Chuyện kể dưới rừng bần

  • 09:32 | Thứ Sáu, 12/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Quê em ở bờ bắc sông Gianh, nhưng hồi bé em thích được sang nhà ngoại ở bờ nam, vì ở đó có rừng bần rất đẹp. Khi những cơn mưa rào đầu mùa hạ rắc hạt xuống lòng sông là lúc bần ra hoa. Hoa bần màu trắng hồng, khi hàm tiếu trông như cái lồng đèn, khi nở thì bung xòe như pháo bông. Bọn em lội ra sông hái hoa bần, hoa đước, bắt cua, bắt còng, bì bõm cả ngày trong rừng bần xanh mát.
 
Ngày đó rừng bần rậm rạp như rừng U Minh. Trên ngọn cây chim ríu ran làm tổ, từng đàn cò trắng bay chấp chới, lâu lâu sà xuống trắng cả mặt sông. Thủy sinh dưới rừng bần thì nhiều vô kể: năn, lác um tùm; tôm, cá sinh sôi; rạm, còng nổi lên mặt nước, vớt 1 con thì kéo lên cả chùm. Mùa bần chín, cả khu rừng thơm phức. Bọn con trai làng bên bơi qua sông, trèo lên cây hái bần ăn rồi thi nhau nhảy ùm xuống sông bơi lội. Ông em còn mắc võng cho em nằm dưới những tán bần bên sông. 
Ông kể: không ai biết rừng bần có từ khi nào, xa xưa bần đã thành rừng, thành lũy. Thời chống Pháp, nhờ rừng bần ken dày như bức tường thành chắn giữ, giặc Pháp từ ngoài sông không dám càn vào làng. Thời chống Mỹ, bom đạn cày xới, rừng bần vẫn hiên ngang che chở cho làng. Mùa bão lũ, lũy bần như con đê ngầm vững chãi, ngăn sóng, chắn gió, giữ cho bờ sông không sạt lở, cho phù sa làm nên bãi bồi bên dòng sông quê.
 
Thế rồi ngày em từ trường đại học trở về, rừng bần biến mất trước mênh mông hồ nuôi tôm công nghiệp. Em đứng bên sông, nước mắt cứ thế trào ra. Em nhớ ông, nhớ tiếc khu rừng tuổi thơ đẹp như cổ tích...
 
2. Hồi nhỏ em cũng sống với ngoại ở vùng ven sông, nơi 2 dòng Long Đại, Kiến Giang hợp lưu rồi xuôi về hòa thành sông Nhật Lệ rồi đổ ra biển. Quảng Bình mình có nhiều rừng bần, nhưng rừng bần Quảng Xá quê em với 7ha được cho là rộng lớn nhất. Từ trên cầu Trung Quán nhìn xuống, một dải xanh mềm mại, uốn lượn theo dòng chảy của con sông chính là rừng bần của làng em. Mỗi hoàng hôn, những đàn cò trắng bay về uốn lượn trên dải xanh ấy, tạo nên một khung cảnh thật yên bình.
 
Em nhớ những ngày cùng ngoại ra sông. Bà đi bắt còng, còn em theo lũ con nít lội sông hái bần. Bần có nhiều loại: bần gạo, bần nếp, bần ổi, bần đường... nhưng bần nếp trái ngon nhất. Em vẫn nhớ cảm giác thích thú khi bóc trái bần chín đầu tiên. Khi xoay cho cái cuống có 6 cái tai hình cánh hoa ôm lấy trái bần căng tròn rời ra, một mùi hương thơm nức dậy lên. Vị thanh ngọt pha chút chan chát của trái bần, ăn một lần nhớ mãi.
 
Em nhớ nữa là món ruốc còng của ngoại. Ngoại nói còng phải ở rừng bần làm ruốc mới ngon, vì nó có vị ngọt đằm của thủy sản vùng nước lợ. Người làng em có câu ca: “Cơm gạo Chăm chắm nước mắm còng”. Nước mắm còng là thứ nước sánh vàng được chắt ra trên mặt hũ ruốc còng đã chín nắng. Gạo Chăm là gạo từ giống lúa của người Chăm, trồng ở ruộng sâu, hạt nhỏ, cơm dẻo và rất thơm.
 
Giờ giống lúa Chăm cho gạo thơm ngon cũng như nhiều thứ quý khác của làng quê ngày xưa không còn tồn tại nữa. Xa quê, nhiều lúc em bùi ngùi nhớ bát canh bần-cá ngát của ngoại; nhớ trái bần xanh chấm muối ớt của đứa bạn thân; nhớ cha đắp cho nắm thuốc lá bần ở chỗ bị sưng tấy do bong gân khi chạy nhảy.
 
Có lẽ không có rừng cây nào gần gũi, gắn bó thân thiết và thủy chung với con người như rừng bần. Nhưng "đời cây như đời người", rừng cây ân nghĩa của làng em cũng từng trải qua những tháng ngày sóng gió khi người ta chặt phá những cây bần cổ thụ để mở rộng diện tích nuôi tôm. Đó là câu chuyện buồn đã qua vì giờ đây rừng bần đã được giữ gìn và biếc xanh trở lại. Trong giấc mơ em, những rặng bần ven sông reo vui cùng tiếng sóng, tiếng chim luôn trở về, dịu mát và bình yên…
 
3. Anh thì ngoài gắn bó tuổi thơ với rừng bần còn gửi lại nơi đây mối tình trong trẻo. Ngày đi làm ăn xa trở về, người con gái anh thương đã sang ngang. Em cùng chồng làm nghề chài lưới trên sông. Sông không còn nhiều cá tôm nên phận người cũng lênh đênh theo từng con nước. Đứng nhìn rặng bần mà cứ nghĩ sao đời bần như đời mẹ, đời em: nhọc nhằn, hy sinh, bao bọc, chở che; khi xanh thì chua chát mà quả chín thì ngọt thơm như gom cả tinh túy của đất trời để dâng tặng.
 
Giờ về làng, mẹ cha không còn nữa nhưng còn rặng bần ven sông như hồn quê níu giữ chân mình. Có hôm, biết có cây cầu bắc qua sông rồi mà anh vẫn ở bên ni thảng thốt gọi đò: "Đò ơi, mệ Bờ ơiii...". Mệ Bờ là người chèo đò ở làng anh, mệ mất đã nhiều năm rồi. Anh nhớ câu hát vô tình nghe được trong một chiều quê xa ngái: "Cây bần quê hương vất vả quanh năm, như mẹ tôi áo vá với thời gian.... Bần ơi, bao giờ cho vui nỗi đời, em về trong bối rối trái bần rơi".
 
Bao giờ cho vui nỗi đời? Các cụ cao niên ở làng anh nói lũ lụt năm nay chưa từng thấy: sóng to, gió lớn, nước lụt ngâm lâu, nhiều làng ven sông đất sạt lở, sông lấn vào tận ruộng vườn, nhà cửa, lũ lụt cuốn trôi nhiều tài sản. Làng anh đất không sạt, nhà không trôi, phù sa đắp bồi ruộng đồng bờ bãi cho nhà nông mơ một vụ mùa no đủ, sung túc. Rừng bần với hàng nghìn cây rễ cọc cắm sâu vào lòng đất và chằng chịt rễ phụ giằng néo đã dang ra cản gió, cản sóng cho làng bình yên qua bao mùa bão lũ.
 
Lần này về làng, anh lại chạy ra đập Mỹ Trung để được ngắm nhìn thỏa thích mênh mông sông nước, ruộng đồng quê hương. Gió từ đồng nước lợ mang chút hương vị mặn mòi từ biển và vị ngọt lành của dòng sông mơn man ký ức anh. Mấy mươi năm trước, sự xuất hiện của đập Mỹ Trung như một niềm kiêu hãnh khi nó sừng sững ngăn mặn, giữ ngọt cho những cánh đồng rộng lớn của 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Nhưng đã qua lâu rồi cái thời thiếu gạo, đói cơm.
 
Nghe đâu cũng đã có giống lúa mới trồng được ở vùng đất chua phèn. Đã đến lúc đập Mỹ Trung được nghỉ ngơi “thảnh thơi nằm nghe nắng mưa”? Khi 2 dòng mặn-ngọt "tái hợp" sẽ trả lại quần thể sinh thái vùng nước lợ, rừng bần sẽ lại là nơi quần tụ và sinh sôi của tôm cá, cua còng, nơi trú ngụ của năn lác cùng vô vàn các loài thủy sinh khác. Sẽ có một cuộc trở về làm “xanh” lại dòng sông, cánh đồng và những cuộc mưu sinh. Anh thường mong như vậy!
 
4. Tôi đã nghe những câu chuyện ấy trong một sớm mai bảng lảng sương giăng, thuyền lướt êm trên con lạch giữa rừng bần Quảng Xá. Mới qua những ngày mưa lũ, bần lấm lem bùn đất nhưng dòng sông nâu màu no đủ của phù sa. Lạ thay, rừng bần ngày chớm đông có cả hoa và trái. Tôi vô cùng thích thú ngắm nhìn những bông bần dịu dàng, mềm mại đung đưa trong gió, những trái bần xanh căng tròn, lúc lỉu trên cây và lắng nghe bản hòa ca tiếng chim trong khu rừng đẹp đến nao lòng.
 
Hình như tôi đã được mặc định quá lâu với tiếng ồn, không gian chật hẹp và khói bụi ở chốn thị thành nên ngỡ ngàng khi gặp lại tĩnh lặng, khoáng đạt và trong lành của thiên nhiên vốn dĩ rất gần gũi và gắn bó với mình. Những người bạn của tôi hào hứng nói về bộ sưu tập quần thể động thực vật, về ẩm thực dân dã mà độc đáo từ những sản vật đặc trưng của rừng bần, về sinh kế cho người dân khi nơi đây trở thành một điểm du lịch sinh thái. Còn tôi, tự hẹn với lòng mình sẽ trở về đây, không chỉ một lần, như một cách để được yêu rừng cây thủy chung và để được thấy mình nhỏ bé, tan hòa vào thiên nhiên.
 
Tùy bút của Trần Hồng Hiếu