Lính Tiểu đoàn 45 - đánh giặc và làm thơ

  • 14:15 | Thứ Hai, 12/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã bước qua ngưỡng cửa “thất thập cổ lai hy”, nhưng những người lính, người CCB ấy vẫn không quên kỷ niệm những trận đánh trên chiến trường, không quên những vần thơ chân chất viết tay trên trang giấy ố vàng nằm tận đáy ba lô cóc vẫn theo họ suốt dọc đường hành quân ra trận… Họ là những người lính Tiểu đoàn 45, đơn vị chủ lực của Tỉnh đội Quảng Bình.
 
Lính cầm súng
 
Đầu năm 1964, để vực dậy chế độ ngụy quyền miền Nam đang bên bờ vực thẳm, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đồng thời dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” mở rộng chiến tranh leo thang bằng không quân và hải quân đánh phá ra miền Bắc. Tại Quảng Bình, Tỉnh ủy đã kịp thời có chủ trương chuyển mọi hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế từ thời bình sang trạng thái thời chiến để phù hợp với tình hình, trong đó có lĩnh vực quân sự.
 
Sau 3 tháng chuẩn bị, ngày 8-11-1964, tại sân vận động TX. Đồng Hới, Tiểu đoàn 45 chính thức ra mắt. Đây là đơn vị chủ lực bộ đội địa phương đầu tiên của tỉnh nhà được thành lập vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ với 3 C bộ binh, 1 C hỏa lực cối 60,81ly cùng 1 B thông tin, 1 B trinh sát và cơ quan D bộ.
 
Năm 1965, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá Quảng Bình bằng hải quân và không quân, tiểu đoàn đặt ra nhiệm vụ khẩn trương huấn luyện và xây dựng đơn vị vững mạnh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh của cấp trên.
 
Tháng 12-1966, Ban chỉ huy tiểu đoàn nhận lệnh của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh điều động C4 (hỏa lực cối) thay mặt lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh vào chi viện cho chiến trường Trị Thiên tại huyện Gio Linh. Tiếp theo đó, trong năm 1967, các đơn vị của tiểu đoàn (C2,C3,C1) lần lượt thay nhau lên đường vào phối thuộc với Trung đoàn 207 (Bộ Tư lệnh Mặt trận B5) tham gia chiến  đấu chia lửa với quân và dân Gio Linh-Cam Lộ.
 
Ngày 25-6-1967, trên đường hành quân bộ vào đến Bàu Sen, toàn Đại đội 2 dừng chân nghe thư động viên của đồng chí Tỉnh đội trưởng Trần Sự, thay mặt lãnh đạo tỉnh chúc mừng, động viên, khích lệ tinh thần bộ đội trước khi vào trận.
 
Chỉ sau đó hơn 10 ngày, ngày 7-7-1967, một tiểu đội tăng cường của C2 đã đánh một trận tao ngộ diệt 2 xe M113 và diệt gọn trung đội thám báo Mỹ tại xã Gio Hải (huyện Gio Linh). Đồng chí Tiểu đội trưởng Nguyễn Đức Xuyến (quê xã Lộc Ninh) trong khi hết đạn đã gộp 4 quả lựu đạn thành khối bộc phá đánh tung xích một xe M113.
 
Những năm tiếp theo, tiểu đoàn đã có mặt và lập nhiều chiến công tại Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang, miếu Bái Sơn, Cao điểm 544, 164… Một trong những trận đánh táo bạo của tiểu đoàn do đồng chí Trần Sự trực tiếp chỉ huy là trận tập kích đoàn xe thiết giáp cùng một tiểu đoàn bộ binh địch hành quân từ Đông Hà-Cam Lộ ra Cồn Tiên trên đường 76, ngày 20-9-1969. Trong trận này, Tiểu đoàn 45 cùng Tiểu đoàn 49 đánh tan đội hình xe thiết giáp và tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn tăng cường của Sư đoàn 3 ngụy.
 
Cuối tháng 9-1969, với tinh thần quốc tế vô sản, tiểu đoàn được tăng cường thêm Đại đội 361 (Huyện đội Lệ Thủy) lại vinh dự nhận lệnh sang giúp bạn Lào tại tỉnh Savannakhet. Mặc dù địa hình mới lạ và thời tiết khắc nghiệt nhưng tiểu đoàn tiêu diệt 265 tên dịch, bắn cháy 1 xe tăng, thu nhiều trang bị, vũ khí của địch...
 
Có thể nói, qua quá trình xây dựng và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn 45 luôn xứng đáng là "người anh cả" của 3 tiểu đoàn bộ binh chủ lực của tỉnh (45, 46, 49), luôn sát cánh bên nhau trong xây dựng và chiến đấu...
 
Lính làm thơ
 
Những người lính Tiểu đoàn 45 đều là con em của quê hương “Hai giỏi”. Trong chiến đấu, họ luôn là những chiến sỹ xung kích trên tuyến đầu, chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn, gian khổ. Đi đôi với ý chí sắt đá đó, trong tâm hồn người lính lại đau đáu một tình cảm với quê hương, với đồng đội… Họ không phải là ca sỹ, nhà thơ…, nhưng họ vẫn hát, vẫn làm thơ. Để rồi những câu thơ tự biên nằm dưới đáy ba lô theo bước chân họ và đoàn quân vào chiến dịch.
 
Tiểu đoàn 45 từ năm 1966 đóng quân tại xã Tân Thủy (Lệ Thủy). Đây là một xã nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng trong đánh Pháp, người dân hết lòng thương yêu bộ đội. Thời kỳ đó, lương thực, thực phẩm hết sức khó khăn. Bộ đội cơm không đủ no để có sức đào chiến hào.
 
Người dân Tân Thủy đã phải bớt phần sắn trong bữa ăn chính của gia đình để thêm khẩu phần cho bộ đội. Chứng kiến hình ảnh đó, trung sỹ A trưởng Hoàng Văn Em (quê Quảng Minh, Ba Đồn) đã viết những câu thơ mộc mạc đầy chất lính:
 
"...Những gian khó ban đầu thử thách lòng chiến sỹ
Bữa cơm ăn chỉ hai bát không no
Thương chúng tôi, dân mang sắn đến cho
Để từ đó đôi ta thành duyên nợ
Cùng với lính ngày chung hai bữa
Thắm tình dân qua hương vị sắn đầm
Bụng no rồi khỏe sức, cứng đôi chân
Có lệnh là đi, có giặc là đánh thắng…”
 
                                             (Sắn đầm ơi)
 
Tình cảm đó theo người lính suốt dọc đường đánh Mỹ cho đến ngày ra quân. Khi ở tuổi trên 75, CCB Hoàng Văn Em một lần nhớ về Tân Thủy lại thốt lên:“Tôi nhớ lắm những lối vào xóm cũ/Những mái nhà ấm áp nghĩa quân dân/Nhớ da diết người ơi-Nhớ bát sắn đầm/Nuôi lính 45 qua cái thời đánh Mỹ…”
 
Trong trận đánh chống càn không cân sức giữa ta và địch tháng 8-1969 tại Đồi 28 (Mặt trận Gio-Cam), Đại đội 3 (D45) đã đánh một trận phục kích, tiêu diệt gần 200 địch quân, thu nhiều trang bị, vũ khí. Chiến sỹ Nguyễn Ngọc Đương, người trực tiếp tham gia trận đánh đã ghi lại cảm xúc của mình qua mấy câu thơ:
 
“…Ta hoan hô ta hôm qua chiến thắng
Một trận chống càn giữa buổi chiều đẹp nắng
Một buổi chiều khi nhận được tin vui
Liên tiếp chiến công quê mẹ sáng ngời
Như gió thổi lồng ngực tôi lộng mát"...
 
                                        (Ta hoan hô ta)
 
Còn đây là cảm xúc của đồng chí Hoàng Văn Mĩnh, y tá Đại đội 2 trên đường hành quân vượt sông Hiền Lương vào chiến trường: "Bàn tay cầm súng của người chiến sỹ/Dũng cảm ngoan cường mặc đạn xé bom rơi/Nơi nào ác liệt, có mặt kịp thời/Miền Nam gọi, lính 45 tiếp ứng/Đường hành quân ra hướng chiến trường/Đêm canh dài không chợp mắt dưới trời sương…" (Tôi vào Nam).
 
Những người lính Tiểu đoàn 45 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn đi đầu, lập được nhiều chiến công trong xây dựng và chiến đấu. Trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, họ là những diễn viên, nhà thơ không chuyên. Đội văn nghệ xung kích của tiểu đoàn gồm những chiến binh dạn dày khói lửa, như: Đình Cân, Phú Huế, Đình Quý, Xuân Dọi, Văn Mĩnh… là đơn vị dẫn đầu trong các hội diễn LLVT, hội diễn công-nông-binh toàn tỉnh thời chống Mỹ. Năm1968, đội đã đại diện lực lượng văn nghệ bộ đội địa phương tỉnh tham gia hội diễn LLVT Quân khu 4…
 
Hơn nửa thế kỷ qua, những người lính Tiểu đoàn 45 đã bước sang tuổi xưa nay hiếm. Mỗi lần gặp mặt họ lại đọc thơ, hát cho nhau nghe, ôn lại những năm tháng không thể nào quên.
 
                                               Trung Bảo Nhật