Những "nghệ sỹ chân đất" miền sơn cước

  • 07:53 | Chủ Nhật, 24/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chẳng chờ được vinh danh, hàng chục năm qua, những nghệ nhân xuất thân từ nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn ở huyện miền núi Minh Hóa vẫn miệt mài say mê với những làn điệu dân ca "quê mình”, lặng thầm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của quê hương…
 
“Giữ lửa” nghệ thuật hát nhà trò
 
Con đường bê tông phẳng lì đưa chúng tôi về làng Kim Bảng (xã Minh Hóa), một làng quê thanh bình nép mình dưới chân ngọn lèn Cây Quýt. Kim Bảng nổi tiếng không chỉ là một làng quê cách mạng (nơi diễn ra sự kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ 2 vào ngày 19-5-1949), mà còn bởi người dân nơi đây yêu văn nghệ dân gian, đặc biệt là nghệ thuật hát nhà trò đến đắm đuối.
 
Cuộc sống ở nông thôn, người nông dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhưng không vì thế mà tình yêu với văn hóa dân gian của người dân làng Kim Bảng bị mai một. Để xua tan những buổi lao động đồng áng mệt nhọc, người nông dân Kim Bảng đã tụ tập lại, thành lập CLB hát dân ca để cùng nhau thỏa lòng với tình yêu nghệ thuật dân gian.
 Nghệ nhân Đinh Lâm Trường biểu diễn đàn ống, một nhạc cụ truyền thống của người Minh Hóa.
Nghệ nhân Đinh Lâm Trường biểu diễn đàn ống, một nhạc cụ truyền thống của người Minh Hóa.
Ai đã từng gặp gỡ hoặc nghe những “nghệ sỹ chân đất” của làng Kim Bảng hát nhà trò, hẳn sẽ chẳng bao giờ quên được điệu múa uyển chuyển, cùng tiếng hát trầm bổng mà dặt dìu đến lạ. Chúng tôi cứ ấn tượng mãi với màn biểu diễn “ngẫu hứng” của nghệ nhân Cao Thị Bương, khi được gặp bà trong một buổi chiều không hẹn trước. Xuất thân trong một gia đình nông dân, nhưng bà Bương có người cha là “kép” chính trong gánh hát nhà trò ngày xưa của làng Kim Bảng. Từ nhỏ, bà đã được người cha truyền dạy cho từng lời ca, nhịp phách. Và rồi, sau những lần được theo cha và chị đi biểu diễn, tình yêu đối với nghệ thuật hát nhà trò đã ngày càng ngấm sâu vào máu thịt của bà cho đến tận bây giờ.
 
“Tôi có cái may mắn là được góp mặt ngay từ những ngày đầu thành lập CLB. Chúng tôi yêu môn nghệ thuật hát nhà trò, yêu đến độ quên ăn để tập hát, tập múa. Để thỏa lòng đam mê, từ năm 2009, chúng tôi đã đứng ra thành lập CLB. Đến nay, CLB vẫn duy trì tập luyện và biểu diễn thường xuyên. Điều đáng mừng là trong CLB của chúng tôi không chỉ có thế hệ già mà còn có những người rất trẻ, trong đó có cả những em học sinh. Nhiều tài năng được phát hiện, trở thành “hạt nhân” trong tất cả các hoạt động văn hóa của làng, xã, huyện. Mỗi dịp Tết đến, xuân về hay Hội Rằm tháng ba truyền thống, điệu hát nhà trò lại có dịp vang lên, ai cũng cảm thấy hạnh phúc, ấm áp...”, bà Bương tâm sự.
 
Say mê chế tác nhạc cụ truyền thống
 
Ngồi trước mặt chúng tôi là nghệ nhân dân gian Đinh Văn Đống ở thôn Yên Định, xã Yên Hóa. Ở cái tuổi 70, ông Đống vẫn lịch lãm, tinh anh, hát hay, đàn giỏi và đặc biệt, ông được xem là người duy nhất ở huyện Minh Hóa làm được cây đàn đáy. Nhắc đến đàn đáy, ông Đống như sống lại ký ức của một thời tuổi trẻ sôi nổi, đầy nhiệt huyết mà tình yêu của ông dành cho nó từ lâu đã thấm sâu vào máu thịt.
 
Theo lời ông Đống, gia đình ông có nhiều đời giữ vai trò là “kép” chính cho các gánh hát nhà trò nổi tiếng ở vùng đất 2 tổng Cơ Sa và Kim Linh (Minh Hóa xưa). Sinh ra và lớn lên trong "cái nôi" có nhiều thế hệ theo nghiệp “cầm ca”, nên ông Đống cũng sớm trở thành “kép” chính trong gánh hát của làng.
 
Theo lời ông Đống, tuy gia đình ông có nhiều thế hệ là “kép” chính trong các gánh hát trước đây, nhưng chỉ có ông là người duy nhất làm được cây đàn đáy. “Cũng vì cái khó mà ló cái khôn thôi. Đó là vào khoảng năm 1968, cây đàn đáy duy nhất của gánh hát làng tôi bị hỏng. Ngày đó, chiến tranh ác liệt, việc mua lại một cây đàn đáy mới còn khó hơn… lên trời! Thế là tôi đưa cái đàn đáy bị hỏng ra sửa nhưng sửa mãi không được vì cây đàn đã hỏng quá nặng.
 
Sửa không được nên tôi quyết định tự tay làm một cây đàn mới. Sau khi đã “nghiên cứu” cây đàn cũ, tôi bắt đầu tìm gỗ, sắm cưa, đục để làm đàn. Sau nhiều lần phá đi làm lại, chiếc đàn đáy đầu tiên do chính tay tôi làm cũng được hoàn thành sau hơn 3 tháng miệt mài.”, ông Đống kể.
 
Trong khi nghệ nhân Đinh Văn Đống chăm chỉ làm đàn đáy thì nghệ nhân Đinh Lâm Trường, ở khu phố 3 (thị trấn Quy Đạt) say mê chế tác cây đàn ống, một loại nhạc cụ truyền thống riêng có của người Minh Hóa. Đàn ống được làm từ ống nứa, có 2 dây. Dây đàn ống được làm từ dây tơ tằm hoặc dây kim linh (1 loại dây rừng). Đây là loại đàn dây có vĩ kéo (violes), âm vực thấp, phù hợp dùng với các làn điệu dân ca Minh Hóa như: hát đúm, hát ví, hò thuốc cá…
 
Hàng chục năm qua, đã có hàng trăm chiếc đàn đáy, đàn ống được ra đời qua bàn tay chế tác của 2 nghệ nhân Đinh Văn Đống và Đinh Lâm Trường. Nhưng 2 ông làm đàn không phải để mưu sinh mà chủ yếu thỏa mãn niềm đam mê và để bảo tồn vốn văn hóa truyền thống quý báu của cha ông để lại...
 
Khát vọng bảo tồn
 
Có thể khẳng định rằng, những hoạt động miệt mài của các nghệ nhân, các CLB dân ca ở huyện Minh Hóa không chỉ làm cho sức sống văn hóa ở các làng quê luôn sôi động mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa quý giá của quê hương, đất nước. Đồng thời, việc ra đời các CLB dân ca ở các làng, xã và tổ chức hoạt động, giao lưu thường xuyên đã làm cho văn hóa dân gian ở huyện Minh Hóa ngày càng được bồi đắp, truyền nối và tỏa sáng.
 
Chia sẻ với chúng tôi, ông Cao Hữu Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Minh Hóa cho rằng: “Ở các CLB dân ca, người già truyền dạy cho người trẻ, người trẻ biết phát huy đã nối dài sức sống của các làn điệu dân ca quê hương. Người dân Minh Hóa yêu quê hương và đối với họ, các làn điệu dân ca quê mình luôn là "món ăn tinh thần" không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày.”
 Thế hệ trẻ Minh Hóa hăng hái tham gia các lớp tập huấn đàn và hát dân ca do các nghệ nhân trao truyền.
Thế hệ trẻ Minh Hóa hăng hái tham gia các lớp tập huấn đàn và hát dân ca do các nghệ nhân trao truyền.
Đồng quan điểm ấy, ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa khẳng định: “Vì yêu quê hương, yêu những làn điệu dân ca truyền thống mà thời gian qua, với sự giúp đỡ của các ban, ngành của huyện, nhiều CLB dân ca ở các thôn, xã trên địa bàn huyện đã được thành lập bởi những “hạt nhân” là các nghệ nhân dân gian. Sinh hoạt CLB, các nghệ nhân đồng thời cũng tham gia mở lớp chuyển giao, truyền dạy các làn điệu dân ca Minh Hóa như hò thuốc, hát đúm, ví…cho thế hệ trẻ; qua đó, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.”
 
Bây giờ, đi dọc các làng quê ở Minh Hóa, vào các dịp Tết đến, xuân về, hay Hội Rằm tháng ba truyền thống, du khách chắc chắn khó rời chân, bởi quà quê là các làn điệu dân gian dân dã, riêng có. Tiếng hát, tiếng đàn đã góp vào không khí tươi mới những làn điệu thiết tha. Họ-những "nghệ sỹ chân đất” đến với sân khấu văn hóa dân gian bằng tâm thế của tình yêu và khát vọng bảo tồn vốn quý nghệ thuật dân gian mà cha ông đã để lại.
 
Phan Phương