Kỷ vật của tiền nhân

  • 09:55 | Thứ Năm, 11/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã qua rồi những ngày lũ dữ. Kiến Giang đang êm ả xuôi dòng vẫy chào những làng quê đôi bờ. Trong dòng chảy bất chợt, thấp thoáng những cây cổ thụ rợp bóng xuống dòng sông. Dù chỉ thoáng qua, trong ta như “ghim lại” những bóng hình in đậm dấu ấn thời gian…
 
 Cây bún ở Tuy Lộc mùa trổ hoa (ảnh: Trần Long)
Cây bún ở Tuy Lộc mùa trổ hoa (ảnh: Trần Long)

Bây giờ là tháng Chạp, rét mướt đang bao phủ làng quê, cây bún cổ thụ ven sông này chưa có hoa. Nhưng trong nó đã căng tràn nhựa sống chuẩn bị cho một mùa hoa không dễ cây gì sánh được. Hoa bún-vâng, ai đó có thể nghe lạ tai nhưng với người dân xóm 4, thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) thì đã trở nên thân thuộc.

Vào tháng ba, cây bún trổ hoa. Trong nắng xuân ấm áp, cây bún hóa thành một đóa hoa khổng lồ mà trang nhã với màu trắng ngà giữa bến sông. Nhìn từ xa, cây bún như một chiếc nơ mà thiên nhiên đã khéo cài lên dòng sông xanh mát. Chỉ một lần nó “tỏa sáng” vào tiết trời đẹp nhất trong năm nhưng cũng đủ để làm xao lòng những ai bất chợt ngang qua…

 
Dọc bờ sông đến làng An Xá cùng xã lại bắt gặp những cây bún cổ thụ khác bên đường. Ông Lê Văn Lanh, người làng, thấy chúng tôi ngắm nhìn cây cổ thụ thì dừng lại bắt chuyện. Ông cho biết, cả bốn cây bún này tuổi đời cũng trên trăm năm, có lẽ cùng thời với cây bún ở xóm 4 Tuy Lộc…
 
Chị Dễ, nhà ngay bên cây bún nói: “Hoa nó thơm lắm. Mùa hoa nhiều người đến đây chụp ảnh”. Nhưng rồi bất chợt, chị Dễ nhìn chăm chú vào cây bún và nói, lạ chưa, lúc này mà nó có lác đác vài bông hoa. Rồi chị nói hay lụt, bão triền miên làm nó “giật mình” mà ra hoa trái mùa, điều xưa nay chưa thấy. Chị lại băn khoăn, rồi đây khi mùa xuân đến, nó còn thành một đóa hoa nữa không? Tôi an ủi chị, thời gian còn dài ở phía trước, nó sẽ đủ sức để làm điều mà mọi người mong đợi: cây bún sẽ nở hoa vào dịp đầu xuân mới!
 
Với ai chưa một lần ngắm “nhan sắc” của cây bún mùa nở hoa thì hãy đến với miền quê này khi mùa xuân tới.
 
Xuôi dòng Kiến Giang, rời vực An Sinh một quãng đã có thể nhìn thấy bóng dáng cây đa in đậm lên nền trời xanh thẩm. Đó là cây đa Bến Rôộng ở Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy. Tên gọi nó rất chi là “đặc sản” vùng quê Lệ Thủy, rôộng tức là rộng. Cái bến này rộng thật nên thành địa danh luôn chăng?
 
Theo anh Nguyễn Hữu Cảm, người làng này, thì cây đa có tuổi không dưới 200 năm. Nếu nói về kiểu dáng, cây đa này quá đẹp, tán rộng xòe đều trùm lên cả một đoạn sông. Đứng bên gốc cây gợi tôi nhớ tới những cây đa khác. Xã Xuân Thủy quê tôi trải dài theo dòng sông và có nhiều cây đa dọc đường đi mà lúc bấy giờ gọi là đường Quan. Trong đó có hai cây đa cổ thụ được gọi bằng tên rất giản dị, cây đa Một, cây đa Hai theo thứ tự từ phía dưới làng tôi kể lên. Đây là hai cây đa gắn bó với bao thế hệ trước chiến tranh.
 
Cao lớn sừng sững, tán rộng tỏa bóng mát trên con đường tuổi thơ tôi đi học ngang qua và chúng như cái “mốc” đánh dấu những bước đi bé nhỏ trên đường đến trường. Đấy là nơi bạn bè tôi đi củi bộ dừng nghỉ sau chặng dài gánh nặng trên vai. Còn nữa, những quả đa bé nhỏ, chát ngắt nhưng được cái nhiều vô kể, là thú vui của những đứa trẻ nghịch ngợm cái thời đã xa ấy…
 
Chỉ tiếc là trong chiến tranh, người ta đồn rằng cây đa là “vật chuẩn” để máy bay dựa theo đó ném bom các mục tiêu khác, nên nó đã phải chấp nhận “hy sinh” trong sự tiếc nuối của người dân trong vùng.
 
Khi hè đến, dọc bờ sông Kiến Giang, hoa phượng khoe sắc đỏ thắm. Đấy là bây giờ, còn những năm 60 của thế kỷ trước thì cây phượng nơi đình làng Xuân Lai (xã Xuân Thủy) quê tôi là “của hiếm” trong vùng. Còn nay, nó vẫn là của hiếm về độ “cổ” khi tuổi tác đã tính bằng thế kỷ. Cũng như bao cây cổ thụ khác, xác định tuổi chính xác là việc khó. Cây phượng này cũng vậy. Nhưng theo ước tính của những người cao niên trong làng thì cây phượng có tuổi không dưới 200 năm. Nó được trồng cùng lúc với mấy cây bàng khi đình làng Xuân Lai được dựng lên.
 
Ông Hoàng Văn Yết, người làng này đã hơn 85 tuổi chia sẻ: "Khi còn nhỏ, tôi đã thấy cây phượng to lớn, cổ thụ lắm rồi… Nhiều đình làng trong khu vực chọn cây đa, còn làng tôi không hiểu vì sao lại chọn cây phượng? Có người giải thích, cây phượng có hoa rực rỡ, tạo không khí vui tươi mà vẫn giữ được sự trang nghiêm nên được chọn như một sự “phá cách” của làng."
 
Và cũng có thể ý kiến trên chưa chiếm thế “thượng phong”, vẫn còn nhiều tranh cãi, nên nó được trồng phía sau đình làng chăng? Nhưng dù có tranh cãi về chuyện “khai sinh” thì chính cây phượng này đã in đậm trong ký ức bao thế hệ làng tôi. Những đứa trẻ làng Xuân Lai đứa nào mà chẳng có một đôi lần trèo cây phượng bẻ hoa. Cây phượng mà biết… nói năng thì sẽ "kể tội” những đứa trẻ làng tôi không sót một ai!
 
Cây mưng, hay còn có tên gọi đẹp hơn, lộc vừng. Vâng, cây lộc vừng đã có một thời làm “huyên náo” dân chơi cây cảnh. Bây giờ, chuyện ấy đã lắng xuống. Nhưng với bàu mưng cổ thụ có tuổi đời đến mấy thế kỷ nơi xóm nhỏ này thì hình như lại đang “sôi” lên vì một lý do khác. Chính bàu mưng này đã phần nào kiềm chế sự hung hãn của trận đại hồng thủy vừa qua, bớt đi được ít nhiều thiệt hại đối với dân nghèo thôn Phú Thọ, xã An Thủy. Lúc này, người ta càng hiểu sâu sắc hơn, rằng các bậc tiền nhân thật chí lý, trồng mưng cả bàu không chỉ để ngắm hoa, ngửi hương. Và các thế hệ sau cũng đã không phụ “tầm nhìn” các bậc tiền nhân, gìn giữ bàu mưng qua bao đời nay để “nuôi quân ba năm, dụng quân một giờ…”. Và, bàu mưng cổ thụ như một lời chào trước khi dòng Kiến Giang rời xa những làng quê ở Lệ Thủy.
 
Có thể sẽ còn nhiều cây cổ thụ bên dòng sông mà không thể nói hết, chỉ điểm qua vài “cụ cây” đại diện. Là những “kỷ vật” mà các bậc tiền nhân đã gửi lại hậu thế để bây giờ nó thực sự là báu vật.
 
Nghĩ đến người xưa, thế hệ chúng ta hôm nay liệu có “chạnh lòng”? Không thể phủ nhận, mấy thập kỷ qua, chúng ta đã trồng được rất nhiều cây trên từng làng quê, lối phố. Với thời gian chưa dài ta không thể có những cây cổ thụ trăm tuổi. Nhưng nếu kể từ lúc tỉnh ta trở lại địa giới cũ, thời gian ấy cũng đủ để có những tuyến đường rợp bóng cây xanh với những sắc màu hoa, lá thực sự làm xao lòng du khách. Chỉ tiếc rằng điều đó vẫn còn là… mơ ước!
 
Trăm năm đứng giữa đất trời những cây cổ thụ làng mãi hát ca, tỏa bóng mát xuống mặt đất, dòng sông, được lưu giữ trong ký ức bao thế hệ và tiếp tục đón một mùa xuân ấm áp.
 
                                                                                              Văn Hoàng