Cái thời nhà báo đi làm lúa

  • 09:23 | Chủ Nhật, 21/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, tôi thường dặn vợ con rằng, cơm thừa, nếu không thể “bảo lưu”qua bữa sau thì cũng đừng đổ thùng rác. Tội! Dân ta thường bảo thế. Vì sao? Chuyện hơi dài, xin nhẩn nha kể.
 
Giữa năm 1978, tôi từ Hà Nội về nhận việc ở Đài Phát thanh Bình-Trị-Thiên đóng ở 19 Lê Lợi, chân cầu Trường Tiền (Huế) gặp lúc cả nước cơ hàn. Tiêu chuẩn mỗi tháng 5 cân gạo và 8 cân sắn lát. Khi mới nhận việc, tôi đã nghe kể về chuyện các đơn vị hành chính của tỉnh (Bình Trị Thiên) đã tổ chức đi trồng sắn ở đâu đó nhưng hoàn toàn thất bại. Rồi tới lúc đài tổ chức làm lúa. Khu vực phố xá trước cung An Định bây giờ, ngày ấy là một cánh đồng nhỏ vuông vắn chừng 600 mét mỗi cạnh, giữa có một cây ăng-ten của đài phát sóng chế độ cũ, mặc nhiên được đài quản lý... trồng lúa. Dân gian lưu lại câu ca dao:
 
"Tôm càng bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già"
 
Chẳng hiểu có phải gạo từ cánh đồng này không? Lại nghe, gạo An Cựu ngày trước để tiến vua. Bây giờ, không còn vua, chúng tôi thì đang đói, hẵng cứ tự “tiến mình” đã. Thực sự, trồng lúa ở đây năng suất cao lắm. Anh Hảo học ở Đức về có xe máy hiệu Simson chuyên chạy vật tư giống má, phân bón. Việc cấy lúa thì trông nhờ chị em phụ nữ, vụ gặt thì cánh đàn ông ra tay.
 
Cái sự gặt hồi ấy có giao lưu văn hóa hai miền: Người quê Bắc gặt lúa bằng hái, quê Nam thì sử dụng vằng, múa may rất điệu nghệ. Tôi, quê lúa Lệ Thủy cũng được dịp trổ tài, bó lúa trăm bó như một khiến chị em lác mắt. Lúa gặt về rải đầy sân 19 Lê Lợi cho xe zep chạy tới chạy lui thay trục đạp. Tài xế đi vắng. Tôi nổi máu yêng hùng, ra vẻ ta đây từng lái xe tăng tham chiến, sá chi cái xe hơi nhỏ bé! Nhưng, lái xe zep chạy trục lúa còn khó hơn cả xe tăng đánh nhau trên cát. Xe zep lại nhẹ, chạy "văng xê” xuýt tông phải người đang trở lúa.
 
Vậy, các bạn làm báo hôm nay có thể hỏi rằng, đài bỏ việc đi làm lúa thì chương trình tính sao? Không sao! Nhà đài khoán cho phóng viên mỗi tháng phải được phát “3 bài, 8 tin”, tự lo cho đủ. Thiếu, thì chẻ tin, chầy tư liệu. Chuyện nhỏ! Đi làm lúa tính công sá chia thóc như hợp tác xã nông nghiệp.
 
Cánh đồng ngang dọc 600 mét ấy có cả “đầu thừa đuôi thẹo”, nhà đài bèn chia cho cán bộ trồng rau muống. Tôi, độc thân, cũng được vài chục mét vuông. Kinh tế “tư bản chủ nghĩa” được dịp phát triển. Tôi không trồng muống mà vẫn cấy lúa, tốt bời bời. Kỳ thu hoạch, tình cờ có một nữ sinh tên Dung người Nghệ Tĩnh cùng tôi gặt, đập, phơi. Trưa, sẵn gạo mới và cá bắt được khi gặt lúa, hai chúng tôi được bữa ngon. Không bao giờ tôi quên gương mặt đẫm mồ hôi của cô sinh viên Văn khoa xinh đẹp. Dung! Giờ này em ở đâu? Có nhớ bữa “cá tươi cơm mới” trong căn nhà 41 Hùng Vương cách nay bốn mươi năm không?!
 
Các bạn đồng nghiệp tin được không? Sẵn gạo mới và cá đồng, tôi nghĩ cách “bới” ra kinh đô cho... người yêu. Vợ tôi, hồi ấy đang học nghiệp vụ phát hành sách ở Trường đại học Văn hóa Hà Nội. Ấy thế mà tôi làm được. Thóc gặp ngày hè khô nỏ, xay xát ngay. Cá lóc (mô hình cá lúa) tôi thả trong chậu qua đêm, kho mặn, ra ga mua vé rồi...lai kinh.
                                                        *
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Cuộc sống quá nhiều đổi thay, từ “văn minh xe đạp” tiến thẳng lên “văn minh xe hơi”. Bây giờ, sau bữa ăn, cơm thừa trắng xóa. Mỗi ngày thường để ý sọt rác, nếu thấy có cơm thừa vô tình bị đổ vào đấy, tôi dùng tay bốc trở lại vào thùng thức ăn thừa để bón vào gốc cây. Hạt cơm là hạt ngọc của trời...
 
 Nguyễn Thế Tường