Lan tỏa năng lượng tích cực theo hình thức mới mẻ

  • 14:48 | Thứ Ba, 28/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Những câu chuyện nhân văn, thông điệp tích cực giữa đại dịch COVID-19 đã được thể hiện bằng nhiều hình thức mới mẻ, sinh động.
“Ghen Cô vy” mang màu sắc trẻ trung, tạo nên sự hứng khởi cho công chúng nhưng vẫn tuân thủ đúng những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về việc phòng bệnh. (Ảnh chụp màn hình)
“Ghen Cô vy” mang màu sắc trẻ trung, tạo nên sự hứng khởi cho công chúng nhưng vẫn tuân thủ đúng những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về việc phòng bệnh. (Ảnh chụp màn hình)
Trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19, Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong việc ứng phó, kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh việc phản ứng nhanh và truy dấu tiếp xúc để khoanh vùng, dập dịch, việc cung cấp thông tin và tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng đã góp phần vào thành quả to lớn của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống COVID-19.
 
Đặc biệt, nhiều câu chuyện xúc động từ các bệnh viện, khu cách ly đã góp phần gắn kết cộng đồng, lan tỏa thông điệp nhân văn “Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau.” Những câu chuyện, thông điệp đó đã được thể hiện bằng nhiều hình thức mới mẻ, sinh động, thu hút sự chú ý của cộng đồng như các MV (music video), sách tranh...
 
Nhiều tác phẩm được ban tổ chức Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ sáu đánh giá cao, để lại dấu ấn đậm nét trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và nỗ lực phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đến với nhân dân, bạn bè trên thế giới.
 
Nghệ thuật không biên giới
 
Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 như cơn sóng thần quét mạnh qua các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đặt nhân loại vào những khó khăn, thách thức to lớn về mọi mặt.
 
Trong bối cảnh đó, những MV với giai điệu trẻ trung, tươi vui, ca từ dễ nhớ, vũ điệu dễ thực hiện đã phát huy sức mạnh trong việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tự bảo vệ sức khỏe mà còn giúp công chúng giữ tâm lý thoải mái hơn, bớt căng thẳng trong dịch COVID-19.
 
MV “Ghen Cô Vy” (phiên bản tiếng Anh) và vũ điệu rửa tay là một trong những tác phẩm (thuộc loại hình video clip) được Hội đồng chung khảo Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại đánh giá cao. Dự án đã góp phần “truyền lửa,” giúp giảm bớt căng thẳng cho những chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch.
 
“Ghen Cô Vy” phiên bản tiếng Anh được phát hành trên trang thông tin chính thức của Bộ Y tế (https://ncov.moh.gov.vn); kênh Youtube của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường-NIOEH; kênh Youtube của các nghệ sỹ Min, Erik, Châu Bùi.
 
Với phiên bản tiếng Anh (#EndCoVCoverChallenge), êkíp thực hiện mong muốn các bạn trẻ trong và ngoài nước tham gia các bản cover-thực hiện vũ điệu hoặc hát lại bài hát trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram, Youtube, Twitter. Cùng với sự giúp đỡ của các nghệ sỹ, người nổi tiếng, dự án ra đời với hy vọng lan tỏa rộng rãi hơn các thông điệp ý nghĩa từ bài hát, hướng đến tương lai đẩy lùi hoàn toàn được COVID-19 trên toàn cầu.
 
Nhạc sỹ Khắc Hưng cho rằng vũ điệu rửa tay của vũ công Quang Đăng đã giúp khán giả quốc tế hiểu hơn thông điệp của bài hát.
 
Khác với khác với những sản phẩm với mục đích tuyên truyền (thường có nội dung khô khan, cách thể hiện cũ mòn, cứng nhắc), “Ghen Cô vy” mang màu sắc trẻ trung, tạo nên sự hứng khởi cho công chúng nhưng vẫn tuân thủ đúng những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về việc phòng bệnh. Với “Ghen Cô Vy” và vũ điệu rửa tay, khán giả thuộc những độ tuổi khác nhau đều có thể lắng nghe, dễ dàng ghi nhớ và thực hiện theo với một tâm lý thoải mái.
 
Với thông điệp thời sự, cách thể hiện vui nhộn, trẻ trung, dự án này đã góp phần lan tỏa năng năng lượng tích cực, giới thiệu hình ảnh Việt Nam chủ động phòng, chống dịch bệnh tới bạn bè quốc tế.
 
Tình người trong biến cố
 
“Đại dịch COVID-19 khiến cuộc sống đảo lộn. Tuy nhiên, đây cũng là chúng ta cảm nhận rõ nhất về tình người trong dông bão,” anh Nguyễn Tăng Quang, tác giả của cuốn sách “Con đã trở về-Ký họa cách ly dịch COVID-19” chia sẻ.
 
Ấn phẩm này là một trong những tác phẩm tiêu biểu lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ sáu.
Cuốn sách không chỉ phản ánh cuộc sống, sinh hoạt trong khu cách ly mà còn cho thấy giá trị của “tình người” trong biến cố. (Ảnh: NXB Phụ nữ)
Cuốn sách không chỉ phản ánh cuộc sống, sinh hoạt trong khu cách ly mà còn cho thấy giá trị của “tình người” trong biến cố. (Ảnh: NXB Phụ nữ)
“Con đã về nhà-Ký họa cách ly dịch COVID-19” bao gồm những bức ký họa của Nguyễn Tăng Quang và những trang nhật ký của anh cùng nhóm bạn về thời gian cách ly tập trung ở Trường Quân sự quân khu 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Cuốn sách không chỉ phản ánh cuộc sống, sinh hoạt trong khu cách ly mà còn cho thấy giá trị của “tình người” trong biến cố, về cách lựa chọn thái độ sống, cách thích nghi với hoàn cảnh, sự lạc quan, yêu đời và tình yêu cuộc sống…
 
Bộ tranh cũng ghi lại những đóng góp tận tụy, sự hy sinh to lớn của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch: nhân viên y tế, bộ đội, công an…
 
Nguyễn Tăng Quang là một du học sinh Việt Nam tại Anh. Quang chia sẻ, khi dịch COVID-19 bùng phát, anh cùng những người bạn đứng trước lựa chọn: ở lại hay trở về? Tự phòng dịch hay tin tưởng hoàn toàn vào sự chỉ đạo của Chính phủ?
 
“Sau những trăn trở đó, với sự hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi đã trở về, nghiêm túc thực hiện quy định cách ly tập trung 14 ngày. Để rồi, chúng tôi nhận ra: Sau những khát vọng bay nhảy của tuổi trẻ, chúng tôi đã có thời gian sống chậm, lắng lại để cùng suy ngẫm. Những biến cố của cuộc sống đã giúp chúng tôi càng thêm yêu và trân quý sự thiêng liêng, ấm áp của hai tiếng ‘gia đình,’ ‘Tổ quốc,’ biết ơn đất nước đã mở rộng vòng tay đón chúng tôi trở về,” Nguyễn Tăng Quang bày tỏ.
 
Tác giả trẻ bảo chữ “nhà” ở nhan đề cuốn sách không mang ý nghĩa là ngôi nhà, gia đình riêng mà đó là quê hương, tổ quốc. Cuốn sách mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc đan xen, truyền đi nguồn năng lượng tích cực, sự lạc quan, vui nhộn của tuổi trẻ.
 
“Con đã về nhà-Ký họa cách ly dịch COVID-19” đưa đến cho độc giả góc nhìn khác về khu cách ly. Đó không phải là nơi đáng sợ (với những hàng rào chắn lạnh lùng, không khí căng thẳng, ánh mắt sợ hãi, tâm trạng lo âu…) mà nơi ấm áp tình người với sự ân cần của các bác sỹ, sự cởi mở, những tràng cười sảng khoái của những người bạn mới… Tăng Quang kể chuyện tự cắt tóc, “khởi nghiệp” bằng hai quầy tạp hóa của các du học sinh bằng nét vẽ dí dỏm.
 
Câu chuyện về sự hy sinh của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, những cách thức lan tỏa năng lượng tích cực, thông điệp yêu thương để cùng nhau vượt qua đại dịch… còn được thể hiện ở nhiều tác phẩm ấn tượng khác lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại.
 Bức tranh
Bức tranh "Cách ly Next Top Model: màn công bố kết quả, các bác sĩ đến phòng đọc thông báo thí sinh bị loại" của Nguyễn Tăng Quang. (Ảnh: NXB Phụ nữ)
Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ sáu (năm 2019) sẽ diễn ra vào tối 28-7 tại Hà Nội. Giải thưởng nhằm tiếp tục ghi nhận và tôn vinh những tác giả, tác phẩm báo chí và sách xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại.
 
Trước đó, tại lễ phát động giải thưởng (diễn ra tháng 11-2019), ông Bùi Trường Giang, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, khẳng định năm 2019, Việt Nam giành được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, tăng cường đối ngoại và hội nhập toàn diện trong quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, khu vực…./.
 
Theo PV (Vietnam+)