"Bay trong mơ" - những tứ thơ gần và độc

  • 07:36 | Thứ Bảy, 02/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau hơn 10 năm xuất bản tập thơ “Những giấc mơ cắt dán”, Trần Quang Đạo mới cho ra đời tập thơ "Bay trong mơ" (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 10-2019), cũng là tập thơ thứ 7 của anh, đã được nhận Giải thưởng Văn học năm 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Từ tựa "Bay trong mơ"
 
Nhà thơ Trần Quang Đạo sinh năm 1957 tại Phú Thủy (Lệ Thủy). Anh nguyên là Tổng biên tập Báo Nhi Đồng. Anh có bằng tiến sỹ văn chương, là người đa tài. Tập thơ “Bay trong mơ” do chính anh trình bày, vẽ bìa và minh họa. Tập thơ có 80 bài, với 8 phần khiến người đọc liên tưởng đến từng giai đoạn trong “giấc mơ bay”: Khởi động trên "Đường nắng", lấn bấn bởi "Ngược sáng", rồi "Cất cánh" để phiêu diêu, "Cháy" giữa không trung bao la, trải lòng với "Khúc ru", "Khúc vọng", bâng khuâng "Gọi giữa thinh không" và cuối cùng là "Nhặt", những chiêm nghiệm cuộc đời qua những câu thơ rất ngắn của anh.
 
Bay trong mơ là một đường bay rất đẹp cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen thì tôi từng mơ thấy mình bay trên không trung trong sự ngưỡng mộ của biết bao người đứng dưới. Về nghĩa bóng, đó là sự thăng hoa, mỹ mãn, sự thành công được ví von là “đẹp như mơ”. Ngược lại với ý trên, tại sao người ta lại phải bay trong mơ? Có phải chăng cuộc sống bị bó buộc nhiều thứ? Có phải chăng người ta đã bị trói chặt đôi cánh dưới đôi tay của kẻ bẫy chim? Khiến những con chim chỉ biết thực hiện những đường bay trong giấc mơ của mình?
 Trang bìa tập thơ “Bay trong mơ” của nhà thơ Trần Quang Đạo. Ảnh: Đ.V
Trang bìa tập thơ “Bay trong mơ” của nhà thơ Trần Quang Đạo. Ảnh: Đ.V
Cuối cùng đó là những ước mơ rất đẹp, rất lạc quan, cùng những nuối tiếc của tác giả. Con người sinh ra là những chuyến đi. Trong sáng tạo, con người cũng có những chuyến bay về với miền ca dao, cổ tích, với quê hương, cội nguồn, những ruộng bùn ngập sâu, những ngọn gió Lào rát bỏng và lời ru nặng đằm của mẹ.
 
Tôi bắt đầu với phần “Cất cánh” và thăng trầm với những đường bay của Trần Quang Đạo. Những linh cảm về những cảnh huống “Bay trong mơ” khi cầm tập thơ, theo chủ quan của tôi, đã gần như chính xác. Tôi tin rằng, dù “bay” trong hoàn cảnh nào thì tác giả cũng chỉ muốn “thả xuống đất một tiếng cười” (Gọt cánh). Tôi vẫn thường “bay trong mơ” nhưng chưa bao giờ viết nỗi một câu thơ về điều đó. Tôi thầm cảm ơn tác giả nói hộ lòng mình.
 
Đến những tứ thơ rất gần gũi và độc đáo
 
Tập thơ có 8 phần, được sắp xếp theo chủ định, nhưng có những điều không hề chủ định mà nó thuộc về tâm thức của Trần Quang Đạo. Đọc thơ anh, tôi cứ giật mình bởi những câu kết. Nghe liêu trai, phi thực tế, nhưng nhìn lại mới thấy những ẩn khuất của cuộc sống trong đó: “Tôi tỉnh dậy sờ lưng mình thấy máu đã đông” (Hắn). “Tôi đánh luống đời mình làm bờ ngăn giả dối” (Ma trơi). “Bỗng tiếng chuông chặn tờ giấy rùng mình” (Trên bàn viết)… Có rất nhiều câu kết “giật mình” khác nữa, tuy nhiên, tôi chỉ muốn nói kỹ về những tứ thơ rất gần và độc của “Bay trong mơ”.
 
Đọc tựa của những bài thơ, ta có cảm giác rất thân quen, gần gũi. Đó là, Ba que diêm, Cho mèo ăn, Cơm mới, Gọi tên, Đi bên sân trường, Ma trơi, Ngồi chống cằm... Và đặc biệt là “Nhặt”. Khi đi vào từng bài thơ, ta mới thấy mỗi tựa đề thơ là một cái tứ. Trong đó, anh đã biến những thứ gần gũi thành những mỹ cảm độc đáo. Đây là bài thơ “Ba que diêm”:
 
Một que nối nhang trên bàn thờ cha mẹ
Một que châm bếp lửa nhà mình
Một que thắp đèn cho trẻ nhỏ
Còn lại vỏ bao đựng tiếng dế năm nào.
 
Chỉ với ba que diêm, tác giả đã kết nối một đường ánh sáng cho ba thế hệ. Từ tâm linh (bàn thờ) đến tổ ấm (bếp lửa), đến tương lai (thắp đèn). Hay đến như vậy nhưng ở câu thứ tư (lại câu kết), tác giả đã dùng cái vỏ bao để “đựng tiếng dế” gợi nên ký ức ấu thơ của mình, mà tôi tin rằng ai cũng đong đầy xúc cảm.
 
Trong bài “Cho mèo ăn”, nhưng thông qua việc cho mèo ăn, tác giả bày tỏ tình yêu vợ con. Từ chỗ “… tôi đã nổi cáu vì nó” bởi “nó đái lên bài thơ..”, đến trách vợ “còn tôi bị bỏ buông”. Nhưng rồi: “Bỗng dưng yêu mèo/Bằng tình yêu của vợ tôi và con gái”. Một tình yêu bắc cầu rất dễ thương!
 
Hồi nhỏ, ma trơi chỉ đến với tôi qua lời kể của bà. Bởi vậy, khi thấy cái tựa “Ma trơi”, tôi nghĩ đến tuổi thơ. Nhưng đọc thì mới vỡ lẽ ra cái gì là “Những ngọn lửa nhảy nhót”:
 
Tôi thấy một nghĩa địa chữ
Ai đã biên tập cắt xén ném xuống đáy đất
Những chữ viết hoa và nhiều chữ viết thường…
 
Ồ, thì ra những con ma trơi trên nghĩa địa chữ! Những sự giả dối lập lòe như ma trơi, lúc ẩn lúc hiện. Nó còn đe dọa được cả những người không yếu bóng vía. Nhưng tác giả nhận thấy và nhìn thấy nên đã “đánh luống đời mình làm bờ ngăn giả dối”. Một kết thơ rất độc đáo!
 
Ở phần “Nhặt”,với những bài thơ rất ngắn, những cái tên chỉ có một chữ, rất gần gũi, như: Uống, Cúi, Đi, Nợ, Xé, Cỏ... Những tứ thơ độc đáo mà anh “nhặt” được đã trở thành triết lý nhân sinh:“Nghe được đôi chim ríu rít/thế mà nghe lòng người nhiều khi phải phiên dịch” (Nghe). “Không trả được bằng tiền/Tôi dành đất mộ mình đắp cao ngôi mộ họ” (Nợ). “Vùng vẫy trong nước thì chìm/Nằm in lại nổi” (Nổi).
 
Tuy nhiên, trong phần này, tôi lại thích bài “Chiết” với hai câu thơ, chín chữ: "Chiết cành/Tôi quỳ xuống vì thương nhớ mẹ." Chiết cành và việc thương nhớ mẹ có liên quan gì nhau mà khiến “Tôi quỳ xuống”? Đó là một sự đứt rời, nhựa sống chảy ròng ròng, để có một cây con sinh trưởng. Có khác gì mẹ sinh con máu huyết dầm dề và nuôi con khôn lớn. Có khác gì những cuộc chia ly để cho con vai dài sức rộng mà mẹ nén nước mắt vào lòng. Có khác gì đứa con khóc mẹ từ giả cõi trần ròng ròng giọt lệ…
 
Đọc thơ Trần Quang Đạo, tôi thấy mình cần phải học hỏi rất nhiều. Đọc thơ anh, tôi rất chỉnh chu, không hề “đọc ngược” nhưng vẫn thấy “bóng mình trồng cây chuối”.    
 
Đỗ Thành Đồng