Đổi mới nội dung, hình thức truyền thông về biển và đại dương

  • 07:37 | Thứ Bảy, 12/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Chương trình truyền thông về biển và đại dương đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, báo đối ngoại có chuyên trang, chuyên mục về biển và đại dương.
 Một góc biển Quy Nhơn. (Nguồn: TTXVN)
Một góc biển Quy Nhơn. (Nguồn: TTXVN)
Đến năm 2025, tất cả các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đều có chuyên trang, chuyên mục về biển và đại dương trên các sản phẩm thông tin.
 
Đây là một trong những chỉ tiêu cụ thể được đưa ra tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 11-6.
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030.
 
Chương trình xác định mục tiêu chung là đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, phát triển bền vững kinh tế biển được hiểu đúng, đầy đủ và toàn diện.
 
Thông tin, kiến thức, tri thức về biển và đại dương được truyền tải thường xuyên, liên tục, chính xác, hấp dẫn đến từng nhóm đối tượng; nhận diện, bác bỏ thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, xuyên tạc về biển và đại dương.
 
Nội dung, hình thức truyền thông được đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa; sử dụng công nghệ truyền thông hiện đại, đa phương tiện, đa loại hình, đa ngôn ngữ; tạo sự tương tác hiệu quả giữa chủ thể và đối tượng được truyền thông, sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong nước và quốc tế; hình thành được ý thức trách nhiệm tham gia truyền thông về biển và đại dương của người dân.
 
Ngân sách nhà nước được bố trí đủ và tăng dần hằng năm cho các hoạt động truyền thông về biển và đại dương; ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức, người dân tham gia vào hoạt động truyền thông.
 
Đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết  Chương trình đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: đến năm 2022, 100% các bộ quản lý 6 ngành kinh tế biển được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai chương trình, kế hoạch truyền thông về biển và đại dương.
 
Đến năm 2025, tất cả các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, báo đối ngoại có chuyên trang, chuyên mục về biển và đại dương trên các sản phẩm thông tin (báo, bản tin, tạp chí in, trang thông tin điện tử, kênh phát thanh, truyền hình) của cơ quan.
 
Đến năm 2030, tất cả các bộ, ngành có liên quan đến quản lý nhà nước về biển và hải đảo, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chuyên mục về biển và đại dương trên trang thông tin điện tử của cơ quan.
 
Chương trình đặt chỉ tiêu hằng năm, 100% các địa phương tổ chức có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới và báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 
100% phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí, những người làm công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề có liên quan đến biển và đại dương tại các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương được tập huấn về hệ thống chính sách, pháp luật, kiến thức cơ bản về biển, hải đảo, đại dương.
 
Đến năm 2025, Chương trình đặt chỉ tiêu xây dựng được một thư viện cấp ngành về biển và đại dương. 100% thư viện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các đầu sách viết về biển, hải đảo và đại dương của Việt Nam. Đến năm 2030, xây dựng được một Bảo tàng biển và đại dương.
 
Đến năm 2030, Chương trình hướng đến 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, tư thục và quốc tế thực hiện hoạt động truyền thông về biển và đại dương thông qua việc lồng ghép nội dung liên quan vào một số môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo.
 
Tất cả các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước tham gia hoạt động truyền thông về biển và đại dương (trực tiếp hoặc gián tiếp, tùy theo quy mô, tính chất hoạt động của các tổ chức, đơn vị).
 
Để thực hiện các mục tiêu trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết, Chương trình xác định các giải pháp chính: đánh giá, rà soát, điều chỉnh, ban hành mới các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch đề án, dự án truyền thông liên quan đến biển và đại dương; thực hiện đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nội dung truyền thông về biển và đại dương; tăng cường hợp tác, truyền thông quốc tế về biển và đại dương; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về biển và đại dương; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động được mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị,cộng đồng xã hội tham gia vào công tác truyền thông về biển và đại dương; khen thưởng, động viên kịp thời tổ chức cá nhân; ngăn chặn, xử lý thông tin sai lệch; tăng cường kiểm tra, giám sát, sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động truyền thông.
 
Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo toàn diện việc tổ chức triển khai Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030; phân công trách nhiệm cụ thể cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan báo chí và cơ quan có liên quan khác./.
 
Theo Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)