"Đắng ngọt đàn bà", thông điệp của lý lẽ

  • 06:53 | Thứ Hai, 04/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Đắng ngọt đàn bà” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của nhà văn Nguyễn Thị Lê Na, Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ gồm 11 truyện ngắn, xuất hiện khiêm nhường như chính người sinh ra nó. Nhưng “góc khuất” của đời sống gia đình, của hạnh phúc, tổ ấm trong tác phẩm phong phú. Những va chạm, thử thách từ tình yêu đến tình dục, từ trong gia đình ra ngoài xã hội... của người phụ nữ được chị đặt lên bàn cân đong đếm. Vị “đắng” và “ngọt” cứ dùng dằng, bủa vây phận số họ. Trong khoảng khắc ấy, họ được tự do thổ lộ cõi lòng, mạnh dạn thể hiện bản ngã và lẽ sống của mình.
 
Đọc các truyện, dường như Nguyễn Thị Lê Na đang “vi phẫu” để tìm ra “căn cước” những giọt nước mắt đêm của người đàn bà. Xung đột hôn nhân, gia đình, chồng vợ trong “Đắng ngọt đàn bà”-một truyện ngắn trong tập “Đắng ngọt đàn bà” thể hiện rất rõ những nỗi niềm, trở trăn, khao khát hết sức mãnh liệt của họ.
Trang bìa cuốn
Trang bìa cuốn "Đắng ngọt đàn bà".
Con người bản năng trong Vy lớn dần lên khi gặp lại Phong. Vy muốn được sống thật với khoái cảm của mình, muốn được giải phóng bản thể. Trước cạm bẫy dục tình, người đàn bà như Vy đã vượt qua, nhưng những người đàn ông như Văn lại khác. Văn sống hai mặt và rất giỏi che đậy. Hành động viết đơn ly hôn của Vy là cách để Nguyễn Thị Lê Na khẳng định bản lĩnh, sự mạnh mẽ của người đàn bà hết sức ý thức về lẽ sống. Họ hoàn toàn thoát ra khỏi sự bị động, lệ thuộc mà bấy lâu người đàn ông mặc nhiên gán lên cuộc đời họ.
 
Nguyễn Thị Lê Na còn đẩy phận số đàn bà vào những kịch tính khác. Phàm là người đàn bà, lấy chồng, con cái là khát khao mãnh liệt, nhưng có phải ai cũng may mắn. Những người đàn bà như Sinh trong cuộc đời này rất ít. Không thực hiện được thiên chức làm mẹ, cô tự cảm thấy có lỗi với chồng, nhà chồng, gia tiên. Sinh nhờ người mang thai hộ cho vợ chồng mình. Nếu thế thì cuộc đời quá giản đơn. Bi kịch của người đàn bà nhiều khi ở lòng vị tha và sự hy sinh.
 
Sinh mất chồng vì chính người mang thai hộ. Sinh chấp nhận ly hôn nhường chồng không đơn giản chỉ vì sự phản bội mà còn vì sự hy sinh, để chồng cô được thỏa mãn hạnh phúc có con. Nhưng bi kịch đâu chỉ thế, trong lần trốn chạy, khi bị ngất trên tàu và được cấp cứu thì Sinh biết mình có thai, với chính chồng mình trong một lần ân ái, khi sự việc giữa chồng và người “mang thai hộ” chưa bị lộ tẩy.
  Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na.
Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na.
11 truyện ngắn trong “Đắng ngọt đàn bà” với nhiều “lắp lang” hấp dẫn, giàu kịch tính. Để mở gút bất ngờ, nhà văn Nguyễn Thị Lê Na triển khai gút một cách chi tiết, kỹ lưỡng. Với nhiều nhà văn, nghệ thuật tổ chức sự kiện trở thành nghệ thuật tổ chức gút mà thực chất là nghệ thuật trần thuật sao cho chi tiết nào cũng vừa như báo trước, vừa giữ kín cái kết cục bất ngờ của câu chuyện.
 
Về phương diện này, có thể xem Nguyễn Thị Lê Na có được những thành công đáng kể. Do chỗ gút bao giờ cũng được nhấn mạnh, làm nổi rõ trong cấu trúc tác phẩm, cho nên biến cố hiện lên như một mắt xích tách khỏi dòng đời, làm thành một hiện tượng loại biệt hoàn toàn mang ý nghĩa tượng trưng nghệ thuật trong các truyện ngắn của “Đắng ngọt đàn bà”.
 
Dẫu như thế nào thì đàn bà luôn có “lý lẽ” riêng, bởi hơn ai hết họ hy sinh, dấn thân, cuộc đời họ luôn khát khao một “bờ vai” tựa vào đó mà dâng hiến. Viết đến đây, bỗng nhiên tôi nhớ một nhà văn đã mổ xẻ chuyện tình trong huyền sử giữa Mỵ Châu-Trọng Thủy. Dưới ngòi bút của ông, Mỵ Châu lúc dâng nỏ thần cho Trọng Thủy không nghĩ rằng phản bội lại vua cha, dẫn đến mất nước. Trái tim người đàn bà yêu nó thế.
 
Đàn bà dù “lý lẽ” đến đâu thì cũng như cơi đựng trầu, nhưng buộc người làm chồng phải suy nghĩ không chỉ về trách nhiệm mà cả về cảm xúc. Khác người đàn bà trong “Cơn bão” để cảm xúc hình thành nên “bão” là lý trí của Mận trong “Cầu vồng sau mưa”. Yêu nhau, tưởng sẽ “đầu bạc răng long” nhưng vì một lý do bất ngờ lứa đôi xa nhau, tình yêu đầu đời mãi thổn thức được giấu kín trong mỗi trái tim. Nhưng cuộc đời luôn éo le, mối tình đầu tưởng ngủ yên nhưng rồi các tình huống bất ngờ đẩy nhiều đôi lứa của ngày xưa gặp lại nhau. Trái tim luôn đấu tranh “sinh tử” giữa một làn ranh mỏng manh.Các “bi kịch” trong 11 truyện ngắn rất khác nhau, nhưng đều có điểm chung ở giọt nước mắt, mang thông điệp phải biết lắng nghe, chia sẻ.
 
Ngòi bút nhà văn Nguyễn Thị Lê Na khi viết về quê hương hay khi được chứng kiến tình yêu đôi lứa thật đẹp. Những trang văn viết về phồn thực cũng gợi đến da diết, thèm khát đến thánh thiện.
 
Đàn bà làm thơ về đàn bà thường tinh tế. Đàn bà viết văn thường sâu sắc. Tất nhiên, không phải tất cảvà trước hết tác giả phải rất “đàn bà”. Yêu phải đắm say, vừa dịu ngọt vừa cuồng nộ, vừa muốn được quyến rũ vừa chủ động để trở thành quyến rũ. Và bất hạnh, cũng phải hiểu được tận cùng của vị đắng... Tôi nghĩ, chừng mực nào đó, Nguyễn Thị Lê Na cũng được giao giữ “mật khẩu” thế giới đàn bà, lý giải nó trên các trang văn của chị.
 
Nguyễn Thị Lê Na đã nâng niu từng trang viết của mình, những cảnh đồng quê trong đêm hò hẹn, những cảm xúc của nhân vật thật đẹp. Tất nhiên, cũng không thiếu những trang viết giông tố, ẩn ức tạo ra bi kịch của số phận. “Đắng ngọt đàn bà” đã phát đi những “thông điệp” của bi kịch. Đó là hạnh phúc rất đỗi mong manh, để gìn giữ hạnh phúc không thể bỏ qua, khinh suất những cảm xúc. Và cảm xúc chính là chất keo của “lâu đài tổ ấm”, gắn kết hai nửa vầng trăng hạnh phúc và những vì tinh tú là những đứa con. “Đắng ngọt đàn bà” là tập truyện ngắn đáng đọc.
 
Ngô Đức Hành