Nhớ mùa hè bên bến sông

  • 08:07 | Chủ Nhật, 28/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một ngày cuối xuân năm 1972, ba mẹ con tôi bước xuống đò. Bên kia con sông Gianh lấp loáng như dát vàng dưới nắng chiều là làng Kinh Châu (Châu Hóa, Tuyên Hóa) với những bãi bồi xanh mướt ngô khoai. Đó là nơi hai anh em tôi tiếp tục đợt sơ tán mới, xa ba mạ, xa ngôi nhà yêu dấu!
 
Xa nhà
 
Trước lần đi này, người lớn bảo nhau lại có chiến tranh. Đế quốc Mỹ tiếp tục đem bom đánh phá miền Bắc. Cả xóm bắt đầu đào hầm trú ẩn. Lúc đầu là những chiếc hầm tròn được đào quanh sân nhà, để khi nghe tiếng kẻng báo động, tiếng máy bay là ai cũng có thể nhanh chóng nhảy xuống. Mọi người cũng đào giao thông hào với độ sâu như vậy nối từ vườn nhà nọ sang nhà kia. Về sau còn làm cả những chiếc hầm chữ A có hai cửa lên xuống, đủ để đặt một cái chõng hay tấm phản, để có thể ngủ dưới đó ban đêm.
 
Hầm đào rồi cũng không yên tâm, người lớn tính chuyện cho con cái đi sơ tán. Nhiều gia đình đem con gửi mỗi đứa mỗi nơi. Hồi đó, đa số các gia đình đông con, 6, 7, 8 đứa là chuyện bình thường, nên gửi khắp nơi để nhỡ mất đứa này còn đứa kia. Có gia đình thì ở lại cả nhà, xác định sống cùng sống, chết cùng chết. 
Sông Gianh đoạn qua xã Châu Hóa.
Sông Gianh đoạn qua xã Châu Hóa.
Nhưng nhà tôi chỉ có 2 anh em. Những đòn tra tấn dã man trong nhà tù thực dân Pháp đã hủy hoại thiên chức phụ nữ, gần như cướp mất của mạ tôi cơ hội được làm mẹ. Hòa bình rồi, mạ phải chạy chữa khắp nơi mới có được 2 anh em. Nên đầu hai thứ tóc mà con vẫn còn nhỏ dại, nỗi lo sợ mất con quá khủng khiếp, khiến ba mạ mất ăn mất ngủ và quyết định lại phải đưa hai anh em đi sơ tán.
 
Bác Kính, cấp trên của ba, có gia đình đang sống ở ngôi làng bên sông Gianh ấy đã đón nhận anh em tôi. Thế là không nhớ đi như thế nào và mất bao lâu, chiều hôm đó, mẹ ba mẹ con đã ở cách nhà hơn bảy mươi km để xuống đò qua sông.
 
Đi học ở nơi sơ tán
 
Nhà bác Kính có năm chị em gái, không có con trai. Chị út lớn hơn tôi tầm 2 tuổi, nên thành ra tôi nhỏ nhất nhà. Bác Kính gái rất hiền. Suốt mấy tháng trời được bác cho ở, cho ăn, tôi không hề nhớ có lúc nào đó bác bực bội hay khó chịu gì, dù hồi đó, cơm độn ngô khoai, rau cà và bác phải vất vả chạy ăn từng bữa. Anh em tôi chỉ có tem lương thực, tức là chỉ có gạo hàng tháng.
 
Không rõ mạ đã đến trường làm thủ tục nhập học cho anh em thế nào, mà những buổi học đầu tiên, thầy giáo chủ nhiệm mỗi sáng lại ghé qua nhà đón. Thầy tên Khai, không còn trẻ. Nhà thầy ở đâu đó cuối đường, mỗi ngày đều đi qua nhà tôi sơ tán. Nên những buổi sáng đầu tiên, tôi chuẩn bị sẵn sàng xách cặp ra ngõ đợi thầy.
 
Với một đứa trẻ hơn 8 tuổi học lớp 2, ngơ ngác thời đó, lại ở nơi sơ tán, không ai nhắc nhở, cứ tự do lớn lên như cây giữa rừng. Cái túi đi học chỉ lèo tèo vài cuốn vở, nhem nhuốc mực loang với cây bút lưỡi tre bơm mực, cái thước ô vuông để kẻ hàng. Hôm trước, hôm qua, cũng như hôm nay, cả tuần cũng vậy, cứ thầy gọi là chân đất vơ túi chạy.
 
Mỗi lần nghe thầy gọi tôi là bác Kính gái lại dúi cho khi thì trái bắp, lúc nắm bắp rang. Nhớ nhất một lần bác đưa cho củ khoai còn nóng hôi hổi, tôi lấy vạt áo, để củ khoai vào rồi cun cút chạy theo thầy. Thế là thầy đi trước, trò vừa chạy vừa cho khoai cả vỏ vào miệng theo sau, cứ thế mà đến trường...
 
Vui chơi
 
Trừ những lúc đi học, còn thì tôi cùng lũ bạn lê la từ đầu xóm đến cuối làng. Sơ tán đúng mùa thu hoạch ngô, nên tôi tham gia gỡ ngô với mọi người. Hết gỡ ngô thì chơi ô quan, nhảy lò cò, hái bưởi non chơi chuyền thẻ. Buổi trưa không ngủ, lẻn vào sân hợp tác xã, chạy luồn qua những nong tằm bắt trộm tằm nhác (loại tắm không làm kén) về rang với nước mắm ớt. Rồi la cà trong vườn kiếm trái ổi, dái mít, đu đủ...
 
Sướng nhất là thỉnh thoảng được chị Huyền (chị Huyền đẹp và hiền nhất nhà, hồi đó học lớp 7 hay lớp 8 gì đó) cho đi theo đến sân hợp tác, nơi chị quay tơ tằm. Một khung quay tơ làm bằng tre gỗ thô sơ. Kén tằm dính chùm vào với nhau bởi những sợi tơ rất mảnh được chị Huyền dắt vào khung, rồi quay nhanh tạo thành những lọn tơ vàng óng. Tôi ngồi bên cạnh chị, mong chờ từng kén hết tơ để chị cho mấy con nhộng gắp ra từ trong nồi nước đang sôi sùng sục. Nhộng tằm tươi, vừa chín béo ngậy, với một đứa bé lúc nào cũng thấy đói, thì ăn một lần nhớ cả đời.
 
Nhớ nhất là những buổi tối cả bọn lang thang từ vườn nhà này sang vườn nhà kia. Vài đứa một cây đèn dầu, đi xuyên qua những mảnh vườn của các gia đình, lùng sục tìm vặt tất những gì có thể chấm muối ớt được mà thích nhất là bắt ve non. Cơm tối xong, cả bọn trong xóm tụ tập nhau lại đi bắt ve ve.
 
Cứ tầm khoảng 7, 8 giờ tối là lũ ve chẳng hiểu bò từ dưới đất lên lúc nào mà đã cách gốc cây khoảng hơn 1m, đủ cho đám trẻ có thể với tay bắt được. Những con ve khi chưa lột xác, trông như những con kiến khổng lồ. Bắt được nhiều ve, bỏ vào hộp đem về nhà. Rồi cả lũ thắp đèn dầu, chụm đầu quanh bàn cùng ngồi đợi ngắm ve lột xác.
 
Nếu có trò gì mà trẻ con thời nay thiệt thòi hơn đám trẻ hồi đó thì chính là những khoảnh khắc này. Khoảng một lúc sau, từng con bắt đầu nứt vỏ ra, nhúc nhích dần dần, rồi chui ra khỏi vỏ. Ve non có màu xanh nõn chuối nhạt, nhìn rất dễ thương. Đôi cánh mỏng đến trong suốt lúc đầu ngắn cũn, ra khỏi vỏ là bắt đầu dài ra với tốc độ trông thấy. Chỉ một lúc là dài ra, thế là thêm một chú ve trưởng thành.
 
Chiều chiều, trước giờ ăn cơm, mấy anh chị em, bạn bè trong xóm ới nhau ra sông tắm. Nước sông Gianh hồi đó rất sạch, cả lũ con nít cứ thế mà vùng vẫy. Có lần chiều muộn, mãi nghịch, nước dâng lên cuốn mất của tôi cái áo vắt trên mỏm đá. Cái áo màu tím than, có cổ lá sen viền vải đỏ, dù đã cũ, nhưng là cái áo đẹp nhất trong vài cái áo ít ỏi nên nhớ mãi...
 
Anh em
 
Tôi có nhớ nhà, nhớ ba mạ không? Không có ai hỏi han hay nhắc đến từ đó. Ngay cả mạ tôi cũng chưa bao giờ hỏi (cũng như tôi chưa bao giờ nghe mạ nói: mạ yêu con). Giữa lúc sự sống và cái chết chỉ còn gang tấc, thì nhớ nhung xem ra là chuyện xa xỉ, ủy mị. Chỉ cần sống là được, mọi thứ khác chẳng quan trọng.
 
Nhưng có điều này thì chắc chắn. Tôi biết anh trai 13 tuổi của mình là người thân duy nhất ở nơi sơ tán. Nên dù bác gái và các chị rất hiền, tử tế nhưng vắng anh là tôi buồn thơ thẩn. Vì đang chiến tranh, nên các lớp học lúc ban ngày, lúc ban đêm. Tôi học lớp hai, buổi sáng. Anh học lớp 6 nên học cả ngày và đêm. Đi học hay bạn bè rủ đi chơi thì thôi, còn ở nhà là tôi bám lấy anh.
 
Lúc không đi học, anh hay đi với các anh chị vào rừng kiếm củi. Có hôm, tôi đòi đi theo nhưng anh không cho. Tôi chạy theo ra đường khóc đòi đi, thế là mọi người phải quay lại. Tôi chỉ chờ có thế, nhoẻn miệng cười, lấy tay quệt nước mắt rồi lật đật chạy theo. Vào rừng chẳng có việc gì làm, tôi mò ra chỗ có khúc suối cạn nghịch nước văng tung tóe, chơi với mấy con cá bé tin hin trong vũng nước giữa những hòn đá, yên tâm nghe tiếng anh và bạn bè lao xao chuyện trò sau những tán lá cây...
 
Có những đêm anh đi học, tôi ở nhà buồn, đòi chị Huyền dẫn lên trường. Hai chị em xách cái đèn dầu có ngọn đèn bằng hạt đỗ trong cái bóng đèn ám khói đi đến trường. Trên đường đi, thỉnh thoảng lại va phải một quả bầu, quả mướp thõng xuống từ những giàn bầu bí bắc ngang qua đường, hay đụng phải con bướm, châu chấu bay lạc trong bóng đêm. Đến trường thì đứng ngoài cửa xem anh học, đứng chán thì về.
 
Chuyển nhà
 
Được một thời gian, không rõ vì lý do gì anh em tôi thôi không ở nhà bác Kính nữa, mà chuyển sang ở nhờ nhà bác Xuân gần đó. Mạ tôi gửi hai anh em cho chú Khôi cùng cơ quan mạ. Chú Khôi đưa chị Hòa tầm tuổi anh tôi và cả Bình (nhỏ hơn tôi 1, 2 tuổi) ra đây sơ tán. Cha con, chú cháu ở nhờ nhà bác Xuân, nhưng tự nấu cơm ăn với nhau.
 
Thức ăn thường xuyên nhất lúc đó là món nước mắm gọi là nước xít. Nước xít được nấu từ nước muối và một chút nước mắm, thỉnh thoảng thêm tý hành khô phi mỡ. Rau củ thì đi xin quanh xóm. Tuy vậy cũng có hôm được ăn rất sang. Chú Khôi rất khéo tay. Chú gò xoong nồi rất đẹp. Chú dùng mảnh vỡ máy bay gò thành những cái xoong nho nhỏ, xinh xinh rồi đem đi đổi thức ăn. Hôm thì được ít tôm cá, có hôm có cả lươn.
 
Thích nhất là cá bống sông Gianh. Người dân ở đó lên rừng chặt cành cây, bó lại thành từng bó to, rồi đem ra giữa sông đoạn có cồn cát nổi lên, rồi đặt bẫy kiểu. Lâu sau chèo đò ra lấy bó cành cây lên khỏi mặt nước, rũ rũ vài cái là cơ man tôm cá rơi tanh tách xuống đáy thuyền. Món cá của chú Khôi hay chị Hòa kho với anh em tôi lúc đó là ngon nhất.
 
Cuộc sống ngày sơ tán bên bờ sông Gianh chỉ có vậy, bình yên, giản đơn và hồn nhiên như hoa cỏ… lẽ ra sẽ còn kéo dài, nếu không có một “sự kiện” xảy ra.
 
Một buổi chiều, như thường lệ anh chị em ra sông tắm. Chị Hòa tập bơi mà lại dùng cái xô bằng tôn hay sắt gì đó thay cho phao, đang ở gần bờ, chẳng hiểu sao lại trôi tít ra xa. Tôi ngồi trên bờ thấy hai tay chị chới với, tưởng chị bơi được, vỗ tay cười sung sướng. Thế rồi một bóng người từ đâu bỗng lao xuống nước nhanh như cắt, kéo chị vào bờ rồi vác chị qua vai chạy lui chạy tới một lúc. Tối đến, tôi viết một cái thư cho ba mạ kể chuyện chị Hòa suýt đuối nước. Thư đi mất bao lâu, không biết, nhưng đã về được với ba mạ. Mạ tôi nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề nên anh em tôi chỉ ở thêm một thời gian ngắn nữa thì được đón về.
 
Tôi không biết mạ đã đi bằng cách nào giữa thời buổi bom đạn để ra được nơi sơ tán. Nhưng đường về là một câu chuyện dài. Đồng Hới-Tuyên Hóa hơn 70km, thế mà lần đó, anh em tôi mất gần chục ngày mới về đến nhà.
 
***
 
Sau bao lần tự mình hò hẹn, giáp Tết Tân Sửu, tôi đã liên lạc được với chị Huyền. Cuối cùng thì tôi cũng được trở lại thôn Kinh Châu, vừa may đúng vào ngày giỗ bác Kính gái.
 
Gần 50 năm trôi qua, ngôi làng miên man xanh trong ký ức của tôi đã biết bao thay đổi. Bến sông xưa không còn rộng như trong trí nhớ. Ranh giới giữa các nhà giờ đã là những tường xây chắc chắn bao quanh, bọn trẻ chắc cũng không còn len lỏi trong vườn kia để bắt ve, vặt trái…
 
Ngôi nhà xưa đã được xây lại nhỏ xinh kiên cố nhưng không còn ai ở đó. Thầy Khai, hai bác, những người họ hàng, láng giềng, những người đã đón nhận, che chở anh em tôi đã xa rồi. Các chị thuyền theo lái, gái theo chồng, mẹ theo con sinh sống ở nơi khác, thỉnh thoảng ngày giỗ chạp mới cùng nhau trở về…
 
Ngày trở lại, tôi một mình đứng trên nền ngôi nhà cũ, bâng khuâng thương nhớ mọi người, thương nhớ một quãng tuổi thơ với mùa hè bên bến sông!
 
 Ký của Hoàng Kim Chi