Nồng nàn vị biển

  • 08:14 | Thứ Ba, 26/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mỗi khi ai đó hỏi tôi rằng: "Đặc sản quê bạn là gì?", tôi đều tự hào trả lời: “Biển xanh và cát trắng”, bởi lẽ tôi yêu biển, yêu những triền cát dài trắng xóa cũng những con người làng biển có làn da rám nắng, nụ cười hồn hậu và cả giọng nói nằng nặng, mặn như vị biển.
 
1. Tôi từng băn khoăn đi tìm ý nghĩa của tên biển, tên sông “Nhật Lệ” một phần của thành phố Đồng Hới hoa hồng. Trong nhiều cách cắt nghĩa, tôi chọn cách dễ hiểu nhất rằng, “nhật” nghĩa là ngày, “lệ” nghĩa là “đẹp” vì thiên nhiên đã kiến tạo cho nơi đây một vẻ đẹp hiếm thấy và cùng với bàn tay xây dựng của con người mà ngày nay, trên đôi bờ Nhật Lệ hiện diện một đô thị trẻ đẹp lung linh…
 
Mẹ thiên nhiên ban tặng cho biển Nhật Lệ bãi cát trắng, mịn, hòa với dòng nước trong xanh tạo nên một vùng trời mây, sông, nước… tuyệt mỹ. Mỗi khi lòng không vui, tôi thường chạy ra biển để được sóng vỗ về rồi hít một hơi thật dài đón luồng khí trong lành vào lồng ngực và ngắm nhìn cảnh hùng vỹ của núi Đầu Mâu, núi Ba Rền gối đầu lên dòng sông thơ mộng khi ánh dương vừa khuất sau dãy núi Trường Sơn...
 
Lúc ấy, bao mệt mỏi, buồn phiền nhanh chóng tan vào hư vô. Đẹp, thơ mộng nên Nhật Lệ từ lâu đã đi vào thơ ca của không ít thi sỹ. Đại thi hào Nguyễn Du khi làm cai bạ ở Quảng Bình (1809-1813), đứng trước cảnh đẹp của cửa Nhật Lệ đã trào dâng cảm xúc: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa." 
Đá Nhảy một ngày hè.
Đá Nhảy một ngày hè.
Nếu vẻ đẹp của Nhật Lệ là nước xanh màu ngọc, bãi cát cứng, mịn có thể đạp xe trên ấy thì biển Đá Nhảy nằm dưới chân đèo Lý Hòa (Bố Trạch) lại có sức quyến rũ du khách bởi những núi đá, cột đá to nhỏ, cao thấp với trăm hình, nghìn vẻ đùa giỡn với sóng nước… Đá Nhảy là nơi núi liền với biển, tạo nên bức tranh “non xanh, nước biếc”, vẫn giữ được vẹn nguyên dáng vẻ hoang sơ, bí ẩn với từng khối đá núi được bào mòn theo thời gian, tạo nên sự hòa quyện dịu dàng giữa vẻ đẹp oai hùng, kỳ vĩ của đá núi, cùng nét quyến rũ của biển.
 
Từ trên cao nhìn xuống, danh thắng Đá Nhảy giống như một bức tranh thiên nhiên với muôn vàn núi đá có hình thù kỳ thú. Tảng lớn tựa trâu nằm, voi phục, những hòn đá nhỏ lại trông giống cóc nhảy trên đầu sóng. Và cái tên gọi Đá Nhảy như một dấu ấn riêng của bãi biển này, là một điểm quyến rũ khó bỏ qua dành cho ai đang và sẽ có ý định du lịch Quảng Bình.
 
Các bãi biển khác có tên gọi gắn liền với tên đất, tên làng như biển Quang Phú, Bảo Ninh (Đồng Hới), Cảnh Dương, Quảng Phú (Quảng Trạch), Hải Ninh (Quảng Ninh), Đức Trạch (Bố Trạch)… và biển Vũng Chùa-Đảo Yến (Quảng Đông, Quảng Trạch) nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên giấc ngàn thu cũng mang những vẻ đẹp riêng.
 
Người dân quê tôi thường ví von mùa hạ là mùa biển gọi, bởi biển luôn được đón từng tốp người ngay từ sáng sớm tinh mơ. Cả khi màn đêm buông xuống, biển vẫn đẹp lung linh bởi ánh đèn chấp chới từ các con thuyền đánh cá lửng lờ trôi trên mặt nước và từng bóng người thong thả dạo bộ, từng đôi trai gái hẹn hò, tâm sự, gửi gắm yêu thương…
 
2. Tôi vẫn luôn tự hào khoe với bạn bè rằng, quê tôi có nhiều bãi biển mà biển nào cũng đẹp, cũng có nét riêng. Biển không chỉ là nơi check-in thú vị miễn phí cho khách du lịch và người dân mà còn là nơi cung cấp cho người dân quê nguồn hải sản phong phú. Mùa biển gọi đẹp nhất thường vào độ giữa tháng tư đến đến tháng tám. Người ta đến với biển không chỉ để thỏa sức tắm táp, vẫy vùng cùng sóng biển, mà còn là dịp để thưởng thức nhiều hải sản tươi ngon, đậm đà hương vị riêng của vùng biển Quảng Bình.
 
Buổi sáng ngày hè tại các làng chài vùng biển luôn nhộn nhịp. Các chủ tàu thuyền vừa cập bến đã có rất đông người đợi sẵn để chọn mua các loại hải sản tươi ngon, chất lượng. Từng chiếc nón trắng nhấp nhô, tiếng chào mời, hỏi han nhau về tình hình sức khỏe, chuyện làm ăn, chuyện con cái học hành… và cả những nụ cười tươi rói của các mẹ, các chị làm xôn xao cả một góc trời.
 
Chỗ này rì rầm khen mực đợt này tươi, con to, thịt dày, chỗ khác khoe cá nục, cá mú to, chắc thịt… Nhiều chị có hẹn với tàu quen cứ đi tới, đi lui, ra tận mép nước ngóng thuyền rồi lại tất tả vào bờ chờ đợi. Đa số là chỗ quen biết, tin tưởng nhau nên việc bán, mua diễn ra rất thuận lợi, không mất nhiều thời gian trả giá. Tiếng cười nói lao xao của người mua, kẻ bán lẫn trong tiếng sóng và vị biển mặn mòi.
 
3. Chợ hải sản mà người dân quen gọi là chợ cá luôn là khu vực sôi động nhất ở các chợ quê, chợ phố như chợ Đồng Hới (T.P Đồng Hới), chợ Ba Đồn, chợ Họa (thị xã Ba Đồn), chợ Hoàn Lão (Bố Trạch)… Vào lúc sáng sớm hoặc tầm 5 giờ chiều là khoảng thời gian chợ cá diễn ra nhộn nhịp nhất. Nhìn những mẻ hải sản từ mực ống, mực nang, tôm hùm, cá mú, cá ong, cá ngừ, ngao, sò... được đưa vào bờ, thấy vui mắt đến lạ.
 
Không ít lần, tôi đến chợ cá chỉ để say sưa ngắm nhìn mắt cá trong veo, lưng cá lấp lánh những vệt trắng xanh ánh nước, tôm thi nhau quẫy, mực nang như còn ngái ngủ trong chậu nước được lấy lên từ biển. Những chủ hàng hải sản chân tay cứ thoăn thoát để chuyển hải sản tàu, thuyền vào bờ, miệng nở nụ cười chào mời khách mua đang đợi sẵn. Và nữa, họ cẩn thận bưng bê từng rổ cá, tôm để chúng không bị trầy xước như một cách thể hiện tình yêu với biển, với những nguồn lợi quý hiếm mà biển mang lại cho họ trong cuộc mưu sinh.
 
Cá, tôm Nhật Lệ đã được nhạc sỹ An Thuyên đưa vào âm nhạc với những ca từ mộc mạc, giai điệu nhẹ nhàng, đằm thắm nhưng “mặn” như vị biển bởi những thanh âm chỉ người làng biển mới có. "Em vít cong cần rớ/Vớt  cá tươi lên bờ/Bao nhiêu tiền một mớ/Em bán tôi mua cho/Chừ tôi về Đồng Hới/Cá còn tươi đến thẫn thờ/Em xa rồi còn nhớ/Chàng trai mua cá ngày xưa..." (Ngạn ngữ sông quê). Và tôi tin rằng, sự tươi nguyên đến "thẫn thờ" của hải sản sông nước quê nhà và cả cảnh mua bán tấp nập, tiếng cười giòn tan, ngọn nồm lồng lộng... sẽ níu chân ai đó như lời bài hát của nhạc sĩ An Thuyên: "Tiếc cái duyên em Nhật Lệ/Tôi giờ mong là ngày xưa/Cứ đứng yên với Nhật Lệ/Mua được cá em tôi mới về" (Ngạn ngữ sông quê).
 
                                                                               Nh.V