Chuyện về họa sỹ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng

  • 07:23 | Thứ Ba, 23/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuối tháng 1-2015, tôi có dịp được gặp lại Lê Duy Ứng khi anh về thăm huyện Tuyên Hóa. Lê Duy Ứng sinh năm 1947 là đại tá, thương binh hỏng mắt, sinh ra và lớn lên ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh).
 
Lê Duy Ứng có duyên nợ với Tuyên Hóa. Bởi nơi đây có 2 người bạn chiến đấu, đã từng cùng anh nếm trải khó khăn, gian khổ, ác liệt trong những năm tháng chiến tranh mà đặc biệt là trong chiến dịch “81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị” năm 1972. Trong đó, một người là tôi, còn một người là anh Trần Mạnh Thao quê ở xã Đồng Hóa, nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101.
 
Sau chiến tranh, Trần Mạnh Thao trở thành em rể của anh, bởi vậy, sau hòa bình, anh đã nhiều lần về thăm Tuyên Hóa, thăm chúng tôi. Có lần, anh đã dành thời gian nói chuyện với cán bộ cốt cán huyện và học sinh Trường cấp 3 Tuyên Hóa, để lại ấn tượng tốt đẹp cho nhiều người…
 
Tôi và Lê Duy Ứng cùng là lính sinh viên, nhưng Ứng hơn tôi 1 tuổi. Tôi là sinh viên đại học Thuỷ lợi, khi vừa học xong năm thứ 4 thì tình nguyện lên đường đánh Mỹ (9-1970), còn Lê Duy Ứng sinh viên năm 3 đại học Mỹ thuật, cũng vào bộ đội. Có điều Ứng đi sau tôi một năm (9-1971). Chúng tôi cùng Trung đoàn 101, cùng vào chiến trường Quảng Trị năm 1972, khi đó tôi là lính thông tin ở Đại đội 18, còn Ứng là lính trinh sát của Tiểu đoàn 2, nhưng không biết nhau. 
 Tác giả và Anh hùng LLVT Lê Duy Ứng tại phòng trưng bày tranh tượng.
Tác giả và Anh hùng LLVT Lê Duy Ứng tại phòng trưng bày tranh tượng.
Tháng 4 năm 1972, Ứng được điều lên Ban Chính trị Trung đoàn, còn tôi sau khi chiến dịch “81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị” sắp kết thúc mới được điều lên cơ quan với anh, lúc đó mới biết nhau, lại cùng quê Quảng Bình với nhau nên rất thân nhau.
 
Thời kỳ công tác ở Ban Chính trị Trung đoàn 101, tôi với anh có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tôi còn nhớ cuối năm 1972, trong điều kiện chiến trường thiếu thốn mọi bề 2 anh em được cơ quan cử đi thị trấn Đông Hà tìm giấy để về làm việc. Mặc cho trời nắng, máy bay địch quần đảo, pháo ngoài biển thỉnh thoảng lại bắn vào thị trấn và dọc tuyến đường 9, nhưng 2 anh em vẫn cứ đi hết nhà này đến nhà khác suốt cả một ngày ròng rã để lục tìm trong các đống hoang tàn đổ nát nhặt giấy về tận dụng cho công tác.
 
Cuối cùng thì chúng tôi cũng nhặt được mỗi người một ba lô giấy đủ loại để mang về cho cơ quan dùng. Có lần vào đầu 1973 sau khi Hiệp định Pa-ri đã ký kết, tôi với anh đi bằng thuyền máy lên hậu cứ Sư đoàn ở Cùa (Cam Lộ) để nhận hàng câu lạc bộ cho đơn vị, dọc đường thuyền máy bị trục trặc sửa đi sửa lại nhiều lần, nên  nhịn đói mãi đến 12 giờ đêm mới về đến đơn vị…  
 
Năm 1997 sau khi mắt anh đã chữa sáng lại, khi tôi đã chuyển ngành về công tác ở huyện, anh về thăm huyện và thăm tôi. Lần này tôi dẫn anh về thăm gia đình anh Trần Mạnh Thao tại thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hoá. Hôm đó gặp nhau lần đầu sau chiến tranh nên 3 anh em đã thức trọn một đêm dưới ánh trăng vàng của miền sơn cước để hàn huyên tâm sự với nhau. Anh kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện nhưng có lẽ câu chuyện ấn tượng nhất làm tôi nhớ mãi đến bây giờ là chuyện anh bị thương trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và tình yêu của chị Trần Thị Lê, một người con gái Hà Nội đã dành cho anh khi biết tin anh đã bị thương hỏng cả hai mắt.
 
…Tháng 3 năm 1973 anh được điều lên Ban Tuyên huấn Sư đoàn 325, rồi cuối năm 1974 lên Phòng Tuyên huấn Quân đoàn 2. Từ đó 2 anh em không có điều kiện để gặp lại nhau. Có điều tôi và anh đều vinh dự được tham gia cuộc Tổng tấn công nổi dậy mùa xuân 1975, cùng đơn vị giải phóng Huế, Đà Nẵng, Phan Rang… đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi đi theo đội hình cánh đông, anh cũng vậy nhưng lại ở mũi tấn công khác.
 
Ngày 27-4, Trung đoàn chúng tôi đánh chiếm xong quận lỵ Long Thành (Đồng Nai), ngày 28-4 Trung đoàn 46 giải phóng quận lỵ Nhơn Trạch, cả đội hình cánh đông ở phía đơn vị chúng tôi đang dừng lại chuẩn bị vượt sông Đồng Nai để tiến về Sài Gòn theo đường quốc lộ 25. Lúc này Ứng đang đi với mũi nhọn của cánh pháo binh để làm nhiệm vụ của phóng viên mặt trận. Trong khí thế ra quân hừng hực “Thần tốc, táo bạo, quyết chiến, quyết thắng” của quân ta, anh đang dồn cả tâm huyết ghi lại các trận chiến đấu trên đường tiến quân bằng máy ảnh và bút vẽ ký hoạ thì được Thủ trưởng Quân đoàn giao nhiệm vụ đi với xe tăng 847 của Lữ đoàn 203 để tiến vào Sài Gòn.
 
Khi xe tăng đang cùng bộ binh tiến vào đột kích giải phóng căn cứ Nước Trong để tiến về xa lộ Biên Hoà đánh thẳng vào Dinh Độc Lập thì anh bị thương vào 2 mắt trên tháp xe tăng. Lúc đó anh ngất đi, khi tỉnh lại anh đã nhớ đến Bác Hồ và lấy máu ở 2 mắt mình vẽ nên chân dung Bác Hồ với tựa đề “Ánh sáng niềm tin-con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân” rồi tiếp tục ngất lịm đi… Sau đó đồng đội tưởng anh hy sinh nên đã đào huyệt để mai táng anh thì vừa lúc anh tỉnh dậy gọi to… Rồi anh được chuyển ra điều trị ở Bệnh viện Nha Trang. Một thời sau thì chuyển ra Viện Quân y 108 để điều trị…
 
Thời gian nằm điều trị ở bệnh viện, lúc đầu Ứng cảm thấy rất chán nản vì đã hỏng mất đôi mắt-cửa sổ tâm hồn. Đã có những lúc anh gần như tuyệt vọng không muốn làm gì, không muốn báo tin cho chị Lê người yêu biết vì chỉ sợ Lê kinh hoàng khi biết tin anh bị thương vào 2 mắt không nhìn thấy gì nữa. Nhưng rồi anh đã tìm lại được niềm tin nhờ sự động viên của đồng đội và những người thân, đặc biệt chị Trần Thị Lê sau này là vợ anh. Với nghị lực của mình anh đã tìm lại nguồn sáng trong đôi bàn tay tài ba của mình.
 
Lúc này anh không vẽ nữa mà chuyển sang tập trung vào việc học nặn tượng. Một hôm anh đang ngồi nặn tượng ngoài hiên thì Lê-người yêu anh (nghe bạn anh báo tin) đến thăm. Biết được Lê đến thăm, anh bối rối, lúng túng và bất ngờ, còn Lê thì quá sững sờ xúc động, im lặng, những giọt nước mắt của cô đã lăn dài trên má…Lê không nói nhiều, nhưng qua lần gặp nhau này Ứng đã biết Lê vẫn yêu anh, xoá đi những mặc cảm tự ti bấy lâu nay của anh. Bây giờ Lê đến thăm anh ngoài việc động viên anh, Lê còn tự nguyện chia ánh sáng cho anh…
 
Và rồi sự hy sinh mất mát của Ứng đã được Lê và gia đình Lê bù đắp, ai cũng muốn chia ánh sáng cho anh, ai cũng vun vào cho tình yêu hạnh phúc của họ... Rồi niềm vui đã đến, cuối năm 1976 đám cưới của 2 anh chị đã được tổ chức tại Hà Nội.
 
Có vợ rồi, được sự quan tâm động viên, giúp đỡ của người vợ thân yêu, gia đình và đồng đội anh lại say mê, miệt mài sáng tác tượng mặc dầu mắt không nhìn thấy. Anh đã nặn xong bức tượng Bác Hồ cỡ lớn đầu tiên và đem tặng cho quê hương Quảng Bình vào năm 1976. Sau đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp anh động viên: “Nhạc sỹ Bét-to-ven bị điếc không nghe được nữa thế mà ông vẫn sáng tác nhiều bản nhạc hay.
 
Đồng chí là nhà hoạ sỹ, là nhà điêu khắc bị thương hỏng mắt không nhìn được nhưng đồng chí vẫn tiếp tục làm nghệ thuật. Tôi tin đồng chí vẫn sáng tác được nhiều tác phẩm đẹp và có giá trị hơn nữa…” Lời động viên của Đại tướng làm anh nhớ mãi và như tiếp thêm sức mạnh cho anh trong sáng tác. Anh cảm thấy vui vì cuộc đời còn có ý nghĩa.
 
Tháng 10 năm 1982, Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Trọng Nhân, Viện phó Viện mắt Trung ương đã ghép giác mạc thành công cho anh, trả lại ánh sáng cuộc đời cho mắt anh tuy chỉ được 5/10(lúc này một mắt trái của anh được chữa còn mắt phải vĩnh viễn bị mù). Có ánh sáng anh lại lao vào sáng tác vẽ tranh, làm tượng về đề tài chiến tranh cách mạng với tất cả niềm đam mê đầy nghị lực và quyết tâm, quên cả ngày tháng, giờ giấc…
 
Năm 2007 tôi có dịp đi công tác Hà Nội ghé thăm anh tại nhà riêng, cả nhà anh chụp ảnh với tôi. Trong câu chuyện tôi mới biết, mắt anh sáng chỉ được một thời gian, đến năm 2005 lại mù trở lại. Năm 2006 anh lại tiếp tục được Nhà nước tạo điều kiện cho đi chữa mắt ở Nhật Bản và lại được sáng lại. Khi nghe anh hỏi chuyện về quê hương, tôi có kể cho anh biết, huyện đang xây dựng nhà truyền thống. Biết vậy anh nói với tôi, mình sẽ tặng cho nhà truyền thống huyện một bức tượng chiến sỹ Trung đoàn 18.
 
Cứ tưởng anh nói đùa cho vui vậy thôi thế mà không ngờ lần này về thăm huyện (năm 2015) anh mang cả bức tượng người chiến sỹ bằng chất liệu compidít, cao gần 1m do anh sáng tác mang tựa đề: “Lời thề ngày thành lập” để tặng cho nhà truyền thống huyện. Bức tượng là biểu tượng của Trung đoàn 18, đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh Quảng Bình được thành lập ngày 24-4-1949 tại làng Còi, xã Đồng Hoá (Tuyên Hoá).
 
Trong lần gặp này, anh cho tôi biết do vết thương tái phát đến nay mắt anh không còn nhìn thấy, chỉ còn phân biệt được tối sáng. Nhưng điều đáng mừng là 2 đứa con anh (một gái, một trai) bây giờ đã trưởng thành. Cháu đầu Lê Đông Hà hiện là phóng viên của Báo Quân đội nhân dân, cháu thứ 2 Lê Thu Hà là hoạ sỹ công tác ở Báo Nhân dân. Đến thời điểm mắt bị mù trở lại, gia tài hội họa của anh đã có trên 3.000 bức tranh (trong đó có hơn 1.000 bức vẽ về Bác Hồ) và gần 200 tác phẩm điêu khắc.
 
Tính đến nay anh đã có gần 50 cuộc triển lãm về tranh tượng cả 3 miền đất nước và ở nước ngoài, đã giành được 9 giải thưởng trong nước và quốc tế. Triển lãm tranh tượng của anh đã gây ấn tượng tốt đẹp, làm xúc động hàng triệu người trong nước và nước ngoài, báo chí trong nước và nước ngoài đều ca ngợi. Điều rất vinh dự nữa đã đến với anh, tháng 10 năm 2013, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho anh.
 
Hôm biết tin này anh đã làm bài thơ có tựa đề: “ Cảm xúc”, anh đã đọc cho tôi nghe, tôi nhớ mãi mấy câu đầu: “Hay tin danh hiệu Anh hùng/Lặng đi khoảnh khắc tưởng dừng nhịp tim/Biết bao đồng đội hy sinh/Để vun thành tích cho mình hôm nay…”.
 
…Chia tay anh ở sân ga Đồng Lê vào một buổi chiều dưới cái nắng vàng dịu mát của những ngày cuối đông, người bạn tôi dắt anh lên tàu, nhìn cái dáng anh mang ba lô đi dò dẫm từng bước mà tôi lại chạnh lòng thương anh, thầm cảm phục anh, một người bạn, người đồng chí, người nghệ sỹ tài năng, tâm huyết đã dũng cảm vượt qua được tật nguyền để đem lại hạnh phúc cho mình và niềm kiêu hãnh cho gia đình, cho quê hương, đất nước. 
 
                                                                                 Hồ Duy Thiện