Giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số: Tài nguyên… lặng lẽ chờ khai phá!

  • 21:44 | Chủ Nhật, 03/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hai dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều và Chứt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có kho tàng văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng, như: ẩm thực, nhạc cụ, trang phục…, thể hiện tâm hồn chân chất, gần gũi, hòa mình với thiên nhiên đất trời. Phôi pha theo thời gian, kho tàng đó đã mai một đi ít nhiều và rất cần sự níu giữ để bảo tồn vẹn nguyên cho thế hệ mai sau. Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch đang phát triển theo hướng sinh thái, trở về với tự nhiên, nguồn cội như hiện nay, những giá trị truyền thống này còn tiềm ẩn “lực hút” hấp dẫn với du khách qua các câu chuyện sống động, chân thực.
 
Theo chân anh Nguyễn Tiến Dũng, thuyết minh viên của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với bộ sưu tập các nhạc cụ của dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt.
 
Bộ chiêng 13 chiếc của đồng bào Bru-Vân Kiều được trưng bày trang trọng với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Chiếc chiêng lớn nhất là chiêng mẹ, chiêng nhỏ nhất là chiêng con. Sự hiện diện của bộ chiêng này là cả một nỗ lực không biết mệt mỏi trong quá trình sưu tầm của các cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Bên cạnh bộ chiêng, các loại đàn, sáo của người Bru-Vân Kiều cũng được trưng bày và giới thiệu ngắn gọn, chi tiết.  
Tour khám phá văn hóa bản địa người Bru-Vân Kiều tạo sức thu hút riêng với du khách. (Ảnh: Công ty Netin)
Tour khám phá văn hóa bản địa người Bru-Vân Kiều tạo sức thu hút riêng với du khách. (Ảnh: Công ty Netin)
Chiếc khèn được dùng trong các lễ hội đập trống, lễ hội cầu mùa, cúng cơm mới và khi diễn xướng các làn điệu dân ca. Sáo Pi được dùng thổi trong lễ cúng người chết, lễ cúng cơm mới, lễ buộc chỉ cổ tay. Nổi bật có đàn tính tùng-một nhạc cụ thân thuộc của người Bru-Vân Kiều trong các dịp lễ hội và đời sống hàng ngày. Dân tộc Chứt cũng có một số nhạc cụ được sưu tầm tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, như: khèn bè, sáo…
 
Anh Nguyễn Tiến Dũng, thuyết minh viên của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết, mặc dù bộ sưu tập của Bảo tàng về các nhạc cụ của người dân tộc thiểu số Quảng Bình còn khá đơn sơ, nhưng tạo điểm nhấn, ấn tượng với người xem, nhất là khách du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh các nhạc cụ truyền thống, với cách trưng bày dễ hình dung, thuyết minh cụ thể, rõ ràng, sinh động, nhiều giá trị văn hóa khác của đồng bào Bru-Vân Kiều và Chứt, như: trang phục, đồ dùng sinh hoạt, ẩm thực… cũng được thể hiện rõ nét.
 
Theo ông Mai Thế Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số là một phần nội dung trong công tác sưu tầm, bảo tồn của đơn vị và được quan tâm, chú trọng trong thời gian dài. Để có thể triển khai hiệu quả hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, việc xây dựng các đề tài, chương trình nghiên cứu riêng quy mô về các nét văn hóa độc đáo của người Bru-Vân Kiều và người Chứt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, như: nhạc cụ, trang phục truyền thống, ẩm thực…, từ đó, đưa vào bảo tồn, phát huy thông qua các sản phẩm du lịch là rất cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi du lịch kết hợp tìm hiểu văn hóa bản địa, phát triển du lịch cộng đồng đang là xu thế, nhất là với du khách nước ngoài.
 
Thời gian qua, về khám phá nét văn hóa bản địa của người dân tộc thiểu số, Quảng Bình đã triển khai một số tour du lịch và mang tới “làm gió mới”, vừa góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Từ năm 2018, Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin đã triển khai tour “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy”, bên cạnh các điểm khám phá hang động, thung lũng, văn hóa người Bru-Vân Kiều cũng là điểm nhấn thú vị.
Thuyết minh viên của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh giới thiệu về các nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Thuyết minh viên của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh giới thiệu về các nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin cho biết: “Trước khi đưa tour du lịch này vào khai thác, chúng tôi đã có những tìm hiểu kỹ càng về văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều, như: trang phục, nhạc cụ, ẩm thực…, để tăng sức hấp dẫn cho tour, qua đó, giới thiệu, quảng bá những nét độc đáo của đời sống văn hóa tinh thần của bà con. Tuy nhiên, khi đưa vào triển khai, do gặp nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, nhất là thiếu nguồn lực chuyên sâu, sự hỗ trợ từ nhiều phía…, mảng văn hóa vẫn chưa được tập trung nhiều, công ty chủ yếu phát huy thế mạnh khám phá hang động”.  
 
Cũng theo ông Trần Xuân Cương, chính vì vậy, sẽ rất cần một đề án, chương trình nghiên cứu về phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các sản phẩm du lịch và có sự bắt tay chặt chẽ giữa ngành văn hóa, du lịch và các doanh nghiệp lữ hành. Qua đó, nhiều loại hình du lịch (du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh…) sẽ có cơ hội đồng hành phát triển, tạo nên nét độc đáo riêng cho du lịch Quảng Bình bên cạnh thế mạnh du lịch hang động.
 
Theo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025, Quảng Bình sẽ nghiên cứu hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian. Đồng thời, tỉnh sẽ nghiên cứu, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo của các tộc người, hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người.
 
Đây được kỳ vọng sẽ là nền tảng quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với du lịch trong dòng chảy thời đại. Và thời điểm đó, các tài nguyên giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số sẽ được khai phá hiệu quả.
Mai Nhân