Mong đợi phim Việt 'giải cứu' thị trường nội địa hậu COVID-19

  • 08:29 | Thứ Tư, 23/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trong bối cảnh dịch COVID-19 xảy ra, nhiều rạp chiếu phim trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải tạm dừng hoạt động, nhiều bộ phim đã hoãn chiếu, những dự án phim đang quay dở không thể tiếp tục quay... gây thiệt hại nặng nề cho ngành điện ảnh. Vì vậy, thúc đẩy điện ảnh thời hậu COVID-19 đang là vấn đề quan tâm của ngành văn hoá và những nhà làm phim.
Tọa đàm chia sẻ thách thức và cơ hội của điện ảnh Việt. Ảnh: CTV
Tọa đàm chia sẻ thách thức và cơ hội của điện ảnh Việt. Ảnh: CTV
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, mặc dù các rạp chiếu phim đã mở cửa hoạt động trở lại từ tháng 5, thế nhưng doanh thu của các rạp chiếu phim trong cả nước vẫn bị sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ, điều này gây nhiều áp lực cho các nhà làm phim lẫn các đơn vị phát hành phim.
 
Trong khi đó, để làm nên thành công của một bộ phim, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, bên cạnh biên kịch, đạo diễn, diễn viên, đó là công sức của cả một tập thể những con người nỗ lực phía sau hậu trường, những diễn viên phụ, ekip quay phim, sản xuất. Ngành phát hành phim nên tìm giải pháp khôi phục thị trường, kích cầu điện ảnh Việt, đa dạng nội dung phim chiếu rạp, tìm hướng đi mới trong công tác phát hành phim, kích thích thói quen xem phim của khán giả và đưa ra các giải pháp thu hút người hâm mộ trở lại sau thời gian nghỉ dịch. Bởi trong những năm gần đây, nhiều phim Việt đã “xuất ngoại” thành công và gặt hái được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế uy tín.
 
Do đó, Cục Điện ảnh, các đơn vị phát hành phim CJ, CGV Việt Nam, Galaxy Cinema, Lotte Cinema Việt Nam, BHD Star Cineplex và các đạo diễn, nhà sản xuất phim, diễn viên, các nhà làm phim đã cùng ngồi lại bàn giải pháp thúc đẩy điện ảnh Việt hậu COVID-19 trong thời điểm dịch bệnh đã và đang dần được kiểm soát. Theo Cục Điện ảnh, khi các phim “bom tấn” nước ngoài lần lượt dời lịch chiếu đến cuối năm hoặc sang năm sau là cơ hội để phim Việt chinh phục khán giả trong nước bằng chính chất lượng và nội dung của mình.
 
Có thể thấy, bài học điển hình từ hai thị trường điện ảnh lớn của châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc đã khôi phục một cách mạnh mẽ. Điều đáng nói, những bộ phim giải cứu phòng vé là phim nội địa chứ không phải bom tấn nước ngoài. Điển hình ở thị trường Hàn Quốc, bộ phim “Ác quỷ đối đầu” (Deliver Us From Evil) vượt mặt bom tấn nước ngoài ở cuộc đua phòng vé. Trong khi đó, bộ phim “Bát Bách” (The Eight Hundred) được xem là cứu tinh của điện ảnh Trung Quốc chứ không phải phim bom tấn ngoại thời hậu COVID-19.
 
Vì vậy, Cục Điện ảnh hoàn toàn tin tưởng phim Việt sẽ đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc "giải cứu" thị trường, đồng thời các rạp chiếu sẽ đa dạng được nội dung và khán giả Việt sẽ được thưởng thức những bộ phim chất lượng. Thực tế, điện ảnh Việt Nam trong 5 năm trở lại đây có những bước phát triển vượt bậc về chất và lượng qua từng năm, với tốc độ tăng trưởng toàn thị trường từ 20 - 25%. Không chỉ thế, nhiều phim Việt gia nhập vào câu lạc bộ những phim có doanh thu trăm tỷ, hoặc đạt giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế và được phát hành ở nước ngoài nhiều trong những năm qua.
 
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tâm huyết: "Cuối cùng, điều có thể kéo khán giả đến rạp xem phim vẫn phải là những bộ phim hay, những bộ phim khiến khán giả được vui, buồn, được cười và khóc, được cảm nhận tình yêu, hay nỗi sợ hãi, được hét lên, hay được ôm chầm lấy ai đó. Những nhà làm phim như chúng tôi vẫn đang và sẽ tiếp tục tạo nên những bộ phim chất lượng đem đến cho khán giả những trải nghiệm đáng nhớ đó, cho dù có dịch bệnh hay không”.
 
Theo Hải Yên (Báo Tin tức)