Nguyễn Thị Lê Na-cây bút độc đáo về tình yêu và thân phận phụ nữ

  • 09:59 | Chủ Nhật, 27/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, văn học nghệ thuật Quảng Bình xuất hiện các cây bút nữ với lối tư duy hiện đại và những góc nhìn độc đáo về muôn màu cuộc sống. Chính họ đã mang lại những mảng màu riêng biệt, góp phần tô điểm thêm cho nền văn nghệ tỉnh nhà… Và Nguyễn Thị Lê Na là một cây bút như thế.
 
Nguyễn Thị Lê Na sinh ra và lớn lên ở miền quê Sơn Thủy (Lệ Thủy). Tốt nghiệp Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Huế, chị về công tác ở Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình. Năm 2009, chị được bổ nhiệm giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ cho đến nay. 11 năm làm Tổng biên tập, với kiến thức và sự nhạy bén, chị đã cùng tập thể cơ quan làm thay đổi diện mạo đáng kể Tạp chí Nhật Lệ, chinh phục được bạn đọc gần xa.
 Tác giả Nguyễn Thị Lê Na.
Tác giả Nguyễn Thị Lê Na.
Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lê Na cho biết: "Thành quả có được của tạp chí hôm nay, trước hết là nhờ vào sự chung sức, chung lòng của tập thể cán bộ cơ quan. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ, tôi đã có nhiều cố gắng với công việc, chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao,  cùng với các đồng chí trong cấp ủy xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
 
Cùng với tập thể cơ quan Tạp chí Nhật Lệ, chúng tôi đã phát huy những thành quả đạt được, bám sát tôn chỉ, mục đích của tạp chí, chú trọng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, đưa đến bạn đọc tờ ấn phẩm VHNT đẹp về hình thức, phong phú về nội dung, từ số lượng phát hành từ gần 600 cuốn/tháng nay lên gần 1.000 cuốn/tháng.."
 
Không chỉ làm tròn chức trách của một Tổng biên tập mà chị Nguyễn Thị Lê Na bằng sự trải nghiệm của một người phụ nữ cùng sự nhạy cảm của một nhà văn đã đón bắt và phơi trải những chiều sâu khuất lấp của cuộc đời và tâm hồn người phụ nữ qua 2 tập truyện ngắn "Bến mê" (NXB Thuận Hóa, 2007, tập truyện đã vinh dự nhận Giải trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam) và "Đắng ngọt đàn bà" (NXB Hội Nhà văn, 2020).
 
Tác phẩm của chị khi ra đời được độc giả đón nhận, quan tâm đồng thời cũng tạo được những cuộc tranh luận khá thú vị trên văn đàn. Sự quan tâm của người đọc và giới phê bình đến tác phẩm của Nguyễn Thị Lê Na được thể hiện ở một số bài viết trên một số báo, tạp chí và internet. Các bài báo viết về Nguyễn Thị Lê Na khá nhiều, từ báo mạng đến báo viết với nhiều ý kiến đa dạng, thậm chí là trái chiều và có khi đối lập nhau. Điều này cho thấy Nguyễn Thị Lê Na và sáng tác của chị được dư luận chú ý quan tâm trong dòng chảy của văn học đương đại.
 
PGS-TS Trần Hoài Anh trong "Cảm thức về tình yêu và thân phận trong truyện Nguyễn Thị Lê Na” trên diễn đàn vanhocsaigon.com nhận xét: “Đi vào thế giới truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na, từ "Bến mê" (2007) đến "Đắng ngọt đàn bà" (2020), ta thấy chủ đề trung tâm chi phối cảm hứng sáng tạo của nhà văn chính là tình yêu và thân phận đàn bà, với nhiều phận số, nhiều mảnh đời, nhiều hoàn cảnh…
 
Mặc dầu mới chỉ xuất hiện trên văn đàn với hai tập truyện, khiêm nhã như chính tính cách những người đàn bà trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na, nhưng không vì thế, truyện của chị lại thiếu đi sức nặng của cảm xúc, của tâm tưởng. Với sự nỗ lực lao động, sáng tạo và lòng yêu văn chương, truyện của Nguyễn Thị Lê Na đã để lại trong lòng người đọc những mỹ cảm cả về phương diện nội dung và nghệ thuật...”.
Sau
Sau "Bến mê", tập truyện "Đắng ngọt đàn bà" của Nguyễn Thị Lê Na được nhiều độc giả đón nhận.
Hay nhận xét của nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng trên Báo Văn nghệ Công an ra ngày 4-5-2020 có viết: “Nhân vật nữ của Lê Na thường ngày thì yểu điệu thục nữ, thì nhường và nhịn, nhưng khi cần thì "quật khởi". Nhưng đừng vội nghĩ thế là họ bạo liệt, phá rào, nổi loạn.
 
Đọc văn Lê Na tôi hơi bất ngờ nếu chỉ suy xét "nhìn mặt mà bắt hình dong". Đọc "Bến mê" lại càng thấy Lê Na mãnh liệt khi để cho một nhà sư (trụ trì một chùa) vực dậy mối tình xưa. Nhưng rồi như một nghệ sỹ xiếc trên dây, nhân vật nữ (Lam) đã ra đi với hành động dứt khoát: "Em sẽ nhắn tin".
 
Tôi đồ ngoài đời thực Lê Na sống chỉn chu. Cũng đúng thôi. Nên đừng suy nghiệm "văn là người". Văn chương là nơi thăng hoa, phóng chiếu, ký thác, giải phóng ẩn ức. Với Lê Na, tôi nghĩ, văn chương như là một thứ gia vị, tăng thêm men nồng cho cuộc sống thứ hai không giống đời thực.”
 
Khi được hỏi chị đã đặt mình vào các nhân vật nữ ra sao, Nguyễn Thị Lê Na cho biết: "Tôi cũng là người phụ nữ trong một gia đình nhỏ nằm trong một gia đình lớn là hai bên nội ngoại. Tôi lại được sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Ở đó, văn hóa tâm linh, văn hóa ứng xử trong gia đình và cộng đồng đan xen. Do đó tôi luôn luôn đi giữa lằn ranh, một bên là cuộc sống hiện đại phá cách, một bên là những giáo lý truyền thống.
 
Trong thời buổi giao thời này, để giữ được những phép tắc xưa, cần đủ tâm, đủ đức, đủ tài, đủ một niềm tin mãnh liệt. Gia đình truyền thống của chúng ta trong xã hội hiện đại rắc rối vô cùng. Tôi là người viết, nên tôi cũng đặt ra những tình huống mà ai cũng “có thể có có thể không”. Ở đấy phản ánh những cách sống cách nhìn khác về một xã hội đang có rất nhiều biến đổi."
 
Gặp chị, trò chuyện với chị, dễ nhận thấy ở chị hình ảnh người phụ nữ tự tin, đầy nhiệt huyết, dù cuộc sống bộn bề, tất bật nhưng chị vừa chu toàn công việc gia đình, vừa tham gia hoạt động ở cơ quan và ở vị trí công tác nào, chị cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với những thành quả đạt được, năm 2019, chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác.
 
Phạm Hà