Đồng Lê với "Nắng lòng"

  • 07:02 | Thứ Năm, 02/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đồng Lê là bút hiệu của thầy giáo Phan Sỹ Linh-nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Trạch, hiện nghỉ hưu tại xã Hải Trạch, Bố Trạch. Tôi với ông học chung một lớp trong vòng 5 năm (2 năm cấp 3 và 3 năm đại học). Hai chúng tôi tập làm thơ khi đang học cấp 2 (THCS), đến khi lên cấp 3 (THPT), chúng tôi đã sử dụng vần điệu khá thành thạo. Gần 2/3 tập thơ “Nắng lòng” được Đồng Lê làm trong quãng thời gian 5 năm đầy biến động ấy.
 
  Trang bìa tập thơ
Trang bìa tập thơ "Nắng lòng" của Đồng Lê.
Thời đó, chúng tôi chủ yếu làm thơ theo bản năng. Thơ chúng tôi thực chất là những trang nhật ký bằng văn vần. Dưới mỗi bài thơ, chúng tôi đều ghi ngày, tháng sáng tác. Chúng tôi chưa làm chủ được cảm xúc, mạch cảm xúc cứ thế tuôn trào. Sự việc được kể một cách hồn nhiên, thiếu chắt lọc. Thơ tuy chưa hay nhưng nhờ ghi lại sự việc một cách hồn nhiên nên bây giờ đọc lại tưởng chừng như mọi chuyện vừa mới xảy ra hôm qua vậy.
 
Quê tôi và Đồng Lê chỉ cách nhau một con đèo. Thời chiến tranh, Thanh Trạch và Hải Trạch đều là những địa phương nằm trong vùng trọng điểm. Sau trận đánh ngày 5-8-1965, Đồng Lê có ngay bài “Khúc ca chiến thắng”, một tháng sau, bài thơ xuất hiện trên tờ báo tường của lớp do tôi phụ trách:
 
Biết không em chiều ngày hôm đó?
Tám máy bay thù đền mạng nơi đây
Giữa quê hương một chiều lộng gió
Vững niềm tin qua bom đạn dạn dày.
 
Ngày 20-12-1965, từ Vạn Trạch-nơi Trường cấp 3 Bố Trạch sơ tán lần thứ 2, trở về thăm nhà, ông nghẹn ngào chứng kiến cảnh tượng quê hương bị bom đạn giặc Mỹ tàn phá tan hoang:
 
Nhà ai cháy, vách đang còn ám khói?
Hố bom sâu đầy nước trước sân nhà
Những quả mít đang thì chín bói
Vết bom thù lổ chỗ, nát cành hoa.
 
                                                      (Về quê mẹ)
 
Ngày 25-11-1966, từ Mỹ Trạch-nơi Trường cấp 3 Bố Trạch sơ tán lần thứ 3, Đồng Lê nhận tin dữ: Người bạn gái thân thiết của ông ở quê nhà vừa bị bom thù sát hại. Ông đau đớn viết lời “Vĩnh biệt!”:
 
Dưới nấm mồ xanh, em ơi, yên nghỉ!
Bốn mảnh ván này ngăn cách đôi ta
Gió rét tràn về, nhắc nhở những ngày qua
Em vẫn sống trong lòng anh mãi mãi.
 
Ngày 30-5-1967, trong căn phòng nửa nổi nửa chìm, bên gốc cây thị thuộc thôn Mỹ Trung, xã Mỹ Trạch, ông rưng rưng đọc bài “Giờ chia tay”. Đồng Lê nghẹn ngào nhắc lại từng kỷ niệm. Cả lớp ngồi im phăng phắc, lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Cho đến nay, tôi vẫn còn thuộc một vài khổ:
 
Nhớ lại buổi cùng nhau trồng sắn
Những chiều ta chặt bổi lấp hố bom
Nhớ những hôm mưa dột ướt bàn
Giọng thầy giảng vẫn âm vang phòng nhỏ.
 
Ngày 10-9-1967, hai chúng tôi cùng có mặt tại thôn Lệ Cẩm, xã Cẩm Vân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa-nơi Khoa Văn, Trường đại học Sư phạm Vinh sơ tán. Khóa chúng tôi (1967-1970) có 4 lớp: A, B, C, D. Tôi và Đồng Lê được phân vào lớp D, sinh hoạt cùng tổ. Tôi được chỉ định làm tổ trưởng. Những ngày đầu, chúng tôi vào rừng chặt cây, chặt luồng, bứt tranh tự dựng lớp, làm lán nội trú. Đời sống vật chất tuy thiếu thốn nhưng mà vui. Tôi nhớ mãi những lần được đón các nhà văn: Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Xuân Diệu… về nói chuyện. Tôi đặc biệt ấn tượng với buổi nói chuyện thơ của Xuân Diệu. Đêm 3-12-1967, sau buổi nói chuyện ấn tượng ấy, Đồng Lê chong đèn, cặm cụi làm bài “Nguồn thơ tới” tặng Xuân Diệu:
 
Chỉ có thơ và thơ mới hiểu
Chỉ có thơ mới thấu hiểu nhân tình
Chúng tôi đợi thơ: Nhà thơ Xuân Diệu
Mong một ngày anh về lại trường Vinh.
 
Những ngày tháng ở trên rừng núi Thạch Thành, Đồng Lê và tôi đều có chung tâm trạng nhớ quê, nhớ nhà da diết. Vào một buổi chiều mùa đông, chúng tôi ngồi tâm sự  trên bãi cỏ xanh, cạnh hồ Lệ Cẩm, ông chậm rãi đọc cho tôi nghe “Bài thơ gửi mẹ” hết sức cảm động:
 
Trời trở rét, viết bài thơ tặng mẹ
Con như nằm trong lòng mẹ thuở xưa
Cánh tay êm, mẹ ru hời con ngủ
Tủm tỉm cười hoa nở trong mơ!
 
Chế Lan Viên có 2 câu thơ nổi tiếng: "Khi ta ở, đất chỉ là nơi ở/Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn" (Tiếng hát con tàu). Quả đúng như vậy! Tháng 6-1969, chúng tôi chia tay Cẩm Vân, xuôi bè sông Mã về Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Buổi chia tay bồi hồi, lưu luyến:
 
Cẩm Vân nhớ mãi trong tim
Có dòng sông Mã uốn mình lượn quanh.
 
                                                (Nỗi lòng chia tay)
 
Trong bài “Nhớ” gửi tặng tôi (viết ngày 14-12-1970), Đồng Lê gợi lại vẻ đẹp nên thơ của cảnh rừng núi Thạch Thành-nơi cất giấu bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của thời sinh viên mộng mơ và lãng mạn:
 
Trắng rừng hoa Lệ Cẩm
Soi nước suối trong lành
Mặt trời lên tỏa nắng
Rừng cây chim chuyền cành.
 
Anh chia sẻ cùng tôi:
Nơi hai năm ta sống
Ấp ủ cả tấm lòng
Khi xa rồi nhớ lắm
Một khoảng trời mênh mông.
 
Thời tôi từ Trường cấp 3 Minh Hóa được điều động về dạy Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình (1973), Đồng Lê và tôi thỉnh thoảng gặp nhau. Một số bài thơ của ông được đăng tải trên các báo và tạp chí Trung ương, địa phương. Nhập tỉnh, ông trở thành hội viên Hội Văn nghệ Bình-Trị-Thiên. Tôi với ông cùng được chọn tham gia Trại viết Thanh Hải ở quê tôi. Tôi vẫn còn lưu giữ tấm hình chụp chung các trại viên lần đó, có nhà văn Nguyễn Khắc Phê, các nhà thơ: Võ Quê, Lâm Hồng Tú, Đại Giang, Hải Kỳ, Hồng Thế…
 
Thời gian gần đây có lẽ do bận công tác quản lý nên Đồng Lê ít có thơ đăng. Nhưng tôi tin là ông không thể bỏ thơ. Ông viết âm thầm, lặng lẽ. Ánh nắng thơ ông chỉ tỏa kín đáo trong lòng. Vì lẽ đó nên ông đặt tiêu đề cho tập thơ đầu tay của mình là “Nắng lòng” chăng?
 
                                                              Mai Văn Hoan