"Giấc mơ" làng văn hóa du lịch

  • 09:01 | Chủ Nhật, 06/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình có “bát danh hương” (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại) nổi tiếng xa gần; có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc; 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (hò khoan Lệ Thủy, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, lễ hội đập trống của người Ma Coong, lễ hội cầu ngư); cùng với đó là hệ thống các homestay, farmstay... trải dọc các điểm đến du lịch... Ấy vậy, Quảng Bình vẫn chưa có một làng văn hóa du lịch thực sự đúng nghĩa…
 
Cuối năm 2019, Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và UBND huyện Quảng Ninh đã tổ chức xây dựng và ra mắt CLB văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều, xã Trường Xuân. Mục tiêu thành lập CLB là nhằm phục dựng, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa cho các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
 Nhiều nghi lễ dân gian được phục dựng, bảo tồn thông qua hoạt động thường xuyên củaCLB văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều.
Nhiều nghi lễ dân gian được phục dựng, bảo tồn thông qua hoạt động thường xuyên củaCLB văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều.
Theo ông Hồ Văn Soa, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Trường Xuân, chủ nhiệm CLB văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều, CLB gồm 30 thành viên sinh sống tại các bản trên địa bàn xã với cơ cấu đủ 3 độ tuổi (cao niên, trung niên và thanh niên), bảo đảm tính trao truyền, tiếp nối. Ban chủ nhiệm gồm 3 người, thành viên là các nghệ nhân và những người tâm huyết, đam mê với phong trào văn hóa, văn nghệ dân gian Bru-Vân Kiều.
 
Hơn 1 năm qua, các thành viên CLB đã tham gia sinh hoạt 1 lần/tháng với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống của người Bru-Vân Kiều, như: tập luyện các làn điệu dân ca; cách thức chơi các nhạc cụ dân tộc truyền thống (đàn Tính tùng, đàn Lứa, khèn Aman, khèn lá, sáo Pi, sáo Khui, thanh la, trống…); những nghi lễ dân gian trong các lễ hội, lễ cúng…
 
Ông Võ Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, thời gian qua, CLB đã được tạo điều kiện để tập luyện, biểu diễn tại một số sự kiện văn hóa, văn nghệ của địa phương… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của CLB hiện nay chính là nguồn kinh phí để mua sắm thêm trang phục, nhạc cụ và phục vụ hoạt động tập luyện; đồng thời, CLB cũng thiếu các sân chơi để giới thiệu, quảng bá các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian độc đáo của dân tộc Bru-Vân Kiều đến với đông đảo công chúng hơn.
 
Ông Ngô Đình Hướng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Ninh chia sẻ, huyện Quảng Ninh có nhiều làng văn hóa nổi bật cùng các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc, là tiềm năng để phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng ở địa phương.
 
Gần đây, phấn đấu đưa du lịch là mũi nhọn phát triển kinh tế, huyện Quảng Ninh quan tâm hướng đến xây dựng bản Khe Ngang (xã Trường Xuân) là bản văn hóa du lịch với nền tảng là lễ hội chùa Kim Phong-núi Thần Đinh; đồng thời, chú trọng phát triển đời sống văn hóa văn nghệ dân gian nơi đây. Trong đó, CLB văn hóa văn nghệ dân gian ở xã Trường Xuân là điểm nhấn. Tuy nhiên, trước mắt, vẫn cần nhiều sự quan tâm, đầu tư để phát triển một làng văn hóa du lịch đúng nghĩa.
 
Trước đó, làng bích họa Cảnh Dương (Quảng Trạch) cũng là một điểm đến được nhiều du khách ưa chuộng. Trên thực tế, Cảnh Dương vốn từ lâu đã nổi tiếng là một trong “bát danh hương” của Quảng Bình, hiện còn lưu giữ nhiều nét phong tục văn hóa đặc sắc của làng biển; có lễ hội cầu ngư truyền thống; có nghĩa địa cá voi, Linh ngư miếu; người Cảnh Dương chân chất, mến khách… 
Nhiều bản, làng của Quảng Bình giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển thành làng văn hóa du lịch hấp dẫn. (ảnh: Xuân Hoàng)
Nhiều bản, làng của Quảng Bình giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển thành làng văn hóa du lịch hấp dẫn. Ảnh: Xuân Hoàng
Năm 2018, Cảnh Dương nổi bật trên các phương tiện truyền thông với các bức bích họa màu sắc, đa dạng chủ đề, khắc họa trọn vẹn cuộc sống của người dân miền biển, mở ra nhiều cơ hội hơn cho việc phát triển một làng văn hóa du lịch biển.
 
Ông Đồng Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương chia sẻ, với hướng phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, xã đã được quan tâm đầu tư, nhất là về đào tạo nhân lực phục vụ du lịch, nâng cao kỹ năng, kiến thức làm du lịch cho người dân. Trên địa bàn xã hiện có 5 homestay đang hoạt động, tuy nhiên, chỉ có 3 homestay là duy trì được thường xuyên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp.
 
CLB múa bông chèo cạn của xã cũng được thành lập từ năm 2017, góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa của làng biển. Tuy nhiên, để Cảnh Dương thực sự là một điểm đến hấp dẫn, xã vẫn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư kinh phí để xây dựng các điểm du lịch ven biển; thiếu quỹ đất để hoàn thành nhà trưng bày 2 bộ xương cá voi-hứa hẹn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn với khách thập phương; tập huấn thêm về nghiệp vụ du lịch cho người dân và tăng cường sự kết nối với các điểm đến du lịch nổi bật xung quanh… Sắp tới, xã sẽ phát triển sản phẩm nước mắm Cảnh Dương theo hướng mỗi xã một sản phẩm, xem đây như một nỗ lực để phát triển lãng văn hóa du lịch.
 
Việc xây dựng làng văn hóa du lịch chính là “cơ hội vàng” để các sản phẩm nông nghiệp, cảnh quan nông thôn tiếp cận du lịch một cách bền vững và có ý nghĩa; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, chung tay xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, không gian này sẽ khai thác tiềm năng, thế mạnh ngành nghề nông thôn; khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống và hình thành làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái; phát huy thế mạnh “mỗi xã một sản phẩm” thông qua vai trò chủ thể của chính người dân bản địa. Đặc biệt, các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian có thêm “môi trường dung dưỡng”, có điều kiện được bảo tồn và phát huy.
 
Thực tế cho thấy, trong không gian làng văn hóa du lịch, các loại hình du lịch khác sẽ có điều kiện để phát huy thế mạnh, như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm… Ngoài ra, việc kết nối giữa các điểm đến vệ tinh khác với trung tâm là làng văn hóa du lịch sẽ luôn là một giải pháp phát triển du lịch hợp lý và hiệu quả.
 
Việc xây dựng làng văn hóa du lịch đúng nghĩa để thực sự phát huy các lợi thế trên chính là điều mà Quảng Bình đang thiếu…
 
Mai Nhân