Chợ truyền thống, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo

  • 07:39 | Thứ Sáu, 19/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chợ từ xa xưa đã là một khái niệm rất thân thuộc với người Việt bởi đó là nơi chứa đựng bức tranh kinh tế, văn hóa của một vùng đất. Trải qua thời gian, chợ và văn hóa chợ đã chịu không ít tác động, biến đổi, song vẫn giữ được nhiều bản sắc văn hóa của mỗi làng quê.
 
Cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, mỗi làng quê trên đất Quảng Bình đều có chợ, mỗi chợ gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của từng vùng đất. Nổi tiếng nhất trên địa bàn tỉnh là chợ Ba Đồn, TX. Ba Đồn. Đây cũng là một trong những chợ cổ nhất của tỉnh.
 
Cũng chỉ vì có nhiều nét đặc trưng, nhất là việc duy trì hình thức họp chợ phiên mà nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian (VHVNDG) Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã có một công trình nghiên cứu khá “đầy đặn”, đó là cuốn sách “Chợ phiên Ba Đồn”, được Hội VNDG Việt Nam trao tặng giải B vào năm 2019.
Nón lá, sản phẩm được bày bán tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Nón lá, sản phẩm được bày bán tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Sở dĩ, chợ có tên là Ba Đồn vì từ thời Hậu Lê, chúa Trịnh có lập 3 cái đồn trên vùng đất này và lập ra chợ để quân lính gặp gỡ, trao đổi, mua bán. Thời Pháp thuộc, chợ Ba Đồn được xây dựng với 5 đình lớn kế tiếp nhau, nền láng xi măng và mái lợp bằng ngói Hồng Ký. Mỗi phiên chợ (10 ngày 1 phiên, gồm các ngày: 6, 16, 26 âm lịch) có hàng nghìn người tham gia.
 
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chợ trở thành chiến địa, đình chợ, hàng quán bị bom đạn Mỹ phá hoại. Hòa bình lập lại, chợ được dời về tại cầu Kênh Kịa và mở thêm 3 phiên (gồm các ngày: 1, 11, 21) song các phiên 6 mới được xem là phiên chính, rất đông người mua, kẻ bán.
 
Nhà nghiên cứu VHVNDG Đặng Thị Kim Liên cho rằng: “Chợ phiên Ba Đồn là một di sản văn hóa” bởi hình thức họp chợ này tồn tại nhiều nét sinh hoạt, văn hóa độc đáo. Không gian văn hóa truyền thống ở chợ gồm nhiều hàng hóa, sản vật, ẩm thực do người dân các địa phương làm ra như: rượu Quảng Long, sản phẩm đan lát làng Thọ Đơn (phường Quảng Thọ, TX. Ba Đồn); bánh đa Lộc Điền, Tân An (Quảng Thanh, Quảng Trạch); rau, hoa của các xã: Quảng Long, Quảng Tùng… và rất nhiều nông sản, nông cụ… Chợ còn là địa chỉ được rất nhiều du khách ghé thăm, mua sắm.
 
Trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, chợ Ba Đồn nay được xây dựng khang trang với quy mô khá rộng lớn, là trung tâm thương mại sầm uất nhất vùng bắc Quảng Bình.
 
Chợ Họa thuộc làng Thổ Ngọa (phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) nằm sát bờ bắc sông Gianh cũng là một chợ cổ. Theo “Địa chí làng Thổ Ngọa” của nhà nhiên cứu VHVNDG Đỗ Duy Văn, chợ Hoạ ra đời từ năm nào chưa có tài liệu cụ thể. Chỉ biết rằng, trong “Đại Nam nhất thống chí" có ghi: "Chợ Thổ Ngoã huyện Bình Chánh (địa danh này có từ năm Minh Mệnh thứ 8-1827), họp hai buổi, phần nhiều bán tôm, cá, hàng quán đông đúc”.
 
Chợ xưa còn có một cái giếng gọi là giếng chợ. Giếng này ở sát sông Gianh nhưng nước vẫn rất trong và ngọt. Trải qua thời gian, bị chiến tranh tàn phá, chợ nay được xây dựng lại khá khang trang nhưng vẫn giữ được nhiều nét xưa, bán đủ các mặt hàng từ cá, cua, tôm, tép… do người dân đánh bắt từ sông Gianh đến các mặt hàng thủy, hải sản, trái cây từ các làng quê ở huyện Tuyên Hóa theo đường sông đến bán.
 
Chợ còn bày bán đủ các mặt hàng đan lát, hàng thủ công mỹ nghệ, các loại bánh nổi tiếng của làng nghề truyền thống như bánh mè xát, bánh tráng ngô, bánh ướt… và nhiều món ăn dân dã, truyền thống của người dân bản địa như bánh bèo, bánh xèo, bánh dày, bánh lá, bánh chì, bánh cuốn, bánh canh… Đông vui nhất vẫn là bến thuyền chợ cá luôn diễn ra vào mỗi buổi sáng sớm.
 
Từng chủ thuyền lần lượt neo đậu bên bến sông rồi vội vã chuyển những rổ tôm, cá tươi rói lên bờ cho những người mua đã chờ sẵn. Ngoài các mặt hàng thông dụng, chợ còn có mặt hàng luôn “đắt khách” là nón lá và các sản phẩm phục vụ cho nghề làm nón truyền thống của người dân trong làng như lá nón, vành nón, cước, kim….
 
Không chỉ là trung tâm kinh tế, giao lưu buôn bán của bà con trong phường, chợ Họa còn là nơi diễn ra lễ “cầu siêu” cho những vong linh “sống không nhà, chết không mồ” được tổ chức vào dịp rằm tháng bảy âm lịch. Đây cũng là nơi diễn ra lễ hội làng truyền thống với rất nhiều nét sinh hoạt, tín ngưỡng độc đáo của người dân được tổ chức vào ngày mồng 10-3 hàng năm.
 
Chợ Đồng Hới nằm giữa lòng thành phố nhưng vẫn có nhiều không gian của một chợ quê. Ngoài việc bày bán đủ các loại mặt hàng từ bình dân đến cao cấp, chợ còn có nhiều gian hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch, chủ yếu là các sản phẩm của người dân làng biển ở Đồng Hới và các địa phương lân cận như nước mắm, ruốc, cá khô, tôm khô, mực khô… Hấp dẫn nhất ở chợ là khu vực buôn bán hải sản.
 
Vào mỗi buổi chiều tà, khi ánh mặt trời dần tắt, thuyền to, thuyền nhỏ, thuyền thúng ghé sát vào bờ và bao nhiêu là hải sản được chuyển lên, từ mực ống, mực nang, tôm hùm, cá mú, cá ong, cá ngừ, ngao sò... Chợ cá nằm bên sông Nhật Lệ đón ngọn nồm mát rượi từ sông, biển nên trong những ngày hè nóng nực, người mua vẫn thoải mái dạo chợ để chọn những thứ cần mua, còn người bán thì cứ thản nhiên cởi mở nên với nhiều người, đi chợ trở thành một thú vui.
 
Chị Phạm Như Chuyền, một du khách đến từ Hà Nội cho hay: “Nhiều lần về Quảng Bình nhưng lần nào tôi cũng ghé chợ Đồng Hới, có khi để chọn mua hải sản làm quà cho gia đình nhưng cũng có lúc cũng chỉ để ngắm người, ngắm cảnh mua bán, ngắm những con thuyền neo đậu bên sông. Chỉ thế thôi đã thấy vui, thấy yêu sông, yêu biển, yêu người, yêu tất cả những gì thuộc về nơi đây…
 
Đối với người dân quê, chợ truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, là nơi không chỉ để gặp gỡ, giao lưu, mà còn chia sẻ thông tin, tạo sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Một số chợ truyền thống, nhất là các chợ xã phần lớn bày bán các sản vật do người dân tự làm ra, đôi khi chỉ chục trứng gà, vài bó rau, mớ tôm, tép đánh bắt được.
 
Các bà, các mẹ đi chợ không chỉ để bán cái mình có và mua cái mình cần mà còn để gặp gỡ bạn bè, chia sẻ với nhau về gia đình, cuộc sống. Không khí mua bán ở chợ quê cũng rất vui vẻ, đầm ấm, người bán và người mua phần lớn là quen biết nhau nên ít khi mặc cả mà luôn “thuận mua vừa bán”. Thậm chí, không ít người dân đi chợ chỉ để gặp người quen, trao tặng nhau đồng quà, tấm bánh, mời nhau dự đám cưới, đám giỗ. Nhiều chàng trai, cô giá nên duyên cũng từ những buổi gặp ở chợ.
 
Trong thời kỳ phát triển và hội nhập, ngày càng có nhiều chợ hiện đại, trung tâm thương mại lớn ra đời song chợ truyền thống vẫn đóng một vai trò, vị trí quan trọng trong cuộc sống của mỗi người dân. Văn hóa chợ vẫn luôn là phần cốt lõi, mang tính quyết định sự tồn tại và phát triển của chợ truyền thống trên mỗi vùng quê.
 
Nh.V