"Bà hát ca trù Quảng Trung"

  • 08:46 | Thứ Bảy, 09/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gianh lịch sử, Nghệ nhân dân gian Lê Thị Liệu (SN 1929), thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, TX. Ba Đồn đã sống và hát ca trù gần một thế kỷ. Tôi có dịp quen biết bà qua câu lạc bộ hát ca trù Trung Thôn. Nhiều người dân, con cháu của bà thường gọi bà là "Bà hát ca trù Quảng Trung" với một niềm tự hào.
 
Trong chương trình "Sênh phách rền vang" do nhạc sỹ Đặng Hoành Loan giới thiệu về hát ca trù, phát sóng trên kênh VTV1 vào cuối tháng 7-2019, nhạc sỹ đã phân tích rất kỹ về hát ca trù và rung sênh của bà Lê Thị Liệu. Đây là lối hát rất độc đáo theo kiểu đứng hát và rung sênh; câu ca trù của người hát theo nhịp gõ sênh không như ngồi hát ca trù và gõ sênh của ca trù ở các tỉnh miền Bắc. Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan cho rằng kiểu hát ca trù với tư thế đứng gõ sênh là đặc điểm khác biệt chỉ vùng nam Đèo Ngang Quảng Bình mới có.
Nghệ nhân dân gian Lê Thị Liệu.
Nghệ nhân dân gian Lê Thị Liệu.
Bản thân nghệ nhân Lê Thị Liệu là một người đam mê các làn điệu ca trù từ nhỏ. Năm 15 tuổi, bà được học hát ca trù đầu tiên từ cụ Nguyễn Trọng Dụ (SN 1917, đã qua đời). Bà được thầy dạy cho bài “Năm thần vua cung đình miếu” do chính thầy sáng tác. Cũng năm đó, bà được học hát ca trù từ cụ Lê Viêm (1876-1963). Thầy đã dạy cho bà bài hát "Gặp mời thầy" cũng do chính thầy sáng tác.
 
Năm 1990, bà được cụ Nguyễn Thanh (1911-2016) dạy cho bài hát "Ơn Bác Hồ" và một số bài khác... Bà tâm sự: "Mặc dầu quá trình học hát rất vất vả, vì hát ca trù rất khó mà phải rung sênh, nhiều lúc cũng nhụt chí định bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến công lao của các thầy quá nhiệt tình, tâm huyết nên tôi lại cố gắng."
 
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, năm 1946, bà tham gia học bình dân học vụ và gia nhập đội hát ca trù Trung Thôn, xã Quảng Trung, đi biểu diễn tại các dịp lễ, tết, hội hè trong xã. Trong thời gian này, bà và đội hát đã được tập nhiều bài ca trù có nội dung ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, tuyên truyền, vận động mọi người ủng hộ cách mạng và tham gia làm cách mạng.
 
Bà hát ca trù hay lại rung sênh nhịp nhàng, mềm mại, bà con ai cũng khen ngợi và rất hài lòng. Vì vậy, bà càng say mê tập luyện và diễn xướng hát ca trù của địa phương. Bà đã sớm trở thành ca nương chính của đội. Bên cạnh tham gia diễn xướng, bà còn luôn nhiệt tình truyền dạy các điệu hát ca trù cho anh em trong đội, cho nhiều thanh, thiếu thanh niên trong thôn, trong xã.
 
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, không có điều kiện hoạt động hội hè, nhưng nghệ nhân Lê Thị Liệu luôn tìm mọi cách truyền dạy cho con cháu và tự mình luyện tập lưu giữ vốn văn hóa của cha ông trao lại. Từ năm 1976-2014, đất nước thống nhất, hoạt động văn nghệ được quan tâm nhiều hơn.
 
Lúc này, không còn đội hát ca trù của xã nữa, nhưng những người am hiểu ca trù vẫn sinh hoạt, tập luyện và biểu diễn thường xuyên tại các lễ, tết, hội hè trong xã... Ngoài ra, bà cùng anh em đi lên giao lưu với các nhóm hát ca trù của xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa) và các xã lân cận. Thời gian này, bà vẫn tiếp tục truyền dạy ca trù cho những người yêu thích loại hình nghệ thuật này.
 
Từ ngày ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần được bảo tồn thì nghệ nhân Lê Thị Liệu rất phấn khởi, càng hăng say tập luyện, nắm chắc tất cả các làn điệu hát ca trù hiện còn được lưu truyền tại địa phương, để diễn xướng và truyền dạy lại cho bà con. Từ năm 2015 đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bộ môn ca trù được khơi dậy trở lại. Nghệ nhân Lê Thị Liệu cùng với một số cụ khác trong xã tiếp tục tham gia diễn xướng trong nhiều dịp lễ trọng của huyện, của tỉnh.          
 
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân Lê Thị Liệu vẫn hát ca trù và rung đôi sênh cầm tay rất điêu luyện, vẫn say mê truyền dạy cho thế hệ trẻ trong thôn, xã. Với những nỗ lực phấn đấu bảo vệ và phát huy Di sản văn hóa hát ca trù, tháng 11-2020, bà Lê Thị Liệu đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam". Đây là niềm vui và là nguồn động viên tiếp thêm ngọn lửa cho bà tiếp tục gắn bó với các làn điệu hát ca trù của quê hương.
 
                               Đặng Thị Kim Liên