Thương nhớ Đồng Lê

  • 08:49 | Chủ Nhật, 26/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi chạm đất Đồng Lê sau một ngày rong ruổi dọc miền rừng núi phía tây Quảng Bình. Thị trấn miền sơn cước vốn ngày thường bé nhỏ, thương thương thế, giờ đang vào lúc cao điểm cả nước căng mình chống dịch Covid-19, Đồng Lê như càng cố thu mình lại, bình yên đến nao lòng…
 
1. Điện thoại cho bạn đồng nghiệp công tác tại Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Tuyên Hóa “xin” bữa cơm lót dạ. Tiếng đồng nghiệp cười hồn nhiên: “Đốt đuốc tìm khắp thị trấn cũng chẳng có một quán hàng nào anh ơi. Thôi tạm gói mì tôm vậy nhé!”. Năm phút sau, nghe tiếng gõ cửa. Cửa mở, thấy bạn đứng đó, tay xách mấy gói mì tôm, tay kia thêm vài quả trứng gà. “Của nhà làm được, tạm cho ấm lòng”. Ừ, thì nhận lấy… sao cảm giác chạnh lòng thương quá người Đồng Lê ân tình.
 
Đêm Đồng Lê khép sâu dần… Tự mình tản bộ dọc các tuyến phố nhỏ hẹp, qua chợ, qua công viên, ngược ra nhà ga rồi sâu về phía Đồng Lào. Một vòng phố đủ cho ký ức thấm đẫm dội về, đủ để tiếc ngẩn, tiếc ngơ đất và người Đồng Lê ân tình.
  Phố núi Đồng Lê tĩnh lặng hơn trong những ngày phòng, chống dịch Covid-19.
Phố núi Đồng Lê tĩnh lặng hơn trong những ngày phòng, chống dịch Covid-19.
Nhớ Đồng Lê từ những năm 2000, lần đầu tiên tôi đặt chân đến, khi thị trấn mới thành hình hài đầy năm theo Nghị định số 30/1999/NĐ-CP của Chính phủ, tách ra từ xã Lê Hóa. Diện tích thị trấn Đồng Lê lúc đó chỉ gần 11km2, dân số đâu chừng trên 6.000 người.
 
Đêm đầu tiên với Đồng Lê, với những người bạn mới quen trong nghề báo mà ngỡ như thân hữu từ thuở nào. Bạn Đồng Lê tiếp khách bằng rượu trắng cổ cườm, ướp men lá của đồng bào dân tộc thiểu số, giọt rượu mềm mềm, ngòn ngọt. Cảm giác uống không say… mà lại say. Đêm đầu tiên ắp đầy kỷ niệm đó, có ai ngẫu hứng ngâm tặng tôi những vần thơ đầy ám ảnh.
 
Cho đến bây giờ, mỗi lần trở lại Đồng Lê, từng câu thơ vẫn hiện hữu, âm âm tận đáy sâu tâm hồn: “... Sao rợp tím chiều gợn ướt mi/Nét mày lá liễu nói điều gì/Hay là sơn thủy chung nhau lại/Để hóa thành em tuổi dậy thì/Xin lại đời anh thuở tráng trai/Đi theo tiếng gọi núi sông dài/Nhớ thương bè bạn thời mây nước/Tiếng hát Hoàng Anh xanh sớm mai/Em là niềm thương nhớ Đồng Lê/Dẫu có ngày xưa chẳng hẹn thề/Hoàng hôn như rượu miền sơn cước/Anh về chếnh choáng dưới xuôi kia…” .
 
2. Hai mươi năm sau, Đồng Lê bé nhỏ đầy thương nhớ của tôi ngày đầu tiên kết thành duyên nợ đổi thay rất nhiều. UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 2099/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung đô thị Đồng Lê và vùng phụ cận đến năm 2035.
 
   Nguyên tác bài thơ
Nguyên tác bài thơ "Tuyên Hóa ơi" của cố nhà thơ Hải Kỳ.
Theo quy hoạch, thị trấn Đồng Lê từ đô thị loại V nâng tầm thành đô thị loại IV, là “đô thị miền núi, đậm đà bản sắc văn hóa vùng”, trở thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa huyện Tuyên Hóa. Bức tranh phố núi Đồng Lê trên hành trình kiến tạo, thực hiện theo quy hoạch chắc chắn sẽ tạc nên một nét đặc trưng riêng có của một đô thị vùng trung du.
 
Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lê Phạm Thanh Song chia sẻ: “Trên hành trình phát triển, Đồng Lê đã có nhiều thành tựu nổi bật. Đơn cử năm 2019, tốc độ tăng trưởng đạt 14,58%; tổng thu ngân sách nhà nước hơn 14.329 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,84%; thu nhập bình quân đầu người 47 triệu đồng/năm. Quy mô dân số từ 6.000 người ngày đầu mới thành lập, hiện nay, tăng lên trên 7.000 người. Diện tích theo quy hoạch đến năm 2035 tăng lên 1.474ha. Từ một thị trấn thuần nông, Đồng Lê thay đổi nhanh về cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề với 883 cơ sở, doanh thu đạt 309 tỷ đồng năm 2019”.
 
“Dịch Covid-19 cuốn qua Đồng Lê, thị trấn co mình lại phòng, chống dịch bệnh. Như mọi miền quê khác của Quảng Bình, Đồng Lê ưu tiên mọi nguồn lực để chống dịch Covid-19, “chống dịch như chống giặc”. Tất yếu kinh tế-xã hội thị trấn Đồng Lê sẽ ảnh hưởng rất nặng nề.”- Chủ tịch UBND thị trấn Phạm Thanh Song cho biết thêm -“Tuy nhiên, người Đồng Lê với truyền thống đoàn kết, kiên trung, san sẻ yêu thương thì khi đại dịch Covid-19 đi qua, sẽ tiếp tục nỗ lực vượt khó, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội đề ra”.
 
3. Tôi tin những lời Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lê Phạm Thanh Song chia sẻ, như 20 năm nay, người Đồng Lê ân tình vượt khó, vượt khổ kiến tạo quê hương mình.
 
Đêm Đồng Lê của 20 năm sau, người lữ hành tôi dừng bước nơi phố núi. Cũng là đêm khá đặc biệt, không rượu, không bia, chỉ có mấy gói mì tôm, quả trứng gà bạn thân hữu đưa chống đói khi lỡ bước nhằm mùa dịch Covid-19.
 
Chúng tôi ngồi lại, chén trà đậm đủ sức thức thâu đêm hàn huyên, tâm sự. Những câu thơ duyên nợ của 20 năm trước lại dội về. Hóa ra, câu thơ ngày ấy là một “dị bản” khác của bài thơ “Tuyên Hóa ơi” mà cố nhà thơ Hải Kỳ viết tặng cho một nàng thơ tên H.A nào đó người Đồng Lê.
 
Nguyên văn thì câu chữ cũng chẳng khác mấy là bao, vẫn da diết ân tình: “Thương nhớ xa rồi Tuyên Hóa ơi/Núi cao vòi vọi chẳng dừng nguôi/Thôi đừng cao nữa cho ai được/Thấy bóng người thương dưới mặt trời/Sao rợp tím chiều gợn chớp mi/Nét mày lá liễu nói điều chi/Hay là sơn thủy chung nhau lại/Để hóa thành em lúc dậy thì/Xin lại cùng anh tuổi tráng trai/Đi theo núi rộng vọng sông dài/Ngồi chung bè bạn thương mây khói/Tiếng hót Hoàng Anh xanh sớm mai/Em là thương nhớ của Đồng Lê/Dù chẳng ngày xưa có hẹn thề/Hoàng hôn như rượu miền sơn cước/Anh về chếnh choáng dưới xuôi kia”.
 
Cố nhà thơ về xuôi “chếnh choáng” say vì một nàng thơ: “Hay là sơn thủy chung nhau lại/Để hóa thành em lúc dậy thì”. Còn tôi về xuôi, chất thêm nhiều thương nhớ vì một phố núi Đồng Lê chân chất, ân tình.
 
Đồng Lê những ngày chống dịch Covid-19
                                                                                                             Ngô Thanh Long