Tổ chức Đại lễ Phật đản với quy mô dưới 10 người tham gia

  • 08:36 | Thứ Tư, 26/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định tổ chức Đại lễ Phật đản phật lịch 2565 - dương lịch 2021 với quy mô dưới 10 người nhằm phòng, chống dịch COVID-19.
 
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mới mắc tăng nhanh tại Bắc Giang, Bắc Ninh, tại Hà Nội cũng xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực chung cư tập trung đông dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, thực hiện Công điện khẩn của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định tổ chức Đại lễ Phật đản phật lịch 2565 - dương lịch 2021 với quy mô dưới 10 người.
Chùa Quán Sứ (Hà Nội) đóng cửa phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Chùa Quán Sứ (Hà Nội) đóng cửa phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Trước đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự định tổ chức Đại lễ Phật đản phật lịch 2565 - dương lịch 2021 vào sáng 26-5 (tức ngày Rằm tháng Tư âm lịch), tại trụ sở Trung ương Giáo hội với sự tham dự của các chư tăng, ni, đại diện một số cơ quan, ban, ngành, báo chí và phật tử. Tuy nhiên, theo Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn, thực hiện nghiêm Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố, Giáo hội đã quyết định chỉ tổ chức Đại lễ ở trong nội bộ với quy mô dưới 10 người tham gia.
 
Các nghi thức Phật giáo kính mừng ngày Phật đản vẫn được thực hiện đầy đủ và trang trọng. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình An Viên và mạng xã hội Butta để các phật tử, người dân theo dõi.
 
Hàng năm, Đại lễ Phật đản thường có tới hàng trăm, hàng nghìn tăng, ni, phật tử tham gia. Mùa Phật đản năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến rất phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Một số địa phương đã có văn bản tạm dừng các sinh hoạt nghi lễ tôn giáo tập trung.
 
Vì vậy, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn yêu cầu Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố và tăng, ni các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc”, theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố trong phòng, chống dịch.
 
Đồng thời, vận dụng sáng tạo các hình thức kính mừng Phật đản vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân, đồng bào phật tử trong mùa Phật đản; khuyến khích các hình thức kính mừng Phật đản trực tuyến, online, các gia đình phật tử tôn trí tắm Phật tại tư gia.
 
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi các chùa, cơ sở tự viện  thực hành khóa lễ tụng kinh cầu nguyện quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ trong mùa Phật đản… Tăng ni, phật tử thể hiện tinh thần tương thân, tương ái bằng việc tiếp tục ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
 
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có Thông bạch số 129/TB-HĐTS về việc tổ chức An cư kết hạ phật lịch 2565 – dương lịch 2021 trước diễn biến dịch COVID-19; đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương xem xét việc tổ chức An cư kết hạ vào thời gian Hậu an cư (từ 16/5 đến 16/8 âm lịch). Trong trường hợp các Ban Trị sự theo truyền thống tổ chức Tiền An cư phải đảm bảo đúng các quy định của Bộ Y tế và UBND các địa phương về an toàn trong phòng, chống dịch.
 
Theo Chu Thanh Vân (TTXVN)