Qua một ngày đường

  • 08:10 | Chủ Nhật, 12/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi con trai út ngấp nghé tuổi ba mươi, ông nhiều lần lặp lại điệp khúc “lấy vợ đi”. Lẽ thường tình ấy của các bậc cha mẹ được ông coi là “đỉnh cao” cuối cùng cần với tới của đời mình: “Cưới vợ cho mày rồi, tao coi như xong trách nhiệm với con cái.” Thằng con cứ khất lần trước sự cáu gắt của cha; khi kiên nhẫn trong ông đã tan chảy thì nó chở bạn gái về, kéo theo niềm vui và cả những tiếng xì xào ngay từ đầu ngõ.
 
Ông đang phấn chấn ngời ngời bỗng khựng lại khi nhìn thấy bạn gái của con. Tính nết chưa biết, dòng giống chưa bàn nhưng nhìn vẻ ngoài của cô, ông ngần ngại pha chút hẫng hụt. Lần đầu đến nhà bạn trai với quần bò khoét lỗ chỗ và áo ngắn cũn cỡn như này sao; lại thêm mái tóc cắt cụt như con trai khiến ông đứng hình, tròn mắt. Người cha vờ nói cười hồ hởi nhưng kỳ thực đang xét nét cô gái, liền đó nỗi bất bình lẫn bất an dâng đến độ hoang mang. Con gái gì mà nói cười phớ lớ đến phơi răng đỏ lợi thì duyên cái nỗi gì! Tiếng bước chân huỳnh huỵch cứ như chạy thi việt dã thế kia thì chẳng thể báo hiệu giàu sang phú quý hay tinh tế, dịu dàng. Khi cô cùng nâng li bia “dzô” với cánh đàn ông trong bàn thì ông thở hắt ra như quả bóng xì hơi rồi ngó lơ ra sân.
 
Bạn gái của con vừa quay lưng là ông không thể nén lời chia lìa đôi lứa. Tất nhiên, ông biết việc hệ trọng nhưng cũng lắm rắc rối mà người xưa từng đúc kết “nhất điền thổ nhì hôn nhân” thì không thể vội vã hồ đồ khi can gián. Lung khởi bao đồng và điểm xuyết vài điểm hay mặt tốt của cô gái rồi ông mới mổ xẻ những điều chướng tai gai mắt. Như để tô thêm sức nặng cho lời mình, ông kể những lứa đôi đem đến cho nhau đắng cay thay vì mật ngọt bởi những khác biệt, bất hòa. Người cha dằn lòng, dịu giọng nhưng đích đến vẫn là khuyên con tiếp tục hành trình tìm kiếm “nửa kia” để đắp xây hạnh phúc thay vì neo lại với người đã định.
 
Con nghe bình tĩnh, không phản bác cũng chẳng xuôi chiều, khiến cha bối rối, dừng lời. Lâu sau, nó ngước nhìn ông, giãi bày: “Cô ấy có vẻ ngoài phủi như thế nhưng tốt bụng lắm, ba ạ; lại tháo vát, tự tin; rất hợp tính con.” Nghe giọng khẳng định chắc nịch, không mảy may đắn đo, ông biết khó mà lay chuyển, lời bàn ra chỉ làm tăng khoảng cách cha con. Đã thế, ông buông xuôi, cả trong ý nghĩ cùng dáng ngồi ủ rũ; nhưng đâu dễ cỡi bỏ nỗi lo mênh mang trong dự cảm chẳng lành. “Thôi kệ nó!”- đã bao lần ông tự trấn an nhưng sự tĩnh tâm chỉ thoáng qua còn buồn lo vẫn đeo đẳng cả trong giấc ngủ. Ông còn vài lần quay lại lời cản ngăn con trai với người đã chọn nhưng nó không đổi lòng; ngược lại,  còn thuyết phục cha thuận theo ý mình.
 
Mới rồi, ông lên phố bảo con đưa đi khám mắt nhưng nó bận nên nhờ bạn gái dẫn đi. Quả là bất tiện khi nhờ người mình chẳng ưa nhưng không thể khác khi con ông phải chủ trì hội nghị. Không để ý vẻ lạnh lùng lẫn ngượng ngùng của ông, cô gái chuyện trò thoải mái. Tới bệnh viện, cô chỉ ghế bảo ông ngồi rồi tất tả đi liên hệ, làm thủ tục.
Minh họa: Tiến Hành
Minh họa: Tiến Hành
Ông nghe cô bắt bẻ người tiếp nhận bệnh nhân: “Tôi đã hẹn giờ và đăng ký bác sỹ trực tiếp khám nhưng sao lại đổi bác sỹ khác?” Người kia cho biết là bác sỹ được chọn bận việc bất thường nên mong được thông cảm. Cô không dễ bị thuyết phục, vẫn mềm mỏng nhưng kiên quyết: “Nếu thế, các chị phải cho tôi biết trước chứ!” Người đối thoại rối rít xin lỗi; ông cũng lên tiếng dàn hòa: “Thôi thì, bác sỹ nào cũng được, cháu ạ.”
 
Khi ông được đo thị lực rồi soi đáy mắt, cô đứng bên hỏi tỉ mỉ về bệnh rồi lắng nghe chỉ dẫn của bác sỹ. Cũng cẩn thận và tỉ mỉ, cô hướng dẫn ông sử dụng các loại thuốc rồi nhắc lịch tái khám, lại chỉ các cửa cần đến trong bệnh viện. Ông vội ra bến xe để kịp về chuyến cuối ngày nên chẳng dừng ăn uống; cô gái chỉ kịp ghé bên đường mua cho ông mấy cái bánh bao. Nhìn dáng nhanh nhẹn cùng sự chu đáo của người giúp mình, ông cảm thấy ấm lòng nhưng hình như chừng đó vẫn chưa đủ để xua đi những ác cảm từ trước.
 
Tưởng đã qua một ngày lo âu và mệt mỏi với bệnh tật nhưng vừa bước lên  xe buýt ông đã thấy bất an. Ngồi chưa ấm chỗ, ông len lén nhìn gã thanh niên bên cạnh; gã khoảng ba mươi, dáng cao lớn dềnh dàng. Khi kẻ ấy lấy cái mũ đang đội xuống, ông trố mắt nhìn cái đầu trọc lóc, đầy sẹo. Tương phản với khối tròn nhẵn thín đó là mớ ria mép đen kịt như vệt hắc ín quệt vội cùng đám lông mày rậm như hai con sâu róm. Đôi mắt nhiều tròng trắng lim dim, không biết đang ngủ hay thức, không biết đang thả hồn thánh thiện hay ủ mưu đen tối. Thoáng thấy những hình xăm sau làn áo mỏng nơi ngực gã, tư tưởng cảnh giác trong ông trỗi dậy. Ông nhấp nhổm không yên, đã mấy lần đưa tay sờ lại cái ví ở túi quần và điện thoại nữa. Hai mắt trĩu xuống nhưng ông cố chống lại cơn buồn ngủ bằng cả ý chí và sự lo sợ. Gã kia tự biến thành kẻ bí hiểm khi chẳng bắt chuyện với ai, người lắc lư khi xe chuyển bánh.
 
Gã bất ngờ phá tan sự yên tĩnh khi lớn tiếng: “Này tài xế, sao lại chạy lòng vòng thế này, hả?” Ấy là gã phản ứng việc chủ xe cố ý vòng đi vòng lại để đón khách thay vì thẳng tiến về bến đổ. Ai cũng bực, nhăn nhó lẫn càm ràm khi bị mất thời giờ vô lối nhưng vì cả nể nên chẳng ai lên tiếng. Cái giọng sắc lạnh của gã khiến người đối thoại xuống nước, nói như rên: “Bà con thông cảm, cho chúng tôi kiếm thêm vài khách nữa.” “Anh bảo chúng tôi thông cảm, nhưng sao anh không thông cảm cho từng này người trên xe!?” Nhà xe đuối lý, im nhưng vẫn làm theo ý mình. Gã bật dậy, càng to tiếng hơn: “Anh hành hạ chúng tôi quá nhiều rồi đấy! Phải nhờ cảnh sát thôi!” Dứt lời, gã rút điện thoại ra; tài xế kêu lên rối rít “thôi, thôi” rồi đột ngột tăng ga, vọt lẹ.
 
Khi xe dừng giữa đường cho hai thanh niên choai choai bước lên thì sự cảnh giác trong ông bỗng tăng đột biến. Xe chật, cảnh nhiều hành khách phải đứng ngay lối đi dường như là điều mong đợi của hai kẻ lên sau. Cả hai chen vào đám đông, đảo mắt ngó quanh, chúng hiểu nhau thông qua cái nheo mắt, hất hàm. Thằng đứng giữa xe, có mái tóc chấm ngang vai cố ý ép sát người đàn ông trung niên có cái ví căng phồng ở túi quần phía sau. Ông đoán hành động bất lương sắp diễn ra nhưng bối rối chưa biết làm sao báo động cho người kia. Ông hồi hộp, cổ họng khô đắng, chân tay bủn rủn như đang chứng kiến một bi kịch.
 
Bỗng gã đầu trọc ngồi cạnh to tiếng: “Ê, hai chú! Đây là chỗ của anh. Biến!” Cái giọng đầy quyền uy, trịch thượng khiến hai đứa kia tẽn tò, trố mắt nhìn chằm chằm người đối thoại. Gã trợn mắt, gục gặc cái đầu láng bóng rồi dằn giọng lặp lại: “Có biến không, hả!?”. Hình như biết “đụng hàng”, hai kẻ đàn em chắp tay, hạ giọng, khúm núm: “Dạ…anh ạ…” Liền đó, chúng đập thùng thùng vào thành xe, hét lớn: “Xuống!”  Chẳng đợi xe dừng hẳn, chúng vọt xuống đường; không quên quăng lại câu chửi thề bỉ ổi.
 
Chưa kịp mừng, nỗi lo liền quay lại, ông cố ý ngồi xích ra xa kẻ bên cạnh. Giờ thì gã tự bộc lộ rồi; nghĩ vậy, ông càng co người thủ thế, những mong xe nhanh tới bến. Gã vẫn gà gật như tỉnh như mê; khi mọi người lục tục đứng lên lấy đồ xuống xe, gã mới choàng dậy. Chẳng đợi nhờ, gã với tay lấy giúp ông túi hành lý để trên giá; vừa đưa túi đồ cho bạn đồng hành gã vừa nở nụ cười chiếu lệ thay cho lời chào tạm biệt. Ông đi sau, mắt vẫn không rời kẻ khả nghi vừa làm ông cảnh giác dè chừng. Thay vì đi thẳng ra cổng bến xe, gã tạt vào nhà gửi xe máy gần đó.
 
Chạng vạng, cánh xe ôm hay lượn lờ trước bến xe đã vắng hẳn khiến ông lo lo khi nghĩ tới chặng về với hơn mười cây số đèo dốc. Đang bồn chồn ngó quanh để tìm xe đi tiếp, ông giật mình thấy chiếc xe máy đỗ sát bên, càng ngạc nhiên hơn khi nhận ra gã đồng hành lúc nãy. Gã tươi cười nhìn ông, vồn vã: “Bác về Đồng Tràm phải không?” “Phải” Ông căng mắt nhìn kẻ đối diện, bất ngờ trước lời mời thân tình: “Cháu cũng về gần đó, bác lên xe, cháu chở.” Đoán biết sự lưỡng lự lẫn lo sợ của ông, gã giãi bày: “Bà nội cháu là con gái tộc Nguyễn Văn làng Đồng Tràm. Lúc trước, cháu hay theo bà về giỗ tộc và chạp mả, thấy bác thường đứng chủ tế. Giờ cháu mới nhớ ra...” Ông chớp mắt, trưởng tộc không thể biết hết cả ngàn con cháu trong dòng họ nhưng nghe thế ông chắc người thân thật rồi. Sau khi hỏi thêm vài điều, kết nối bà con xa gần, ông yên tâm ngồi lên xe của kẻ vừa làm ông hại não.
 
Ông giải tỏa thắc mắc về người bí hiểm này bằng những câu hỏi thẳng. Đáp lại là giọng từ tốn, khác hẳn với vẻ trịch thượng lúc trên xe; kéo theo là sự há hốc, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác của ông. Thì ra người này vừa đến viện da liễu vì bệnh nấm tóc; cái đầu trọc lóc cũng chính vì căn bệnh không chết nhưng khó chịu đó. Ông trải lòng: “Lúc nãy, nhìn vẻ ngoài cùng sự đối đáp của cậu với hai thằng nhỏ trên xe, tôi sợ quá!” Đáp lại là giọng bổ bã cùng tiếng cười rung cả người: “Cũng có lúc mình phải giả độc trị độc chứ bác!” Mãi chuyện trò khiến ông cảm thấy đoạn đường như ngắn lại. Chia tay, ông mấy lần lặp lại lời cảm ơn rồi đứng nhìn cho đến khi cái dáng cao lớn kia khuất dần trong bóng đêm nhập nhoạng.
 
Ông vừa vô nhà thì con trai gọi về, hỏi chuyện từ bệnh viện đến trên đường. Nghe cha kể về chàng trai gặp trên xe, con cười lớn: “Đấy, ba cứ nhìn bề ngoài rồi nghĩ xấu về người ta, có khi chẳng đúng, lại mang tội nữa.” Ông đột nhiên lúng túng, chột dạ khi nhớ lại lời ngăn cản chuyện tình cảm của con trai lúc trước…
  Nguyễn Trọng Hoạt