Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Đức Thành và hành trình đi tìm cái đẹp

  • 09:22 | Chủ Nhật, 13/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bén duyên với nghệ thuật nhiếp ảnh mới chỉ hơn 6 năm nhưng nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Đức Thành đã có cả một bộ sưu tập ảnh ấn tượng cho riêng mình, trong đó có rất nhiều bức ảnh đạt giải thưởng quan trọng tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế.
 
Với anh, nhiếp ảnh là một sân chơi nghệ thuật đầy gian khó nhưng hết sức thú vị, càng khám phá lại càng mở ra nhiều điều mới lạ. Vì lẽ đó, anh luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê và sống trọn với niềm đam mê ấy bằng sự sáng tạo, tìm tòi cái mới, cái đẹp để mỗi bức ảnh ra đời đều mang trong đó những câu chuyện riêng, thông điệp riêng theo cách thể hiện riêng của người nghệ sỹ.
 
Bông hoa nở muộn
 
Lê Đức Thành đến với nghệ thuật nhiếp ảnh như một cái duyên. Trước khi trở thành NSNA, Lê Đức Thành là cán bộ làm công tác thi đua, tuyên truyền của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Nghệ An) thuộc Bộ Giao thông vận tải. Công việc này cho anh cơ hội chụp ảnh các hội nghị, hoạt động của đơn vị làm tư liệu phục vụ cho công việc chuyên môn. Cũng từ đó, anh bắt đầu yêu thích chụp ảnh và dành nhiều thời gian lang thang đây đó nhằm ghi lại những hình ảnh đẹp rồi lưu giữ cho riêng mình.
Máy ảnh là “bạn đồng hành” của NSNA Lê Đức Thành trong mỗi chuyến đi.
Máy ảnh là “bạn đồng hành” của NSNA Lê Đức Thành trong mỗi chuyến đi.
Năm 2013, được xem là bước ngoặt trong sự nghiệp cầm máy ảnh của anh. Lần đầu tiên tham gia cuộc thi ảnh về đề tài ca ngợi tình hữu nghị Việt-Nhật do Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp với Tổng công ty đường sắt Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Lê Đức Thành may mắn đoạt giải nhất với bức ảnh chụp một đoàn tàu đang chạy trên vùng đồi đầy sắc màu của hoa dại thuộc thôn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh lúc tầm 6h sáng. Giải thưởng này là nguồn động viên rất lớn để anh tự tin bước vào con đường nhiếp ảnh nghệ thuật mặc dù biết mình không còn trẻ.
 
Để nâng cao kỹ năng, tay nghề, Lê Đức Thành tự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật chụp ảnh qua sách, báo, qua bạn bè và rút kinh nghiệm từ những bức ảnh chưa đạt yêu cầu. Với bản tính cần cù, chịu khó, Lê Đức Thành luôn đề ra mục tiêu cho bản thân và quyết tâm thực hiện bằng được. Nhờ sự kiên trì, niềm đam mê, anh đã nhanh chóng gặt hái những thành công nhất định. Chỉ sau một năm tiếp cận với nhiếp ảnh nghệ thuật (2014), Lê Đức Thành đã được gia nhập vào ngôi nhà chung là Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam cùng những người đã có “tên tuổi, thương hiệu” đối với lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật.
 
Miệt mài theo đuổi đam mê
 
Con đường đi tìm cái đẹp, cái riêng qua mỗi bức ảnh của Lê Đức Thành trải qua rất nhiều gian nan, thử thách. Anh tâm sự: Muốn có một bức ảnh đẹp, giàu tính nghệ thuật, ngoài kỹ năng, tay nghề còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là thiên nhiên, ánh sáng, thời tiết, con người, bối cảnh sự kiện… Vì vậy, người nghệ sỹ phải biết dấn thân vào gian khó, xem thất bại là bài học kinh nghiệm để mở ra những thành công. Anh đã có những chuyến đi đến các vùng đất xa xôi, hẻo lánh, nhiều lúc phải leo trèo, đu bám những vị trí mạo hiểm để ghi lại vẻ đẹp của dòng suối, rừng xanh… hay đến những bản, làng dân tộc thiểu số để khám phá bản sắc văn hóa, nếp sinh hoạt của người dân bản địa và thể hiện sinh động qua từng bức ảnh.
   Một góc thị trấn Phong Nha qua sự thể hiện của Lê Đức Thành.
Một góc thị trấn Phong Nha qua sự thể hiện của Lê Đức Thành.
Lê Đức Thành trải lòng: Anh từng dùng khá nhiều tiền bạc và thời gian của mình cho nhiếp ảnh. Để có những tác phẩm như ý, có khi anh xa nhà hàng tháng trời, lang thang khắp hang cùng, ngõ hẻm rồi mất ăn, mất ngủ với việc tìm ý tưởng, trăn trở cách đặt tên cho những "đứa con tinh thần" của mình. Lắm lúc rơi vào trạng thái như “thiền” khi miên man nghĩ đến những dự định chưa thực hiện được. Có những đêm, cả nhà đang say giấc, anh vẫn loay hoay dựng hiện trường để chụp ảnh tĩnh vật. Hay nhiều lúc thức dậy tầm 3, 4h sáng với chiếc máy ảnh vội vàng chạy ra biển để đón cảnh biển lúc bình minh và cả những cuộc hành trình dài mải miết với những bức ảnh mà tạm quên đi chuyện cơm, áo, gạo, tiền.
 
Từ những chuyến đi thấm đẫm mồ hôi đó mà Lê Đức Thành đã có trong tay bộ sưu tập giải thưởng. Tiêu biểu là các tác phẩm: “Biển sớm” huy chương bạc (Liên hoan ảnh nghệ thuật Bắc Trung bộ năm 2015 lần thứ 22), “Vũ điệu trên sông” huy chương bạc (cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Serbia, 2016), “Làng nghề đan đó Hưng Yên” huy chương vàng (cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế năm 2017 tổ chức tại Ấn Độ), “Trái tim Mường Hum” huy chương vàng (Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế 2018), “Chợ biển Nhân Trạch” huy chương bạc (Liên hoan ảnh nghệ thuật Bắc Trung bộ lần thứ 26 năm 2019)… Kết quả đó là động lực để anh dấn thân với ảnh nghệ thuật bằng sự khát khao cống hiến mang đến cảm xúc thẩm mỹ cho mọi người.
 
Trên cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Bình, Lê Đức Thành luôn trăn trở tìm cách xây dựng tập thể đoàn kết, phát huy tinh thần lao động sáng tạo nghệ thuật của mỗi hội viên và quan tâm dìu dắt thế hệ trẻ…
 
Nói về những dự định cho tương lai, Lê Đức Thành chia sẻ: "Tiềm năng thiên nhiên, kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian của Quảng Bình là “kho vàng” cho các nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật nhiếp ảnh. Trên hành trình chinh phục cái đẹp, chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để có những tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Quảng Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế."
 
NSNA Lê Đức Thành sinh năm 1967, quê ở tỉnh Phú Thọ, sinh sống ở Quảng Bình. Anh là hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Bình. Từ năm 2015 đến nay, Lê Đức Thành đã có 15 tác phẩm được triển lãm toàn quốc, 25 tác phẩm triển lãm khu vực. Anh còn tham gia 46 cuộc thi ảnh quốc tế tổ chức ở 25 quốc gia và đã có 386 lượt tác phẩm được triển lãm, trong đó có 26 giải thưởng, gồm 2 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 3 huy chương đồng, 16 bằng danh dự. Anh là thành viên duy nhất của Quảng Bình được gia nhập vào Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), được trao thẻ FIAP Life Card và tước hiệu AFIAP.
 
Nhật Văn