đất, người Quảng Bình, nổi bật là các tác phẩm: Về Quảng Bình đi anh (thơ Hoàng Hữu Thái, nhạc Ngọc Tân), Hát về Quảng Bình hôm nay (Nguyễn Đình San), Quảng Bình yêu thương (thơ Hồ Đình Phục, nhạc Văn Sỹ), Quảng Bình khúc tình ca mùa xuân (Quang Khánh), Quảng Bình ngày mới (Cao Tất Hiệp), Dòng sông quê em (Quách Mộng Lân), Đồng Hới ngày trở về (Trần Hoài Ân)…
 
Nh. V