Người đàn bà với "ý nghĩ nhiều hơn thời gian đã nghĩ"

  • 07:34 | Chủ Nhật, 05/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trần Thị Huê (hội viên Hội VH-NT Quảng Bình) xuất hiện không ồn ào, phô trương. Thơ chị gánh vác những đằm lặng của người “đàn bà đã cũ”. Chị viết như để giải thoát khỏi ràng buộc của cuộc sống, để được là chính mình. Đọc “Thế giới ngủ trong đường viền”, giọng tự thuật, tâm tình của chị từng xuất hiện ở các tập thơ trước, nhưng nay đậm nét, độc đáo hơn. Khai mở phần vô thức, có thể nói, là tín hiệu thám mã những ám tượng, hấp dẫn của diễn ngôn “chảy qua cơn mê” và cảm quan phái tính của người đàn bà thơ “đợi bàn tay che kín nỗi buồn” trong “Thế giới ngủ trong đường viền”.
 
“Thế giới ngủ trong đường viền” của Trần Thị Huê đã có những cuộc “vọc” chữ khá thú vị. Tập thơ là chuỗi dài các cuộc đối thoại giữa người đàn bà thơ với anh, với vạn vật xung quanh. Lúc nào người đàn bà thơ cũng chủ động tạo các cuộc đối thoại, muốn “nói với”, “nói cùng”, phơi bản thể mà tâm sự, giãi bày. Nói với anh, với vạn vật, thực chất là người đàn bà thơ đang tự đối thoại với nỗi đơn độc của mình.
 
Đó là dạng đối thoại trong độc thoại. Đối thoại theo hướng “vô âm”. Chị để người đàn bà thơ đối diện, chất vấn đồng thời với hai con người, hai phía thời gian, nhằm tạo ra nhiều tiếng nói, nhiều điểm nhìn. Rồi chị huy động mọi cảm xúc của người đàn bà thơ đặt lên cảm xúc của người đàn ông, của vạn vật mà xác tín bản thể.
 Trang bìa tập thơ
Trang bìa tập thơ "Thế giới ngủ trong đường viền" của Trần Thị Huê.
Thời gian đêm được chị đẩy lùi về miền hồi ức, nơi người đàn bà thơ đã từng có một tình yêu đẹp. Rồi chị dùng không gian đặc đêm lôi kéo người đàn bà thơ ra khỏi miền ấy, để người đàn bà thơ đối diện với thực tại đầy chua xót, bẽ bàng. Không-thời gian đêm vì thế như là nhân chứng làm rõ phận đời của người đàn bà thơ. Đồng hiện không-thời gian giữa quá khứ và hiện tại, giữa ngọt ngào, hạnh phúc với đơn chiếc, trống vắng, chị phản ánh rõ nét hơn thế giới nội tâm của người đàn bà thơ, vừa đa cảm, phức tạp vừa khó dò đoán, suy xét.
 
Một mặt, người đàn bà thơ muốn lãng quên khuôn mặt người đàn ông, mặt khác, lại muốn đào xới, lật tung. Câu chuyện về người đàn ông cứ vắt từ đêm này sang đêm khác, không nguôi thổn thức. Qua những câu như: “Căn nhà chật bóng tối”, “dán sẵn vào bức tường chết”, “những bậc thang có chữ số”, “những dòng chữ tựa cọng rơm rối”, “khuôn mặt cửa sổ sao phủ kín trời”..., có thể hình dung người đàn bà thơ đang ngồi trước văn bản vào những đêm khuya, bên ô cửa sổ nhỏ “lạnh ngắt”, trong một căn nhà có cầu thang được đo “bằng lời nói” mà ngẫm nghĩ về thân phận và cuộc sống.
 
Xét về mặt không gian, điểm nhìn của người đàn bà thơ bị giới hạn, trói buộc. Ngay cả nhan đề tập thơ “Thế giới ngủ trong đường viền” cũng đã thể hiện sự chật chội. Không gian riêng tư của người đàn bà thơ được chị thu hẹp, gói lại, có đường, có viền, có nét và đậm tính nữ: “Thế giới ngủ trong đường viền của chiếc túi xách”.
 
Xét về mặt thời gian tâm lý, vạn vật không cố định một chỗ, mà đang trương nở và bị khuấy đảo. Kết cấu dạng “dài hơn”, “nhiều hơn”, “chật”, “khâu”, “vá”, “xếp”, “gọi”, “chẻ đôi”, “chia hai phía”... là những căn cước thấu hiểu tâm trạng của người đàn bà thơ. Người đàn bà thơ đã lấy cuộc đời mình ra mà làm “sống động” những ký tự, tự cô đặc mình trong đường viền của bức tranh cuộc đời, tự xem mình là kẻ đứng phía sau, là kẻ bên lề.
 
Những chấn thương tâm hồn sinh tạo ảo giác, khiến cho các sự vật hiện tượng xung quanh người đàn bà thơ đều biến dạng. Xuất phát từ điểm nhìn của ô cửa nhỏ nhưng sự tưởng tượng, sự vỡ bung nội cảm trong người đàn bà thơ quá lớn, khiến thế giới cứ chập chờn thực ảo. Lúc này, những xung năng vươn dậy, làm méo mó, xô lệch, đứt gãy mọi thi ảnh. Trang giấy, ô cửa sổ, chiếc cầu thang, căn nhà không thể chứa hết nỗi niềm của người đàn bà thơ. Nỗi niềm căng chật, trườn ra bên ngoài. Không-thời gian đêm (lặp lại đến 53 lần) trở thành khoảng nối giữa bên trong và bên ngoài, có và không, thực và mơ, có lý và phi lý.
 
Người đàn bà thơ xem đêm như là trò chơi. Nhưng người đàn bà thơ không thể nào quán xuyến được luật chơi. Đêm cố hữu, đậm đặc lên cơ thể và ngôi nhà của người đàn bà thơ. Đêm bám riết lấy cơ thể của người đàn bà thơ, chồng chất suốt năm canh và chồng từ đêm này sang đêm khác. Tuy nhiên, khoảnh khắc hiện hữu, được là chính mình ấy càng làm cho cơn mộng ảo thêm phần tê tái.
 
Người đàn bà thơ bị đêm bủa vây, giăng kín. Càng hạn định, người đàn bà thơ càng muốn nổi loạn, bứt phá và vượt thoát. Người đàn bà thơ tìm mọi cách chơi/đùa/nghịch với đêm, áp thân thể lên đêm, lấy thân thể giao hòa với đêm để cảm nhận từng sát na hiện hữu. Thân thể lẫn tâm hồn bươn khỏi không gian chật hẹp, tìm đến sự vô biên của thời gian, sự rộng lớn của vũ trụ: “Mắt đêm gãy đôi”, “gọi đêm tràn ra ngoài khung cửa”, “đêm tràn phố thị ướt ngôi nhà hướng về phía núi”...
 
Do vậy, đối thoại cũng là phương tiện để người đàn bà thơ tự tạo ra sự gây hấn với bản thân. Lằn ranh gây hấn ấy nảy nở những góc nhìn “biến dạng”, “phi lý”. Trần Thị Huê đặt các thi ảnh có lý bên cạnh các thi ảnh phi lý rồi phá vỡ, nhảy cóc liên tục. Những ý tưởng nhảy cóc, những màu sắc siêu thực cứ cuộn vào nhau, gối lên nhau, lăn lộn cùng nỗi niềm của người đàn bà thơ. Lẽ sinh tồn của vạn vật xung quanh chính là hiện thân bóng hình và thân phận người đàn bà thơ: Ở đó, người đàn bà thơ biết “nói thật lòng”, biết thỏa thuận theo lí lẽ riêng.
 
Nội hàm tiếng nói trong “Thế giới ngủ trong đường viền” được mở rộng, không chỉ là tiếng nói của người đàn bà thơ mà còn là tiếng nói của những thân phận đàn bà: “Em hóa thành câu thơ/Gọn/Câu thơ một chữ cái/Câu thơ bắt nhịp nỗi buồn” (Một ngày trái mùa xuân). Nếu độc giả dùng lý trí để giải mã, khó có thể cảm thụ được những khoảnh khắc vong thân, khát vọng “vá lành cơn khát” của “đôi môi thèm son” rất đỗi nhân bảntrong thế giới vô thức của người đàn bà thơ. Vì “Thế giới ngủ trong đường viền” của Trần Thị Huê là thế giới của “ý nghĩ nhiều hơn thời gian đã nghĩ”.
 
Hoàng Thụy Anh