"Tình yêu mãi trẻ"-tiếng lòng của một nhà giáo

  • 07:28 | Thứ Sáu, 26/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo nhà thơ Mai Văn Hoan thì các nhà thơ ở Quảng Bình hiện nay có xu hướng theo hai trường phái: Thơ truyền thống và thơ cách tân. Những người đã đi theo lối thơ cách tân thì không chấp nhận giữ lối thơ truyền thống và ngược lại. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý thì lại khẳng định: “Các nhà thơ vẫn phải trả lời hai câu hỏi: "Viết cái gì?" và "Viết như thế nào?" đã có từ lâu nhưng chưa hề cũ”.
 
Vài chục năm trở lại đây, cũng như thời kỳ đầu phong trào Thơ Mới của thế kỷ trước, nhiều nhà thơ đổ xô đi tìm cái mới, tự đổi mới mình, “cách tân hình thức” bằng thơ “siêu thực”, “hiện đại”, “hậu hiện đại”... Và có một số người đã thành công. Nhưng đa số các nhà thơ làm mới nền thơ truyền thống và đã neo được vào lòng người đọc những câu thơ để đời.
 
Trương Thanh Minh, một thầy giáo dạy toán ở Trường THPT số 1 Bố Trạch (nay là Trường Lê Quý Đôn) về hưu mới cầm bút. Trong bốn năm, ông đã cho ra đời 8 tập thơ và sắp tới 1 tập tạp bút. Có thể nói, Trương Thanh Minh như một sự bùng nổ, một niềm đam mê hiếm thấy trên thi đàn Quảng Bình.
 
Trương Thanh Minh hòa nhập thi đàn khá muộn. Ông sinh hoạt trong CLB thơ Ba Trại, rồi CLB thơ tỉnh Quảng Bình và gần đây, tham gia sinh hoạt trong CLB Văn nghệ Quảng Minh. Thơ ông viết khá nhiều nhưng ít đăng báo. Trong mấy năm nghỉ hưu, ông đã ra mắt bạn đọc tới 8 tập thơ: Hưu tản trà, Mạn hứng tình biên, Mạn hứng tùng biên, Tản mạn đời, Sống và khát vọng, Tình đời, Vọng lời ru và Tình yêu mãi trẻ.
 Trang bìa tập thơ “Tình yêu mãi trẻ”.
Trang bìa tập thơ “Tình yêu mãi trẻ”.
Khi con trai Trương Thanh Minh được kết nạp và Đảng Cộng sản Việt Nam, ông đã viết bài Vâng lời Đảng (in trong tập thơ Hưu tản trà - NXB Dân Trí, 2017): “Vâng lời Đảng dạy con nghe/Quyết đi theo Đảng lời thề sắt son/Con ơi nước chảy đá mòn/Con đường Đảng dẫn vẫn còn muôn năm”.
 
Sang tập Tình yêu mãi trẻ (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2020), thơ ông bay bổng hơn, giàu chất liên tưởng hơn, với bút pháp tượng trưng: “Hôm qua/Ta mới cất tiếng a/Chào mẹ Nữ Oa/Chào Mặt Trời tươi đỏ…/Hôm qua/Ta chập chững/Học theo ông Vạn Vật sinh sống…/Hôm qua/Ta bái ông Tồn Tại làm sư/Từng bước dò dẫm trên nền đất xanh…/Hôm qua mới được ông Đời/Dạy cho cách làm người/Đầu đội trời, chân đạp đất kiêu dũng…” Và: “Hôm nay/Ta đã là ông lão/Mẹ Nữ Oa đang vẫy/Tận phía xa vĩnh hằng." (Bất chợt). Đời người, một chu kỳ, vòng quay, quy luật của tạo hóa: sinh, lão, bệnh, tử, được hình tượng hóa, kết thúc ở cõi vĩnh hằng, trọn kiếp nhân sinh.
 
Phải chăng ông muốn bứt phá, vượt lên chính mình? Những bài thơ như Hạt đời, Hoa trắng, Chiều thu, Đợi tình, Giọt sầu… đã phá cách các bài thơ truyền thống bằng cách ngắt nhịp giữa dòng: “Hoa trắng/Loài hoa/Vắng sắc màu/Thầm kín hương khoe/Để tàn lâu/Nghiêm trang dưới nắng/Say hồn bướm/Ngàn năm huyền bí/Nghiệm không em”. (Hoa trắng). Hay: “Thôi khóc làm chi/Nuối tiếc qua/Cho lòng thấm ướt/Hạt châu sa/Giọt sầu đè nén/Tim thêm nghẹn/Thơ khóc cho người/Ai khóc ta?” (Giọt sầu). Đây là những bài thất ngôn tứ tuyệt, nhịp thơ 4/3, giàu nhạc điệu, tràn đầy xúc cảm. Mỗi bước nhịp, khuôn nhịp có thể ví với những giai âm độc đáo.
 
Có thể nói, so với các tập thơ trước thì Tình yêu mãi trẻ có một sự đột biến mới. Nhịp nhạc, vần điệu trong thơ vận động khá đều đặn theo một chu kỳ hay một quy luật. Lấy bài thơ Hoài niệm làm ví dụ. Vẫn cấu trúc thể thơ bảy chữ được phá cách, với bút pháp tả cảnh ngụ tình, tác giả đã khắc họa được tâm trạng, cảm xúc và suy nghĩ của mình thông qua nhân vật trữ tình như “chàng mây”, “nàng gió”, “cành tre”, “nhà chim sẻ” được nhân hóa, chơi đùa cùng lũ trẻ.
 
Tác giả đã thả hồn mình về quá khứ, hoài niệm với tuổi thơ: “Chàng mây nàng gió/Ghẹo cành tre/Nắng chạy nghênh ngang/Trên vỉa hè/Giọng hát hàng tre/Nghe êm ả/Lũ trẻ đùa vang/Cả xóm làng…”. Đây là một bài thơ khá hay của Trương Thanh Minh khi đã về già hoài niệm lại một thời của tuổi thần tiên yêu dấu.  
 
Thơ ông viết nhiều chủ đề khác nhau, nhưng luôn tập trung vào việc giáo dục con cháu và cuộc sống làm người. Có rất nhiều bài thơ viết về tình yêu. Nổi trội là bài thơ Tình ta mãi mãi với đời viết về người bạn đời sắt son chung thủy. “Chẳng phải mặn ngọt/Nữa đâu em/Tình ta đã có/Trong nhau rồi/Sao anh dám để/Em phải lạnh/Anh nguyện chăm em/Suốt cuộc đời". Và ông hứa với người yêu khi đã về già: “Sông nước cùng thương/Cả cuộc đời/Nước ròng lên xuống/Hững hờ trôi/Thuyền yêu chẳng thể/Trôi xuôi mãi/Bến đợi/Neo ta/Mãi với đời”. Theo tôi, nội dung bài thơ đã thể hiện được tiêu đề của cả tập thơ.
 
Nhìn chung, Tình yêu mãi trẻ minh chứng cho sự "lên tay" của Trương Thanh Minh trong hành trình đến với thơ. Có nhiều điều đáng bàn trong việc sử dụng ngôn từ và vần điệu nhưng đó là sự cố gắng hết mình của một người mới lãng du trên thi đàn. Một cây bút đang đầy hứa hẹn.
 
Hoàng Minh Đức