Bất ngờ nghe những tiếng chim...

  • 09:27 | Thứ Ba, 09/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là một chạng vạng màu tím khói, tôi bất ngờ nghe thấy những tiếng chim trên vòm cây. Ban đầu chỉ đôi ba âm thanh líc ríc thưa thớt, càng lúc càng nhộn nhịp hơn...rồi chí chóe...thậm chí có lúc còn có vẻ rất gắt gỏng. Con gái ngồi sau xe lý giải: “Mấy em chen chỗ đậu trên cây hoa sữa đó mẹ! Đông lắm á!”. Cả tiếng chim và lời cô bé 13 tuổi cho tôi nhận ra rằng phố của tôi vẫn đẹp. Đã lâu, chẳng mấy khi tôi dành đôi chút thời gian để mà ngắm nhìn nơi tôi sống nữa. Chẳng phải vì không yêu. Cũng không vì bận rộn mưu sinh. Chỉ là mơ hồ trong suy nghĩ, phố giờ đã hết bình yên. Có hay đâu, đàn chim đã tìm về phố từ lúc nào chẳng rõ. 
 
Đồng Hới, nơi cuối sông đầu biển. Nhỏ nhắn và diễm lệ. Nhớ những ngày mới chia tỉnh, thanh xuân dạt dào, sau giờ làm, tôi và Hiếu thường lọc cọc xe đạp đi quanh những con đường gập ghềnh đất đỏ, vòng vèo ra tận mấy cánh đồng vùng ven thị xã. Từ Đồng Phú nối sang Đức Ninh, kéo dài ra phía Lộc Ninh...
 
Ngày ấy, Đồng Phú làng lúa. Mùa lúa cả Đồng Hới thơm hương. Các loại chim hoang dã như gà nước, vịt trời, cò, cói...sống ở đó rất nhiều và bình yên. Thi thoảng có động, lũ chúng nó lại đồng loạt bay lên rộn rã. Liệng liệng mấy vòng lại sà xuống, lúc cúc tìm ăn. Mùa về, nông dân Đồng Phú đi gặt, vẫn nhặt được những tổ trứng hay ổ chim non mới nở giữa cánh đồng. Nhiều người yêu thương ngã mũ cối lót rơm đem chim về nhà nuôi, đợi ngày đủ cánh đủ lông thì cứ thế mà về với trời xanh, mây trắng.
Di tích lịch sử, văn hóa, chứng tích chiến tranh Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa.
Di tích lịch sử, văn hóa, chứng tích chiến tranh Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa.
Ngày ấy, Đồng Phú làng hoa. Những vườn hoa không lớn lắm nhưng mùa nào cũng tưng bừng khoe sắc. Vườn nhà ông Táo, vườn nhà o Hoa, chú Sơn... là nơi chúng tôi thường đến. Hồng nhung, cúc kim, thược dược...gì cũng được, miễn tươi tắn là ham hố ôm về, cắm tràn bàn làm việc. Rồi tự ngắm, tự khen: “Đẹp hè! Đẹp hè!” Yêu đời thế không biết! Chắc thanh xuân nào cũng vậy.
 
Lại còn có cả những vạt năn lác tốt bời bời và rộng mênh mông phía rìa làng. Dưới nắng, những cọng lác nhỏ nhắn vươn thẳng, ngời lên xanh ngắt. Đẹp hoang dại mà đầy quyến rũ. Có đận nổi cơn mơ màng, tôi còn lội xuống bùn nhổ cả năn lác về nhà hì hụi cắm.Rồi lại tự ngắm, tự khen. Năn lác tốt đến nỗi, nhà thơ Nguyễn Bình An-nguyên chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật vì say cả rượu lẫn thơ đã lao cả con Win xuống đó mà không hề hấn gì. Lồm cồm bò dậy vẫn cười hê hê: “Bây! Bây! Kéo xe tau lên với bây!”. 
 
Xa hơn về phía Đức Ninh là những đầm sen kiêu sa. Mùa sen nở, chị em tôi lọ mọ lội xuống bẻ bông về cắm mà chẳng ai quở trách. Bây giờ thì cánh đồng Đồng Phú cơ bản bị xóa sổ. Hoa Đồng Phú cũng không còn. Ông Táo thì đã qua đời. O Hóa, chú Sơn cũng đã già. Chẳng còn đất đai mà cuốc xới, nhà cho thuê làm tiệm tóc, nên bắc ghế ngồi trước cửa ngó người qua kẻ lại hết ngày.
 
Sen Đức Ninh vẫn còn, nhưng người ta đã rào lại để bán vé phục vụ các chị, các em chụp hình đẹp lưu giữ thanh xuân và...lưu giữ cả sen.
 
Thanh xuân của chúng tôi gắn liền với một thời Đồng Hới mộc mạc. Thị xã vừa có đồng, vừa có ao đầm lùm lòi năn lác, vừa có bàu vừa có biển. Rảnh rỗi và lơ đãng, chỉ hai chiếc xe đạp cũ vác từ trường đại học về mà chúng tôi dắt díu nhau đi khắp nơi. Nhớ lần lò mò xuống Bàu Tró đúng ngày bão đến. Bàu vẫn xanh. Rừng vẫn xanh. Nhưng lũ cò cổ nhẳng, cẳng nhỏ đứng trên mấy cành dương liễu vừa gầy vừa yếu thì đang bị quăng quật theo chiều gió đến là thương. Bạn tôi đứng bần thần, tưởng như có thể lùa tất cả các em về để mà nuôi được vậy.
 
Ông lão nhà ở sát bàu thấy mấy đứa ngớ ngẩn thương lũ cò mà chẳng biết làm chi, cười cười nói: “Không can chi mô, nòi hắn chịu mưa chịu gió quen rồi. Hết gió là bay trắng trời trắng đất thôi!”.
 
Lần hồi lại quá trình phát triển của Đồng Hới để thấy những biến thiên của phố. Quá trình đó có lẽ được tính từ thời điểm Nguyễn Hoàng theo lời nhắn gửi của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái. Vạn đại dung thân”, bất ngờ tấu trình vua Lê cho vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, nhằm thoát khỏi âm mưu tiêu diệt của chúa Trịnh.
 
Vào trấn ải phương Nam, Chúa tiên Nguyễn Hoàng và các đời Chúa Nguyễn sau này chú trọng việc xây dựng hệ thống thành lũy để làm trấn biên phía bắc. Nổi bật là thành Đồng Hới gắn với tên tuổi của Đào Duy Từ. Theo chân Chúa Nguyễn, cư dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh đã vào vùng đất phía nam đèo Ngang lập nghiệp.
 
Từ làn sóng di dân thời kỳ này, các cộng đồng dân cư, trung tâm chợ búa được hình thành trong và xung quanh khu vực thành Đồng Hới. Có lẽ yếu tố đô thị Đồng Hới bắt đầu từ đây. Thời kỳ Pháp thuộc, Đồng Hới vẫn còn là một thị trấn nhỏ. Mãi đến năm 1989, thời điểm tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ, Đồng Hới mới có bước chuyển mình rõ rệt khi Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng TX. Đồng Hới. Năm 2003, TX. Đồng Hới tiếp tục được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại 3. Và năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định thành lập TP. Đồng Hới.
 
Tùy theo những bước đi ngắn, dài thậm chí gián đoạn do chiến tranh, Đồng Hới đã nên phố và ngày càng rất phố. Đồng Phú thành phường trung tâm đô thị, sở hữu đất vàng. Cảnh thanh bình của làng lúa, làng hoa trong lòng thị xã đã lùi vào dĩ vãng. Con đường nhỏ yên tĩnh ngày nào chúng tôi ngược chiều gió ngửi mùi lúa thơm giờ chi chít quán xá. Có những năm dài, Đồng Hới lúc nào cũng ầm ầm động cơ thi công và san lấp. Xây và xây. Nhà đẹp mọc lên. Ruộng hẹp dần. Hồ hẹp dần. Có nơi mất hẳn. Ban đầu tôi bị ngốt bởi nhịp điệu ầm ầm ấy. Sau quen dần.
 
Nhớ một ngày, nhà văn Nguyễn Thế Tường hốt hoảng gọi tôi: “Hiền ơi! Người ta lấp ruộng bán đất. Lũ cá không có chỗ ở. Nước cạn hết rồi mà trời thì nắng lắm. Chắc chúng nó chết mất. Mình đang giải cứu lũ cá rô ở Đồng Phú đây Hiền ạ. Nhưng... nhà mình hết chỗ cho chúng nó ở rồi...”. Và anh ngập ngừng đề xuất: “Hay là... Hiền có thể cho chúng nó tá túc được không?”. Tôi nhận lời anh đón lũ cá về. “Được lời như cởi tấm lòng”, một lúc sau thì Nguyễn Thế Tường ào ào lao đến.
 
Quần áo, chân tay bết bùn và một chiếc xô trên tay: “Cá rô Hiền ạ. Loại này hiếm lắm đấy. Rô thóc mà. Cho chúng nó ở trong hồ nhà Hiền luôn nhé!”. Vừa nói Nguyễn Thế Tường nghiêng nhẹ chiếc xô vào hồ và cười buồn. Cười là vì anh đã giải cứu thành công lũ cá. Buồn vì anh lo: “Chết thật! Cứ lấp hết ruộng thế này, Đồng Hới chẳng còn gì để yêu nữa đâu!”.Quy luật phát triển đô thị thường phải đánh đổi như thế, biết làm sao?! Rất may, thanh xuân mơ màng cũng đã qua. Nếu không thì tôi và Hiếu không biết gửi lãng đãng về đâu.
 
Thế nhưng, tôi ở trong phố mà quên mất phố. Phố của tôi không chỉ có bê tông, đường nhựa và tiếng động cơ. Kể từ khi Đồng Hới được công nhận là đô thị loại III (2003) và thành phố trực thuộc tỉnh (2004), người Đồng Hới bắt đầu tái thiết lại hệ thống cây xanh đô thị. Hàng ngàn cây xanh đã được trồng mới, phủ xanh gần 50% tuyến đường nội thị. Đồng đã lùi xa, ao hồ lùm lòi đã hẹp lại, nhường chỗ cho một thành phố trẻ trung và hiện đại. Tất nhiên rồi, trì níu mãi xưa cũ mà chi! Bù lại, Đồng Hới đã hình thành những đường cây.
 
Bạn tôi yêu cây, chỉ gọi tên đường bằng những tên cây: đường Hoa Sữa (Lý Thường Kiệt), đường Bằng Lăng (Dương Văn An), đường Sấu (Đoàn Thị Điểm), đường Sò Đo cam (Nguyễn Du)...Phố đã xanh và chim đã bay về trên vòm cây... Chạng vạng là bắt đầu líc ríc...chí chóe...thậm chí có lúc còn có vẻ rất gắt gỏng. Yêu thế không biết!
 
Phố của mình lại đẹp lắm rồi Hiếu ạ! Mùa xuân, chị có cùng em làm lại một cuốc đạp xe lọc cọc vòng vèo trên những con đường quen để hoài niệm dối già không Hiếu?!
 
Tản văn của Trương Thu Hiền