Ngẫu nhiên thành bạn với một nhân vật của nhà thơ Tố Hữu

  • 08:15 | Chủ Nhật, 04/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong sự nghiệp thơ của nhà thơ Tố Hữu, có nhiều tác phẩm được gợi cảm hứng từ người thật, việc thật, trong đó, có nhiều vị là lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà bật nổi hơn cả là Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… Thuộc lớp người là điển hình của các địa phương thì có mẹ Suốt (Quảng Bình), liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, chị Trần Thị Lý và cu Theo-Nguyễn Văn Hòa ở Huế. Trong gia tài thơ Tố Hữu, những bài thơ này là hình ảnh sinh động bổ sung cho những trang sử về sự nghiệp cách mạng và kháng chiến anh hùng của dân tộc ta.
 
“Lặng nghe mẹ kể ngày xưa/Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình/Mẹ rằng: Quê mẹ Bảo Ninh/Mênh mông sóng biển lênh đênh mạn thuyền…”. Những câu thơ này, thời kỳ đầu cuộc chiến chống Mỹ, truyền lan khắp nước. Cuối năm 1966, từ đường 12A về Đồng Hới, tôi sang Bảo Ninh, nhưng bà con sơ tán khắp nơi, không sao tìm gặp được mẹ Suốt.
 
Mấy năm sau, cũng với phong cách giản dị như thế, Tố Hữu viết bài thơ về một dũng sỹ thiếu nhi ở Huế: “Em tên là Nguyễn Văn Hòa/Mẹ em thì gọi em là cu Theo/Cha đi tập kết. Nhà nghèo/Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con/.../Tuổi mười bốn những ước ao/Buổi đầu cầm súng biết bao là mừng…/Mẹ ơi, súng đẹp quá chừng!Con đi đánh giặc, mẹ đừng lo chi/Mẹ cười: Thiệt giống cha mi…”
 
Bài thơ của Tố Hữu dài hơn trăm câu, đăng Báo Nhân Dân tháng 12-1968. Tôi đọc bài thơ lúc vừa rời tuyến lửa Trường Sơn-Quảng Bình về dự lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ do Hội Nhà văn mở tại một làng ở Hà Tây. Hơn nửa thế kỷ đã qua từ ngày đó! Cứ nghĩ chỉ có thể gặp các nhân vật của Tố Hữu trong trang sách thôi, chứ các anh hùng như mẹ Suốt, anh Nguyễn Văn Trỗi, chị Trần Thị Lý… nay đã ở “cõi khác” cả rồi; với mẹ Suốt thì đã có tượng đài bên sông Nhật Lệ. Vậy mà thật bất ngờ, tôi vừa có dịp gặp “cu Theo” Nguyễn Văn Hòa tại Huế với một sự ngẫu nhiên thú vị.
 Tác giả bài viết (đứng) chụp ảnh với ông Nguyễn Văn Hòa.
Tác giả bài viết (đứng) chụp ảnh với ông Nguyễn Văn Hòa.
Lúc đó, tôi đang “độc chiếm” một phòng “lão khoa” tại Bệnh viện Trung ương Huế, do người nằm giường bên cạnh vừa được ra viện. Thế là bác sỹ trưởng khoa bảo: “Để bố trí một người tre trẻ nằm với bác cho vui!”. Ít giờ sau, một thanh niên rất đẹp trai, đẩy xe lăn vào.
 
Ngồi trên xe là một người đàn ông thân hình cao gầy, tóc hói chớm bạc. Ông kể, cái chân trái của ông không co duỗi được sau một lần tai biến, nhưng may mắn là đôi tay và thần kinh vẫn ổn. Ông vừa kể qua lần tai biến cách đây vài năm thì chiếc điện thoại “cổ điển” Nokia trong túi ông bỗng reo vang khúc nhạc chờ: “Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới…”. Ông cầm máy, giọng vui vẻ: “Anh nhận phòng rồi! Em yên tâm…”
 
Vẫn chưa biết tên ông, nhưng xem ra ông là người cởi mở, nên tôi hỏi:
 
- Anh quê Quảng Bình à?-Tôi hỏi vậy vì nhớ đến khúc nhạc chờ “Nếu ai hỏi vì sao…” và ngoài hành lang, đôi vợ chồng quê Lệ Thủy (Quảng Bình) đang dìu nhau tập đi, do người chồng cũng bị tai biến.
 
- Không, tôi quê Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế)-Ông buông nhẹ câu trả lời và hình như ông cũng chú ý đến cảnh người vợ đang hối thúc chồng gắng thêm mấy bước ngoài hành lang. Tôi vội hỏi nên không thể tìm được cách diễn đạt tế nhị hơn:
 
- Thế vợ anh ở mô?
 
- Nhưng mà bác hỏi vợ nào chớ? Vợ Huế hay vợ Nghệ An, Quảng Bình?
 
Câu trả lời lại là một câu hỏi có thể nói là độc đáo, chứng tỏ một người “chịu chơi”. Hai “anh em” cùng cười. Tôi chưa tiện tò mò hỏi thêm, nhưng ông hơi nheo mắt và cười nói thêm: “Thật đó!...”. Đã nằm “lão khoa” nói chuyện cho vui là chính, nên tôi “phụ họa” việc “đa thê” với ông bạn mới bằng chuyện cụ Nguyễn Công Trứ 7, 8 vợ mà vẫn yên ấm, vẫn là danh nhân.
 
Chúng tôi không có dịp trò chuyện thêm vì còn lo “tiếp đón” các thầy thuốc và sinh viên thực tập, rồi tiêm, rồi uống… Mãi đến tối, khi người con tới đưa bố lên xe lăn, đẩy ra dạo hành lang thì có một bệnh nhân còn khá trẻ, vào lấy nước giúp cho hai bố con; anh ta nói nhỏ, vẻ bí mật:
 
-Anh “cu Theo” đó! Ông không biết à? Cu Theo của ông Tố Hữu đó! “Em tên là Nguyễn Văn Hòa/Mẹ em thì gọi em là cu Theo…”
 
Tôi nhẩm đọc lại hai câu thơ và chợt nhớ ra… Một lúc sau, cu Theo trở lại giường bệnh, tôi “làm bộ” như đã nhận ra ông từ trước và hỏi ông về chuyện đoàn làm phim tư liệu về Tố Hữu vừa vào Huế:
 
- Thế vừa rồi đoàn làm phim ông Tố Hữu có tìm đến phỏng vấn anh không?
 
- Có…- Ông trả lời vắn tắt, có vẻ như không hào hứng mấy với sự kiện đó. Nhưng cái “máu” làm báo của ông già ngoại 80 chưa nguội, nên tôi hỏi ngay:
 
- Họ gặp anh ở đâu? Có hỏi han gì nhiều không? Có đề nghị anh đọc thử bài thơ năm xưa không?
 
Vẫn giọng điệu thong thả, cu Theo Nguyễn Văn Hòa nói:
 
- Họ gặp tại nhà tôi ở Thủy Dương. Hỏi ba câu: Bác gặp Tố Hữu trong dịp nào? Bác có cảm tưởng gì khi đọc bài thơ Tố Hữu viết về bác? Bác có nhận xét gì về thơ Tố Hữu? Cu Theo Nguyễn Văn Hòa chỉ trả lời vắn tắt. Có lẽ, ông nghĩ rằng mọi chuyện tôi có thể đoán hiểu được. Quả là việc ông được gặp Tố Hữu thì báo chí đã đăng rồi.
 
Năm 1968, tuy mới 14 tuổi, nhưng do có thành tích tham gia chiến đấu, ông cùng một số chiến sỹ được đưa ra Bắc học tập. Ông không chỉ được kể chuyện chiến đấu cho Tố Hữu nghe mà còn được gặp Bác Hồ 3 lần. Cảm tưởng khi đọc bài thơ Tố Hữu viết về mình, ông nói đại ý rằng bài thơ giản dị, dễ thuộc và ông đọc liền mấy câu…
 
Hơn nửa thế kỷ qua rồi, nhưng ông còn nhớ mình đi từ Huế đúng ngày 2-9-1968, do miền Bắc cũng đang bị Mỹ ném bom, phải đi bộ ra tận Ninh Bình mới có xe, đến Hà Nội ngày 10-10-1968. Điều thích thú nhất là nhờ có bài thơ của Tố Hữu mà ông biết tin người bố, sau khi tập kết, lúc đó đang công tác ở huyện Lệ Thủy. Sau đó, hai cha con được gặp nhau tại Hà Nội. Gia đình ông có một “nhánh” ở vùng đất Quảng Bình là vì thế.
 
Sau đó ông được đi học, rồi đi bộ đội… cho đến lúc trở về Huế, trở thành cán bộ của Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế trước lúc về hưu. Biết vợ chồng đã rời phố thị về “an cư” tại huyện Hương Thủy, tôi hỏi địa chỉ để có dịp sẽ về thăm, thì một sự “gặp gỡ” tình cờ thú vị nữa-nhà ông ở cuối đường mang tên Phùng Quán-một vùng đồi còn hoang sơ! Nói “gặp gỡ thú vị” vì liên lạc viên Phùng Quán lại gọi Tố Hữu bằng cậu, là một “nguyên mẫu” trong “Tuổi thơ dữ dội” thời chống Pháp trở thành “hàng xóm” với cậu liên lạc “cu Theo” thời chống Mỹ. Nghe ông kể nhà cửa không sang trọng, nhưng nương vườn rộng rãi, tôi hỏi:
 
- Chắc là anh cũng được ưu tiên khi mua khu đất đó?
 
- Họ bảo tôi khai báo để vận dụng chính sách đối với thương binh, nhưng tôi bảo thôi…
 
 Cu Theo Nguyễn Văn Hòa nói vậy, rồi bỗng đưa hai cánh tay dài lên như hình chữ “v”, giọng rất vui: “Thời “oanh” qua rồi, giờ chỉ còn “liệt”!”
 
Ông “tức” đôi chân không cho ông tung tẩy, nhưng xem ra chưa chịu khuất phục, sẽ tiếp tục chữa bằng “vật lý trị liệu” và qua việc ông không nhận ưu đãi chế độ thương binh khi mua đất, nằm viện mà vẫn “chỉ đạo” việc dẫn nước tưới cây ở vườn nhà, chứng tỏ ông vẫn còn “khí phách” như thời làm nhân vật “nguyên mẫu” cho nhà thơ Tố Hữu ngày xưa. Mấy ngày nằm viện, tôi được “vui lây” nhờ con cháu ông ở Huế và cả “nhánh" Quảng Bình đến thăm rất đông…
 
Tôi ra viện trước ông, giữ lời hứa đem tặng "nhân vật" của Tố Hữu một miếng mít chín vừa hái trong vườn, vì nghe tôi “khoe” vườn nhà mình có cây mít rất ngon, ông nhắc tôi cho ông ít hạt để làm giống. Tôi hình dung lúc này những hạt mít đó đã thành mầm xanh mọc thẳng, rồi sẽ vươn cao như cuộc đời chủ nhân khu đất cuối con đường Phùng Quán đang mỗi ngày một vui thêm, xanh thêm…/
 
Ghi chép của Nguyễn Khắc Phê