Đọc "Xuân Hoàng tuyển tập"

  • 07:25 | Thứ Sáu, 22/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - NXB Hội Nhà văn vừa ra mắt "Xuân Hoàng tuyển tập". Tuyển tập được chia làm 3 phần. Phần thứ nhất (từ 1959-1975) gồm 41 bài thơ chọn lọc. Phần phần hai (từ 1976-1996) gồm 66 bài thơ chọn lọc. Phần ba: lược trích hồi ký "Âm vang thời chưa xa". Ngoài ra còn có Thơ-Bạn thơ-Viết về Xuân Hoàng gồm các bài viết và thơ của Chế Lan Viên, Mai Văn Hoan, Phan Ngọc Thu, Bửu Nam, Phan Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nhật Lệ.
 
Trang bìa cuốn
Trang bìa cuốn "Xuân Hoàng tuyển tập".
Tuyển tập đã cho người đọc hình dung một cách đầy đủ cuộc đời và thơ Xuân Hoàng. Anh sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Bình. Xuân Hoàng ở với quê hương mình từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, bám trụ ở đấy qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ đánh Pháp, đánh Mỹ - tận cho đến ngày nay. Bám trụ ở đấy, làm thơ về đấy (Chế Lan Viên). Có thể nói Xuân Hoàng đã hiến trọn tài năng, sức lực của mình cho quê hương Quảng Bình. Trên mảnh đất kiên cường và gan góc này hầu như ở đâu cũng in dấu chân ông.
 
Sự nghiệp sáng tác chủ yếu của Xuân Hoàng là thơ. Ngoài 17 tập thơ và trường ca đã xuất bản, ông còn cón vài trăm bài đang ở dạng bản thảo. Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, ở Liên khu 4, ông đã có "Trường ca Phú Trịch", "Du kích Sông Loan' và bài thơ "Qua Bố Trạch" chiếm được cảm tình của nhiều độc giả thời ấy. Thơ Xuân Hoàng đặc biệt khởi sắc trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.
 
Ông cùng với một số anh chị em văn nghệ sỹ Quảng Bình tiến hành nhiều chuyến đi thực tế dài ngày trên tuyến Trường Sơn, gặp gỡ, tìm hiểu cuộc sống chiến đấu của những chiến sỹ thanh niên xung phong mở đường và giữ đường. "Những tổ đại bàng", "Ngọn tháp", "Pu-la-nhíc", "Trăng Trường Sơn"… lần lượt ra đời mang âm hưởng sử thi, anh hùng ca.
 
Sau khi tung ra những “thần sấm”, “con ma” vẫn không thu được kết quả gì, Lầu Năm góc quyết định sử dụng “ngáo ộp B.52”. Đọc lại một số bài thơ của Xuân Hoàng viết dưới tầm B.52, ta như đang sống những tháng ngày ác liệt ấy. Xuân Hoàng miệt mài sáng tác những bài thơ kịp thời động viên quân dân hăng hái sản xuất, chiến đấu. Nói như Chế Lan Viên: “Cái quy luật khắt khe của thời gian là nhiều bài rơi rụng. Cái quy luật độ lượng của cuộc đời là ai đó đã hết lòng yêu nó thì được đền bù”.
 
Xuân Hoàng xứng đáng được đền bù bởi ngoài hàng trăm bài thơ rơi rụng theo quy luật thời gian thì có một số câu thơ, bài thơ của ông vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của nhiều độc giả - nhất là những người từng sống dưới tầm B.52. Một trong những bài thơ Xuân Hoàng viết dưới tầm B.52 được nhiều người ngưỡng mộ là bài thơ "Đồng Hới". Đúng như Xuân Diệu nhận xét: “Nhờ sống ở vùng đất lửa nên thơ Xuân Hoàng mới có lửa như thế”. Nhưng thơ Xuân Hoàng thời đó không chỉ có lửa mà còn có tình yêu lứa đôi.
 
Cùng với sự biến chuyển của thời cuộc, thơ Xuân Hoàng cũng có những thay đổi rõ rệt. Nếu ở "Biển và bờ", âm hưởng chủ đạo là âm hưởng anh hùng ca với những bài thơ hừng hực khí thế chiến đấu thì qua "Về một mùa gió thổi" cảm xúc của ông đằm lại. Ông say sưa chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên với những cảm nhận hết sức tinh tế. Đến "Quãng cách lặng im", thơ ông vẫn mang chất lãng mạn sôi nổi của ông, nhưng tất cả như lắng vào bên trong.
 
Bởi vì giờ đây, ông có thời gian để suy ngẫm nhiều hơn, để nhìn lại đời, nhìn lại mình kỹ hơn. Chúng ta gặp trong "Quãng cách lặng im" những “phút giây riêng”. Khuynh hướng chung trong "Quãng cách lặng im" là hướng nội. Bước qua tuổi bảy mươi, nhà thơ Xuân Hoàng cho ra mắt tập "Nỗi niềm trao gởi' (NXB Thuận Hóa, 1997). Sau một chặng đường dài, trải nhiêu biến cố, nhà thơ đã chắt lọc cho bản thân nhiều bài học sâu sắc. Ta bắt gặp trong tập thơ nhiều suy tư, trăn trở, nhiều nuối tiếc, khát vọng.
 
Mặc dù văn xuôi không phải là sở trường của Xuân Hoàng nhưng ông vẫn mạnh dạn thử bút ở lĩnh vực đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó, tốn nhiều công sức này. Tập hồi ký "Âm vang thời chưa xa" gần như gói trọn toàn bộ cuộc đời Xuân Hoàng. Đây là văn xuôi của một nhà thơ, vì thế thấm đẫm chất thơ. Ông nhìn con người, cảnh vật với một tâm hồn đa cảm và lãng mạn. Chất trữ tình đậm đặc trong từng trang văn xuôi của ông.
 
So với những cây bút cùng thời, Xuân Hoàng là một trong những người viết khá sung sức. Ông đã tự mình vươn lên khẳng định chỗ đứng trên văn đàn. Qua "Xuân Hoàng Tuyển tập", bạn đọc chắc chắn sẽ hiểu ông chính xác hơn, đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn.
                                                                     
                                                                                Mai Văn Hoan