Đồng hành cùng mùa xuân

  • 08:19 | Thứ Sáu, 26/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chẳng biết tự bao giờ, ngày hội tòng quân luôn đồng hành với mùa xuân. Tôi đem thắc mắc của mình hỏi các anh làm công tác tuyển quân, thì nhận được câu trả lời: Đây là sự tiếp nối truyền thống cha ông từ ngày xưa truyền lại. Có lẽ, các cụ chọn mùa xuân làm mùa giao quân để tuổi trẻ được tiếp thêm khí thiêng của đất trời mà tận hiến sức sống căng tràn cho quê hương, đất nước… Nghĩ, rồi tôi chợt hình dung những bức tranh mùa xuân cực kỳ sống động khi thấp thoáng hình ảnh của những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi căng tràn sức sống, phơi phới tuổi xuân cầm súng lên đường… Trong đó có ngoại tôi, có bác tôi  và có cả tôi…
 
Ngoại tôi kể, ngày ông lên đường tòng quân, cũng đúng vào mùa xuân. Ngoại bảo, mùa xuân, đem sức xuân để trả thù nhà, đền nợ nước, đó là lý tưởng đẹp nhất, vinh quang nhất của trai tráng thời bấy giờ, nên ông ngoại thì phấn khởi ra mặt mà bà cố tôi thì âm thầm lau nước mắt tiễn thêm một người con trai ra trận.
Động viên thanh niên lên đường nhập ngũ.
Động viên thanh niên lên đường nhập ngũ.
Cũng đúng thôi, làm mẹ, có thể nào không thắc thỏm, âu lo khi năm lần bảy lượt tiễn người thân ra chiến trận rồi lặng lẽ âm thầm cất giấu hết mọi buồn đau cho riêng mình. Ông cố tôi là liệt sỹ thời chống Pháp. Ông hy sinh cùng với nhiều trai tráng dân quân trong làng khi đang tranh thủ lợp lại trường học cho trẻ nhỏ.
 
Con trai trưởng của cụ cố, liệt sỹ Dương Tạc, cũng tham gia cách mạng khi tuổi xuân phơi phới. Đang hoạt động bí mật thì bị việt gian chỉ điểm. Giặc Pháp bắt ông về làng rồi bắt cha mẹ, vợ con, anh chị em trong nhà tập trung hết ra sân vận động để chứng kiến cảnh chúng kết án tử hình ông với mục đích răn đe những ai đang có ý định chống lại chúng…
 
Con trai áp út của bà, liệt sỹ Dương Vượng, cũng anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chỉ ông ngoại tôi là may mắn được trở về lành lặn… Hồi đó, ông vào bộ đội, làm đến chức Chính trị viên đại đội rồi mới chuyển ngành. Tôi đem niềm tự hào là cháu ngoại của “Chính trị viên đại đội” đi khoe khắp xóm, khắp làng, khoe với cả những đứa bạn mà tôi nghĩ, mai này lớn lên chắc chắn chúng nó sẽ đi bộ đội để được làm “Chính trị viên”…
 
Sau này, Đảng, Nhà nước đã phong tặng bà cố tôi danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”… Cứ mỗi lần về nhà ngoại, nhìn tấm bằng vinh danh được treo ở vị trí trang trọng nhất, bên cạnh là 3 tấm bằng Tổ quốc ghi công, tôi vừa tự hào, vừa rưng rưng xúc động bởi tôi hiểu, có niềm vinh quang nào không phải đánh đổi...
 
Đến lượt bác tôi, anh trai cả của ba, cũng tình nguyện viết đơn vào quân ngũ. Bác cũng lên đường hành quân giữa mùa xuân khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ. Nghe ba tôi kể lại, bác là một trong số những anh lính kiên gan, dũng cảm. Dù bị thương rất nặng, bác vẫn động viên đồng đội bình tĩnh chiến đấu rồi tự mình xử lý vết thương...
 
Noi gương bác cả, bác thứ hai cũng trốn cha mẹ lên chiến khu tham gia cách mạng. Giặc Pháp điên cuồng bắt ông bà nội tôi lên đồn khảo tra, hăm dọa nếu không tìm được con trai về thì chúng sẽ chém đầu. Thương ba, thương mẹ, bác tôi buộc phải quay về làng trình diện bọn chúng và chấp nhận cầm cuốc, cầm cày… 
 Quang cảnh ngày hội giao quân.
Quang cảnh ngày hội giao quân.
Nghe bảo, ngày đó, ba tôi cũng thậm thụt viết đơn tình nguyện đi bộ đội nhưng bị bà nội phát hiện rồi khuyên can với lập luận: "Mi con út con ít, được anh chị ưu tiên nên giờ trói gà không chặt, lỏng khỏng lèo khèo rứa đừng mon men xin đi bộ đội rồi họ loại mà xấu hổ nghe con. Liệu sức liệu tài, không đi bộ đội thì đi sư phạm để ươm mầm trí tuệ cho đất nước. Nhà mình, đứa cầm súng, đứa cầm bút… bởi là bộ đội hay giáo viên thì cũng đều góp phần sức lực để dựng quê hương, đất nước"...
 
Tôi tham gia bộ đội cũng thật tình cờ. Ngày đó, sau 3 năm “đèn sách” ở Trường Nghiệp vụ phát thanh truyền hình Thường Tín (Hà Tây cũ), tôi tốt nghiệp ra trường rồi nộp đơn xin việc ở Báo Quảng Bình. Ngày đó, biên chế khó khăn, nên tôi chỉ được chấp thuận làm tập sự. Bác tôi, Thiếu tướng Nguyễn Hải, hồi đó là Tư lệnh Binh đoàn 15 ra thăm, động viên tôi vào đơn vị ông, bởi ông đang cần một phóng viên phản ánh hoạt động của đơn vị làm kinh tế kết hợp quốc phòng, trấn giữ khu vực ngã ba Đông Dương. Cứ nghĩ được thử sức ở môi trường quân đội, cứ nghĩ đến việc được khoác trên mình màu xanh áo lính khi tuổi xuân còn phơi phới, tôi gật đầu không chút do dự… Thế là tôi trở thành bộ đội!
 
Mùa xuân này, quê hương Quảng Bình có 950 thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Theo thống kê của Ban Quân lực Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, có trên 50% trong số họ viết đơn tình nguyện. Theo suốt họ từ những ngày đầu sơ tuyển, khám tuyển đến thâm nhập, chốt quân số…, tôi lấy làm phấn khởi bởi thanh niên bây giờ ý thức trách nhiệm của họ về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc rất cao…
 
Đặc biệt hơn, hôm rồi, tham dự lễ tiễn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tôi hỏi trung sỹ Nguyễn Công Luật, chiến sỹ Tiểu đoàn Bộ binh 42, Trung đoàn Bộ binh 996, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình về cảm nghĩ sau hai năm quân ngũ, rất tươi, rất hào hứng và lém lĩnh, chàng trai trẻ phát biểu: "Hai năm quân ngũ trôi qua chỉ nhẹ nhàng như giấc mơ trưa. Ở đó có sự kết liền đội ngũ, có tình thương yêu giúp đỡ của đồng chí, đồng đội và quan trọng hơn là ở đó có sự trưởng thành về thể chất, tinh thần, bản lĩnh và kỹ, chiến thuật trong chiến đấu…"
 
Ơ, hóa ra ai rời quân ngũ cũng cảm nhận tương tự như thế! Ở từng cương vị khác nhau, những người lính đã đem tuổi xuân của mình để cống hiến, giành giữ độc lập tự do của Tổ quốc, bình yên cho nhân dân, cho dân tộc được đón chào những mùa xuân tràn ngập hoa thơm, trái ngọt. Chắc chắn họ sẽ cũng đối diện với chông gai, thử thách, vất vả, gian lao, nhưng vì nghĩa lớn, tất cả chỉ trôi qua nhẹ nhàng như “giấc mơ trưa”…
 
Một mùa xuân chan chứa niềm tin, tràn trề hy vọng lại về. Mùa tuyển quân tưng bừng khí thế mới cũng đang đến. Với truyền thống yêu nước và nhiệt huyết của tuổi trẻ, tin rằng, thế hệ thanh niên lên đường tòng quân mùa xuân này sẽ viết tiếp khúc ca “Ta ra trận hôm nay” thêm hùng tráng, tươi đẹp, vang vọng mãi với non sông, đất nước Việt Nam.
 
Lan Anh