Dấu ấn Quảng Bình trong thơ Xuân Quỳnh

  • 08:54 | Thứ Ba, 01/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm chống Mỹ, Quảng Bình là “điểm nóng”, là nơi đến có ý nghĩa của các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ… trong nước và quốc tế. Nhà thơ nữ Xuân Quỳnh với nhiệt huyết tuổi trẻ đã tạm xa gia đình, chồng, con, xa Thủ đô Hà Nội, đến với Quảng Bình những ngày gian khổ. Bà đã cùng quân dân Quảng Bình sống, chiến đấu, làm việc dưới tầm bom, pháo giặc Mỹ một thời gian dài. Chuyến đi đã giúp bà có được nhiều bài thơ hay. Đọc lại những bài thơ của bà trong tập thơ "Gió Lào cát trắng", chúng ta thấy dấu ấn Quảng Bình thời đó rất đậm nét và sinh động.
 
Bà tự coi mình là người con của xứ gió Lào cát trắng, hiểu đầy đủ từng chi tiết đặc điểm đất đai, khí hậu, thời tiết, cá tính con người Quảng Bình:
 
Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi
Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt
Trong gió nóng những trưa hè ngột ngạt
Mẹ ru tôi hạt cát sạn hàm răng
Vừa lớn khôn tôi đã biết đào hầm
Dưới bom đạn gió Lào vẫn thổi
Và trên cát lại thêm cồn cát mới
Cỏ mặt trời lăn như bánh xe
 
                                      (Gió Lào cát trắng)
Đường 20 Quyết Thắng là trọng điểm ác liệt thời chiến tranh chống Mỹ. Ảnh: M.Q
Đường 20 Quyết Thắng là trọng điểm ác liệt thời chiến tranh chống Mỹ. Ảnh: M.Q
Bà lăn lộn với thực tiễn, sống hòa đồng với đồng bào, đồng chí:
 
Bát cơm trộn cát
Nắng gió trải khắp đời cây
Tháng tám về cùng biển động
Bão cuồn cuộn từ ngoài khơi
Tháng năm rát mặt gió lào
Hoa héo trước khi hoa nở
 
                          (Em đến nơi anh qua)
 
Bà luôn có cái nhìn lạc quan, yêu đời: "Màu lá sắn xanh, xanh đến ngẩn ngơ/Trong những hố bom giặc phá". Hoặc: "Giữa gió cát, giữa những ngày ác liệt/Tôi nghĩ về tha thiết một màu xanh" (Gió lào cát trắng)
 
Và có những câu thơ mang tính triết lý, khái quát cao:
 
Mẹ nuôi ngọn lửa trong hầm
Để khi con lớn con cầm lên tay
Những điều mẹ nghĩ hôm nay
Ghi cho con nhớ những ngày còn thơ
 
                                      (Tuổi thơ của con)
 
Ở bài Chúng tôi, bà hóa thân thành người cô, người trò để nói về việc dạy và học trong cảnh thời chiến tại Quảng Bình:
 
Chúng tôi học đào hầm trước khi học lớp
Mái trường tranh sơ tán ở bên đồi
Giữa rừng sâu hoặc dưới một lùm cây
Mùi hoa cỏ bay vào trang sách mới
Đang giờ toán bỗng nghe bom dội
Trong bài văn có chữ “máy bay rơi”
 
                                  (Chúng tôi)
 
Bất chấp đạn bom, bà đã đến tận từng làng (kể cả làng địa đạo) của Quảng Bình và ở lại mấy ngày liền để chia sẻ với từng người dân: "Giặc Mỹ ném bom định hủy diệt làng ta/Giữa ban ngày mịt mù bom tọa độ/Ban đêm pháo sáng thắp thâu đêm/.../Ta mang thời gian vào lòng đất/Đốt đèn lên ta làm ban ngày" (Thời gian đi trong lòng đất).
 
Bà thấu hiển từng cảnh ngộ của người phụ nữ:
 
Khi người mẹ tiễn con ra trận
Một cánh đồng xanh ngắt phía sau lưng
Người con gái làm dâu trước lúc lấy chồng
Những đứa trẻ đào hầm che bom đạn
 
                                          (Trở lại mình)
 
Cảm nhận hết tất cả sự ác liệt của chiến tranh: "Làng tôi đây/Giặc phá hết không còn gì cả/Chúng tôi sống không còn nhà cửa/Chỉ có tấm lòng và cây súng trong tay/Uống nước hố bom đánh giặc đêm ngày" (Làng). Hoặc: "Không một tiếng gà, không ánh lửa/Không gốc cây ngọn cỏ bờ lau/Lối đi quen nào biết ở đâu/Đất xáo trộn ngổn ngang bom đạn" (Mặt đất cũ).
 
Cũng từ những làng đã nói ở trên, nhà thơ Xuân Quỳnh đúc kết:
 
Tuổi trẻ và ước mơ
Đều ra ngoài mặt trận
Tuổi trẻ đầy khói bom
Tuổi trẻ đầy bùn đất
Trong chiến hào dằng dặc nắng miền Trung
Tuổi trẻ sang bên kia Trường Sơn
Nơi chưa bao giờ thấy biển…
 
                             (Những miền đất)
 
Đường 20 Quyết Thắng thời đó là trọng điểm bom ác liệt. Biết bao nữ thanh niên xung phong và bộ đội đã ngã xuống do bom Mỹ. Thế mà thi sỹ Xuân Quỳnh (vốn là diễn viên múa-chân yếu tay mềm) vẫn hăng hái đến tận nơi đó: "Trong những khu rừng rậm ở Trường Sơn/Tiếng súng báo thông đường nơi trọng điểm/Giữa trận bom thù, cơn sốt rét/Rộn tiếng hò liên tiếp bánh xe qua" (Trở lại mình). Hoặc: "Đường chấp tất: bổ nhào, tọa độ/Những máy bay trinh sát ngày đêm/Cả B52! Đường vẫn là đường/Khi xe cháy, xe lao xuống vực/Cho đoàn sau lên trước. Thông đường/Chính ở đây mới biết sâu lòng căm ghét/Chính ở đây mới hiểu hết nghĩa yêu thương" (Viết trên đường 20).
 
Với ý thức “giữa lúc chống kẻ thù cái chết/mình mới đi được hết lòng mình”, nhà thơ Xuân Quỳnh đã phát hiện ra: "Mọi con đường mang nỗi đau đạn lửa/Con đường đỏ bùn, ngụy trang cũng đỏ" (Viết trên đường 20). "Xin cho em được chia sẻ cùng anh/Vị nứa chua vị măng vầu đắng/…/Nơi em ở là nơi anh nhớ! (Kỷ niệm của người lính cũ).
 
Ở đó, có nhiều người đã thành liệt sỹ:
Các anh nằm bên những ngã ba
Nơi bom dội không còn ngọn cỏ
Màu đất đỏ ngụy trang cho nấm mộ
 
                                          (Các anh)
 
Xuân Quỳnh đã chứng kiến cảnh hào hùng những đoàn xe nối đuôi nhau ra trận, sự ác liệt của bom đạn và nhiều tấm gương anh dũng hy sinh. Bà đã cảm nhận tận cùng nỗi đau và niềm tự hào những tấm gương anh hùng:
 
Mặt anh hùng sau cửa gương lấp loáng
Bánh xe băng giữa bom đạn mịt mù
Bánh xe lăn suốt cả mùa khô
Vệt bụi đặc chạy dài theo triền núi
Đời dài vì ít ngủ
Qua bao ngày bao đêm
Tên sông núi trở thành tiếng gọi
 
                         (Viết trên đường 20)
 
Chúng ta thật sự cảm kích khi nữ nhà thơ hạ bút viết:
 
Tôi sẵn lòng đem hiến cả đời tôi
Cho cát trắng và gió Lào quạt lửa
 
                                (Gió lào cát trắng)
 
Sau khi rời Quảng Bình trở về Hà Nội, nhà thơ Xuân Quỳnh vẫn không nguôi nhớ Quảng Bình. Trong giấc ngủ, nhiều lần bà mơ thấy hình ảnh vùng đất gió Lào cát trắng bà từng gắn bó.
 
Nhớ cát là nỗi nhớ của tôi
Nhắm mắt lại thấy một màu trắng xóa
 
                        (Nhớ cát)
 
Hoặc: "Kỷ niệm về tình yêu là tiếng cười bên bờ cát trắng" (Chúng tôi).
 
Nhà thơ nữ Xuân Quỳnh xinh đẹp, tài hoa đã để lại cho đời, để lại cho Quảng Bình những bài thơ hết sức ý nghĩa. Bà đã được Nhà nước ta tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Trong cụm tác phẩm được giải thưởng có tập thơ Gió lào cát trắng. Tại TP. Đồng Hới đã có một con đường mang tên bà. Đây là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình đối với bà!
 
Lý Hoài Xuân