Tuyên Hóa:

Ghi nhận từ kết quả biên soạn, xuất bản lịch sử các đảng bộ cơ sở giai đoạn 1930-2015

  • 07:50 | Thứ Năm, 25/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đến nay, 19/19 đảng bộ các xã, thị trấn, 3 đảng bộ cơ quan và 5 đơn vị trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ, tập I (1930-2015). Đây là những công trình khoa học và cũng là kết quả đáng ghi nhận có ý nghĩa chào mừng đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.
 
Lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị giai đoạn 1930-2015 ghi lại quá trình hình thành và phát triển của vùng đất, con người các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Tuyên Hóa qua những chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi vẻ vang và tự hào.
 
Việc biên soạn, xuất bản tập lịch sử đảng bộ là việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa lớn lao, nhằm khơi dậy truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của các đảng bộ qua các giai đoạn cách mạng, giáo dục cho các thế hệ tiếp sau tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, bồi dưỡng thêm về lý tưởng cách mạng để chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày một mạnh giàu, góp phần thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.     
 
Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xem việc biên soạn, xuất bản tập lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. 
 
Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử cho các đảng bộ cơ sở trong huyện như: Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 9-8-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Trang bìa cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phong Hóa tập 1.
Trang bìa cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phong Hóa tập 1.
Ngày 10-3-2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa đã ban hành Chỉ thị 03-CT/HU về việc "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng các địa phương, cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trên địa bàn huyện” và ngày 17-3-2016, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng các địa phương, cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trên địa bàn huyện (gọi tắt là Ban chỉ đạo huyện) gồm 12 đồng chí, trong đó có 9 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Trưởng ban chỉ đạo là đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và Phó ban trực là đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy.
 
Để các đảng bộ có cơ sở thực hiện hiệu quả công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử, ngày 20-2-2017, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã ban hành Hướng dẫn số 16-HD/TG “Xây dựng đề cương, biên soạn lịch sử đảng bộ xã, thị trấn, cơ quan, ban, ngành trên địa bàn huyện Tuyên Hóa”.
 
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và các văn bản hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, các Đảng ủy xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị đã ban hành nghị quyết đưa công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ của địa phương, đơn vị mình vào nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ để triển khai thực hiện và ban hành các quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban sưu tầm, Ban biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của cơ quan, đơn vị tập I, giai đoạn 1930-2015.
 
Quá trình tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các xã thị trấn, cơ quan, đơn vị gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân, như: qua nhiều thời kỳ lịch sử, tài liệu lưu trữ không đầy đủ, nhân chứng sống không còn nhiều; nhiều xã ở vùng lũ lụt tài liệu lưu trữ bị mất mát, hư hỏng; một số xã do quá trình tách nhập nên tài liệu bị xáo trộn, thất lạc. Tuyên Hóa là huyện miền núi trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập nên tài liệu lưu trữ ở huyện trong chiến tranh hầu như không còn.
 
Vì thế, nhiều đảng bộ xã phải tiến hành đi sưu tầm tư liệu ở Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh, Phòng Lưu trữ-Văn phòng Tỉnh ủy, Chi cục Văn thư lưu trữ Thừa Thiên-Huế, Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế (thời kỳ tỉnh chung), Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Hà Nội... và đến các tỉnh, thành để gặp gỡ, trao đổi với các nhân chứng nguyên lãnh đạo xã, cơ quan, đơn vị đã chuyển công tác, sinh sống ra khỏi địa bàn. Mặt khác, cán bộ có chuyên môn về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử thiếu; một số đảng bộ phải ký hợp đồng người biên soạn, biên tập lịch sử...
 
Quá trình biên soạn trải qua nhiều bước: Nghiên cứu tư liệu, xây dựng đề cương; viết bản sơ thảo; tổ chức hội nghị góp ý của các nhân chứng ở xã, thị trấn; góp ý của Ban Tuyên giáo Huyện ủy; thông qua Ban chỉ đạo huyện nghiên cứu, góp ý; trình Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến thẩm định… Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, các đảng bộ tiến hành chỉnh sửa, biên tập trình Ban Tuyên giáo Huyện ủy thẩm định lần cuối rồi mới gửi đi nhà xuất bản in ấn, tiến hành tổ chức lễ công bố phát hành.
 
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã hướng dẫn cấp ủy cơ sở mời các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ, các đảng viên cao tuổi trên địa bàn có tâm huyết, hiểu biết về lịch sử ở các địa phương cùng tham gia cung cấp tư liệu, hội thảo, đóng góp nhiều ý kiến quý báu; cùng với các đảng bộ cơ sở, cơ quan, ban, ngành giải quyết tốt những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử.
 
Đồng thời, chủ động tham mưu giúp Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện hiệu quả việc chỉ đạo, lãnh đạo các đảng bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử bảo đảm đúng tiến độ thời gian quy định.
 
Vì thế, qua 4 năm triển khai thực hiện, đến tháng 5-2020, 19/19 Đảng bộ xã, thị trấn trong toàn huyện đã hoàn thành việc xuất bản lịch sử đảng bộ, biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ. 3 đảng bộ cơ quan (Đảng bộ Quân sự huyện, Công an huyện, Đảng bộ cơ quan HĐND và UBND huyện); các ban Đảng: Tuyên giáo, Tổ chức, Dân vận, Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Huyện ủy cũng đã hoàn thành việc biên soạn, in ấn, công bố phát hành lịch sử truyền thống của các ban xây dựng Đảng; một số tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động huyện chuẩn bị thông qua xin ý kiến thẩm định của Ban Thường vụ Huyện ủy. Riêng Ủy ban MTTQVN huyện đã hoàn thành cuốn lịch sử đảng bộ đang gửi đi nhà xuất bản. Một số cơ quan, đơn vị còn lại phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành.
 
Các công trình lịch sử đã biên soạn và xuất bản trong nhiệm kỳ qua ở Tuyên Hóa đều bảo đảm yêu cầu về tính Đảng, tính khách quan, khoa học và tính chiến đấu; phương pháp lịch sử và phương pháp lô-gic; đồng thời, thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đón đọc, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa, truyền thống quê hương, đất nước, sự đoàn kết và tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân trong huyện.
 
Đồng chí Lê Công Hữu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, cho biết: "Kết quả đạt được đã khẳng định sự quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống của các cơ quan, ban, ngành; có ý nghĩa quan trọng chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025."
 
                                                                                           Hồ Duy Thiện