Những bến đò xưa

  • 10:22 | Chủ Nhật, 24/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bao bến đò ngang trên những dòng sông đã đi vào quá vãng bởi sứ mạng vượt sông đã trao cho những cây cầu. Ai đã từng gắn bó với dòng sông quê hương mà chẳng có lúc bồi hồi nhớ lại những bến đò xưa…
 
Dòng Kiến Giang ở Lệ Thủy, từ thượng nguồn đến xã Phong Thủy rẽ làm hai nhánh, tạo nên một ngã ba sông thoáng rộng với một Mũi Viết kiêu sa. Vùng ngã ba sông này là nguồn cảm hứng cho nhiều thi nhân xa gần. Có lẽ bài hát của Xuân Lê in đậm trong ký ức tuổi thơ nhiều người thế hệ đánh Mỹ từng gắn bó với dòng Kiến Giang: “Chiều hôm ấy bên bờ sông Kiến Giang anh đón em về/Trăng vờn nước…”
 
Nhưng dù có đẹp, nên thơ đi chăng nữa thì ngã ba sông tạo nên sự cách trở bên này, bên kia. Bên này Phong Thủy là cơ quan huyện đóng, bên kia đối diện là chợ Tréo, còn phía tả sông là một xã Xuân Thủy trù phú… Cách sông nên phải lụy đò, nơi đây có đến ba bến đò ngang hình thành từ xa xưa…
 
Năm ấy, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc bước vào giai đoạn khốc liệt, một trong ba bến đò ngang ngã ba sông Kiến Giang chuyển đến làng Xuân Lai, xã Xuân Thủy… Theo ông Hoàng Văn Yết (85 tuổi) ở thôn Xuân Lai, thì bến đò chuyển về đây năm 1966.
 Sông Kiến Giang mùa đua bơi.
Sông Kiến Giang mùa đua bơi.
Bọn trẻ chúng tôi thì chẳng bận tâm lắm về con đò qua lại ở bến sông. Chỉ thấy hay hay khi đi tắm một mình dưới bến sông chẳng phải sợ…  ma rào. Nhưng với người lớn thì lại khác, họ hiểu thế là làng tôi, tất nhiên là cả làng đối diện, Thượng Phong, xã Phong Thủy lại phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập. Bởi bến đò là một trong những mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ lúc bấy giờ.
 
Trong những năm chiến tranh khốc liệt, mấy trận bom trút xuống làng tôi không phải ngẫu nhiên mà có thể là từ bến đò này… Chủ nhân của bến đò ngang là một ông già cụt chân. Đó là ông Vần. Ông chỉ có một chân, nhưng chèo đò rất sành điệu, lại có biệt tài bơi lặn. Những đâu có sự cố gì về sông nước là họ gọi ông đến. Ông luôn vui vẻ nhận giúp đỡ. Bến đò được lấy tên ông để đặt: bến đò ông Vần!
 
Đò ông Vần có lượng người qua lại ngày càng đông đúc. Đông bởi cư dân đôi bờ, thêm nữa, lúc này một số cơ quan của huyện đã sơ tán về làng Mai Hạ, làng liền kề với làng tôi. Nhà tôi Công an huyện mượn để làm hộ khẩu hộ tịch, đăng ký xe đạp. Ngày xưa, trước những năm bảy mươi, xe đạp được cơ quan công an quản lý, phải được đăng ký, có biển số xe, chuyển nhượng phải qua công an…Trường cấp 3 đóng ở làng Phan Xá, bên tả sông Kiến Giang, học sinh ở các xã hữu ngạn như: Phong Thủy, Lộc Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy… phải qua bến đò này để đến trường.
 
Chiếc đò ông Vần sử dụng để đưa khách qua sông không lớn lắm, trong những ngày mưa to gió lớn, khách qua đò đông thì quá nguy hiểm. Thế nhưng chưa có vụ việc nào để dẫn đến chết người trên bến sông quê tôi trong suốt cả chục năm trời tồn tại, ông Yết khẳng định như thế khi nói về vấn đề này. Ông Vần không phải người làng tôi. Nhà ông nghèo, cả nhà ông ở nhờ nhà ven sông. Nghèo nhưng ông tốt bụng, bộ đội, người làng tôi qua đò ông không lấy tiền…
 
Cuộc sống của gia đình ông cứ bình thản trôi đi như dòng nước trên bến sông này nếu không có sự kiện cầu Phong Xuân hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1978. Đây là cây cầu đầu tiên vượt Kiến Giang ở vùng giữa Lệ Thủy, mở đầu cho giai đoạn phá thế cách đò trở giang của vùng quê này. Và sự kiện trên cũng đã chấm hết một bến đò ngang trên dòng Kiến Giang.
 
Gần một thập kỷ sau, bến đò thứ hai là bến đò Cổ Liễu nối phía bắc hữu ngạn Kiến Giang với chợ Tréo cũng chấm dứt hoạt động khi cầu Phong Liên thông xe vào năm 1986.
 
Bến đò cuối cùng trong “bộ tam” phải nói lời từ biệt dòng sông là bến đò Chền, phía trên bến đò ông Vần độ hai cây số. Chền là tên gọi xa xưa, còn lớn lên tôi đã nghe đến tên gọi bến đò Quảng Cư xen lẫn Chền. Đây là bến đò nối vùng tả Kiến Giang với chợ Tréo, thôn Cổ Liễu, xã Liên Thủy, một chợ lớn bậc nhất ở Lệ Thủy, họp ven sông Kiến Giang. Chợ Tréo họp thường xuyên vào buổi sáng hàng ngày nhưng cũng đến xế bóng mới thật sự tan chợ.
 
Cả một Lệ Thủy trù phú “gạo trắng nước trong” đổ dồn về chợ này, không đông mới lạ. Ngày xưa, không chỉ trong huyện, người mua, kẻ bán từ huyện Quảng Ninh lên, trong Vĩnh Linh ra bán các sản vật của vùng đất đỏ như chè xanh, tiêu…. Tôi có mấy người bà con bên mẹ, nhà ở Hiền Ninh, dăm bữa, nửa tháng nhà lại có khách là những người bà con này đi chợ Tréo ghé chơi.
 
Khoảng năm 1963, lúc ấy độ chín, mười tuổi, tôi đã đi qua bến đò này để xem đá bóng ở sân bóng  đá Cổ Liễu. Ngay bến đò có một vài mẹt bán hàng hóa, chủ yếu là kẹo bánh địa phương. Tôi chỉ có mấy hào để mua mấy hạt bột lộc rán, bé bằng cái cúc áo, bỏ vào túi quần, thỉnh thoảng lấy ra nhai thấy beo béo, ngọt ngọt, dai dai. Là bến đò lớn nên bến sông cũng khang trang, rộng sạch, phía trên là một cái cổng chào to tướng. Tất nhiên “to tướng” trong con mắt tôi lúc đó và của làng quê những năm sáu mươi thế kỷ trước.
 
Chợ Tréo, bến đò Chền trải dài theo năm tháng, in dấu những thăng trầm của quê hương, ở đây xin được nhắc lại một sự kiện đã đi vào lịch sử. Năm 1937, sau khi ra tù từ Côn Đảo trở lại hoạt động xây dựng lại các cơ sở đảng trong khu vực, đồng chí Lê Duẩn đã đến làng Cổ Liễu, Liên Thủy, Lệ Thủy. Che chở, đùm bọc những "hạt giống đỏ" của Đảng chính là những người dân của làng quê bên sông này. 36 năm sau, tháng 2-1973, trên cương vị Bí thư thứ nhất Đảng ta, đồng chí Lê Duẩn đã về Lệ Thủy, đến thăm lại vùng đất và con người nghĩa tình với cách mạng những năm tháng xa xưa.(*)
 
Năm 2007, khánh thành cây cầu mang tên dòng Kiến Giang nối đôi bờ phía trên bến đò Chền độ trăm mét. Đây là cây cầu cuối cùng nơi ngã ba sông. Con đò dù với lớp phủ dày của thời gian cũng phải nói lời từ biệt dòng sông và cũng như bao bến đò khác, bến đò Chền nay chỉ còn là kỷ niệm.
 
Thời khắc nối đôi bờ của ba cây cầu là khác nhau nhưng đã tạo cú hích cực mạnh cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Và một đô thị mới giữa vùng sông nước thuở nào đang hiện dần vóc dáng. Nhưng dòng Kiến Giang đoạn qua vùng giữa còn đó những bến đò ngang. Một số nơi đã có giải pháp tình thế là bắc cầu phao. Nhưng dù là đò ngang hay cầu phao cũng đang “lỗi mốt” trong sự phát triển của vùng đất này.
 
Sẽ có những bến đò ngang nào tiếp theo từ biệt dòng sông này?
 
                                                                                                      Văn Hoàng
 
(*)Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy, tập 1,2 trang 67, 288.