Người chuyên viết sử ngành

  • 08:25 | Thứ Bảy, 10/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù là thương binh hạng 4/4 và đã bước qua tuổi 76, nhưng ông vẫn chăm chỉ, miệt mài đèn sách để cho ra đời 8 cuốn lịch sử các đơn vị vũ trang và ngành Xây dựng. Đó chính là thượng tá Phan Duy Huỳnh, nguyên Trưởng phòng An ninh văn hoá tư tưởng, nay là Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Bình.
 
Ông sinh ra ở Đại Trạch, Bố Trạch, quê hương 2 lần được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tròn 20 tuổi, ông khoác ba lô lên đường gia nhập lực lượng Công an. Trong những tháng ngày học nghiệp vụ Công an ở ATK Đồng Hỷ, Thái Nguyên, đến những tháng năm chiến đấu trên quê hương thân yêu đã giúp ông tôi luyện ý chí, sức chịu đựng, nỗ lực bền gan vượt qua gian khổ, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Năm 1981, tốt nghiệp Đại học An ninh, nay là Học viện An ninh nhân dân, ông được phân công giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Sau 36 năm công tác trong lực lượng Công an, đến tháng 4-2002, ông được ngành cho nghỉ hưu. Không như những đồng đội, bạn bè cùng trang lứa, khi nghỉ hưu là để tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi, sum vầy với con cháu, ông lại tìm cho mình niềm vui, sự đam mê mới với công việc viết sử.
Thượng tá Phan Duy Huỳnh
Thượng tá Phan Duy Huỳnh
Năm 2005, công trình đầu tay do ông chấp bút là cuốn “Lịch sử Công an nhân dân Quảng Trạch (1945-2000)”. Ông dấn thân vào công việc mới với nhiều bỡ ngỡ và không ít khó khăn. Chính nhờ những tháng ngày lăn lộn công tác, chiến đấu kiên cường trên chính quê hương Quảng Bình, cộng với kinh nghiệm hơn 10 năm làm công tác văn phòng đã giúp cho ông có một tư duy làm việc hết sức khoa học, kỹ năng của một người viết sử, nhất là về trí nhớ và khả năng phân tích, đánh giá các sự kiện lịch sử.
 
Dù vạn sự khởi đầu nan nhưng ông vẫn cần mẫn sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng qua các giai đoạn lịch sử, đối chiếu tư liệu để hoàn thành biên soạn sau gần 2 năm. Chính sự thành công từ cuốn sử mở hàng mà ông bén duyên với việc viết sử. Ông liên tiếp được Công an các đơn vị, địa phương tín nhiệm “đặt hàng”.
 
Lần lượt, ông cho ra đời 6 cuốn lịch sử như “Lịch sử Công an nhân dân Lệ Thuỷ giai đoạn 1945-1975” (năm 2009), “Lịch sử lực lượng Cảnh sát giao thông Quảng Bình giai đoạn 1945-2005” (năm 2011), “Lịch sử lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội giai đoạn 1946-2000” (năm 2016), “Lịch sử lực lượng Cảnh sát hình sự Quảng Bình” (năm 2016).
 
Công trình lớn nhất mà ông viết đó là cuốn “Lịch sử Đảng bộ Công an tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 1945-2015” ra đời vào năm 2018. Không chỉ bó hẹp trong việc viết sử về lực lượng Công an, ông còn tham gia biên soạn lịch sử các ngành khác,  đó là “Lịch sử ngành Xây dựng Quảng Bình giai đoạn 1945-2010” (năm 2013), “Lịch sử Bộ đội Biên phòng Quảng Bình giai đoạn 1995-2013” (năm 2014). Hiện nay, ông đang viết dở cuốn “Lịch sử lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Quảng Bình”. Cứ trung bình 2 năm ông biên soạn được một cuốn lịch sử. Quả là một sự lao động cần mẫn, say mê hiếm có.
 
Dù trời hè nắng nực, thời tiết oi bức, hay đêm đông giá lạnh, sức khỏe có lúc không đảm bảo do vết thương cũ tái phát nhưng ông vẫn miệt mài đèn sách, lục lọi trong các kho tư liệu, gặp gỡ nhân chứng qua các thời kỳ, đối sánh các dữ kiện, cứ liệu để xâu chuỗi, chắp nối các sự kiện viết thành những cuốn lịch sử.
 
Đó là cả một sự lao động trí óc đòi hỏi sự kiên trì và niềm đam mê rất lớn. Khi được hỏi, điều khó nhất của công việc viết sử là gì, ông tâm sự “Cái khó nhất chính là con người, bởi con người làm nên sự kiện. Vì sự kiện xảy ra đã lâu, nhân chứng lịch sử người còn, người mất, có cái nhớ, cái quên nên việc sưu tầm, thu thập tài liệu hết sức gian nan”.
 
Nhận xét về ông Phan Duy Huỳnh, TS sử học Nguyễn Khắc Thái cho biết “Đó là một con người luôn có ý thức khiêm tốn, cầu thị, tinh thần làm việc cần mẫn, chăm chỉ. Có tư duy, khả năng bao quát, tổng hợp và đánh giá sự kiện một cách khoa học. Luôn có cách nhìn nhận nhân vật, sự kiện và các giai đoạn lịch sử theo chiều hướng tích cực”. Chừng đó thôi cũng đủ để khái quát lên chân dung người viết sử ngành, thượng tá Phan Duy Huỳnh.
 
Giữa  con phố Trần Hưng Đạo của TP. Đồng Hới luôn sầm uất, tấp nập và ồn ào, ẩn sâu trong ngôi nhà số 144, hàng ngày, thượng tá Phan Duy Huỳnh vẫn âm thầm cần mẫn bên trang giấy, kho tư liệu cũ để viết nên những trang sử lưu lại cho muôn đời sau.
 
Hữu Danh