Người say viết thơ tình Sonnet nhất ở Quảng Bình

  • 07:46 | Thứ Tư, 23/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) -  Có thể, tôi hơi chủ quan khi đưa ra nhận định đó. Sonnet là thể thơ cổ có nguồn gốc từ Ý, châu Âu. Cũng như thể thơ Đường luật bắt nguồn từ Trung Quốc, thơ Haiku bắt nguồn từ Nhật Bản, châu Á. Nhưng thể thơ Sonnet vào Việt Nam muộn hơn, chưa "cắm rễ ăn sâu" trong đời sống thi ca như thơ Đường. Ở Quảng Bình, thi thoảng chúng ta cũng bắt gặp một vài bài Sonnet của các nhà thơ Xuân Hoàng, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Lê Đình Ty… đăng trên sách, báo. Người duy nhất in thành nhiều tập, những trang nhật ký tình yêu chỉ có một. Đó là nhà thơ Cảnh Giang. 
 
Sau Ngày chiến thắng 30-4-1975, thơ Việt có khuynh hướng cách tân. Trong khi nhiều trường phái đang tranh cãi giữa thơ truyền thống và thơ hiện đại… thì Cảnh Giang chọn thể thơ Sonnet, một loại thơ tình đặc biệt, làm lối đi riêng cho mình. Tương tự thể thơ Đường luật, một bài thơ Sonnet phải tuân theo niêm luật chặt chẽ.
 
Sonnet gồm có 4 khổ, tất cả 14 câu, trong đó, 2 khổ đầu 8 câu và 2 khổ cuối 6 câu. Hai câu đầu thường là nêu chủ đề, rồi tiếp tục triển khai chủ đề, giải quyết và đi đến kết luận bày tỏ suy nghĩ của mình bằng 2 câu cuối. Cảnh Giang có biến tấu, thay đổi vần điệu đi chút ít.
Bìa cuốn sách “Thơ tình Hoàng hôn” của Cảnh Giang-NXB Thuận Hóa-năm 2021.
Bìa cuốn sách “Thơ tình Hoàng hôn” của Cảnh Giang-NXB Thuận Hóa-năm 2021.
Từ khi cho ra mắt tập thơ Sonnet đầu tiên-“Sonnet em” (năm 2013), đến nay sau 8 năm, nhà thơ Cảnh Giang, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình đã có thêm 4 tập thơ thể loại này. Về hưu, ông dành trọn thời gian cho thơ. Ông kỳ vọng, cuối đời phải phấn đấu cho được 1.000 bài thơ tình Sonnet. Sau tập “Thơ tình tuổi 70” là tập thơ “Thơ tình Hoàng hôn” đến bài “Sonnet 560”, nghĩa là Cảnh Giang chỉ mới đi được hơn một nửa chặng đường.
 
Hầu hết các bài thơ, ông đều so sánh tình yêu với dòng sông, bến nước, con đò; gửi gắm tình yêu của mình với vầng trăng, con sóng sông quê… Ngay từ bài thơ đầu tiên “Sonnet 451” của tập “Thơ tình Hoàng hôn”, ông viết: “Công việc bộn bề quên đi nỗi cô đơn/Chụp ảnh, quay phim, lời bình phóng sự/Thương nhớ dòng sông ôn một thời quá khứ/Biên soạn thơ, đánh máy mỗi đêm về”.
 
Đối với Cảnh Giang, dòng sông là tình yêu muôn thuở, một hình ảnh ẩn dụ với người vợ đã mất và người vợ hiện tại. Đó là niềm thương, nỗi nhớ không bao giờ nguôi ngoai trong trái tim yêu. Ông cố lấy công việc để quên đi nỗi cô đơn trong căn nhà vắng lặng. 
 
Ông là người có nhiều thành công trên lĩnh vực văn học-nghệ thuật. Ông từng đạt giải thưởng các cuộc thi thơ, thi ảnh và đặc biệt nhất là đạt giải khuyến khích do Hội Nhạc sỹ Việt Nam trao thưởng về bài thơ “Trinh nữ Trường Sơn” năm 2013. Ông nổi tiếng với bài thơ “Kết nghĩa với người dưới mộ” làm xôn xao dư luận, từng được coi là “nhà thơ của thanh niên xung phong”.
 
Nhiều người nói Cảnh Giang rất đa tài và cũng rất đa tình. Nhưng thơ ông không chỉ viết đơn thuần là tình yêu nam nữ. Tình yêu trong thơ ông rộng lớn, trong đó có tình yêu quê hương đất nước. Ông yêu 156 liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh trong cuộc chiến bi hùng trên bến cảng sông Gianh.
 
Và chính ông cũng là người đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc làm hồ sơ đề nghị xây dựng Tượng đài TNXP tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch. “Ai nhớ ai quên ngày định mệnh bi hùng?/39 năm đã đi vào quên lãng/Thức tỉnh cho ai một ngày bi tráng?/Sông núi ghi ơn sừng sững một tượng đài” (Sonnet 560)...
 
Ông thường lấy trăng thơ làm bạn như những người tri kỉ. Trong “Sonnet 495”, ôngcất tiếng gọi thao thiết, não lòng: “Ơi! Nàng thơ! Ơi! Vầng trăng xa ngái/Ơi! Dòng sông thương sóng vỗ trong lòng…”. Bằng thủ pháp nghệ thuật tượng trưng, hình tượng vầng trăng và nàng thơ theo suốt ông trên dòng sông cuộc đời. Dòng sông chính là tình yêu của người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam. Trăm con sông đều đổ về một biển Đông, hầu như xuyên suốt trong hơn 500 bài thơ tình của ông, gửi gắm qua 5 tập thơ hơn 10 năm qua…
 
Và dòng sông quê Linh Giang để lại một dấu ấn trong đời sâu sắc nhất, mà đi đâu ông cũng nhớ. “Qua núi qua sông đi khắp đó đây/Rồi cũng trở về trong vòng tay của mẹ/Dòng Linh Giang lời ru ta thuở bé/Vẫn ngọt ngào, sâu lắng sóng trào dâng/Ơi! Sông quê qua mưa nắng đã từng/Da sạm nắng, hơi mặn mòi của biển/Đâu bằng mẹ, trải qua bao cuộc chiến/Mưa dột mái nhà, thương con áo mỏng manh” (Sonnet 472) .
 
Thơ Cảnh Giang được xem là loại thơ tình thế sự như những trang nhật ký theo ông trong suốt cuộc hành trình. Đi đâu ông cũng viết, gặp sự kiện gì cũng biến thành thơ. Ông viết nhiều về bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương, bạn thơ, bạn báo và những tác phẩm của họ để lại cho đời. Ông viết về các nhà thơ Hoàng Bình Trọng, Hoàng Hiếu Nghĩa, Ngô Minh và nhà thơ Ngọc Khương nay vào đất phương Nam nơi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mang gươm đi mở cõi…
 
Ông viết về thầy giáo Hoàng Hữu Thanh, một người cựu chiến binh từng đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Trong bài “Sonnet 531”, ôngviết: “86 tuổi thầy đi, để lại “THỜI LỬA ĐẠN”(*)/Cho cháu con tiếp bước một con đường/Thanh thản nhẹ nhàng không một chút tơ vương/Tập hồi ký và nghĩa tình nhân hậu”. Chủ đề bài thơ được phát triển tiếp với lịch sử oai hùng của quê hương.
 
Thầy Thanh từng tham gia trận đánh Phú Trịch-La Hà trên sông Gianh, rồi những năm tháng gắn bó với Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Bình (nay là Trường đại học Quảng Bình), nơi ông từng học: “Với học trò tấm gương sâu nặng/Vất vả gian lao trường Sư phạm một thời/Máy bay gầm đạn réo bom rơi/Máy cái ra lò ươm mầm xuân đất nước”.
 
Với cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, Cảnh Giang được xếp vào hàng ngũ những nhà thơ “xưa nay hiếm”của Quảng Bình với mảng thơ tình Sonnet. Mong với thời gian còn lại, ông sẽ hoàn thành nốt tâm nguyện của đời mình. Những bài thơ Sonnet của Cảnh Giang vẫn sống mãi với thời gian, như dòng Linh Giang ngàn đời vẫn chảy. 
 
 Hoàng Minh Đức 
 
(*)Tập hồi ký “Thời lửa đạn”-NXB Thuận Hóa-năm 2013 của nhà giáo Hoàng Hữu Thanh.