Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Quảng Trạch:

Những gam màu sáng, tối

  • 07:53 | Thứ Năm, 09/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được triển khai từ năm 2000, đến nay, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ở huyện Quảng Trạch đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Tuy nhiên, hiện nay, quá trình thực hiện phong trào ở địa phương vẫn gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ.
 
“Bức tranh” màu sáng
 
Theo lời giới thiệu của Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Trạch Đoàn Tuấn Tư, chúng tôi về xã Cảnh Dương, một trong những “điểm sáng” của phong trào TDĐKXDĐSVH ở huyện Quảng Trạch. Diện mạo của làng văn hóa, du lịch Cảnh Dương đã thực sự đổi thay ngoạn mục với những cung đường bích họa ấn tượng, những đường làng, ngõ xóm thoáng đãng, sạch sẽ, nhà cửa khang trang và đặc biệt là nhà văn hóa các thôn được xây dựng kiên cố, bề thế với thiết chế văn hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.
 
Là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, Cảnh Dương đã lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống. Các trò chơi dân gian như tục lấy lửa đêm giao thừa, thi đấu cờ người, đua thuyền truyền thống... được địa phương bảo tồn và định kỳ tổ chức vào các ngày lễ, Tết. Các lễ hội như lễ hội Cầu ngư, phát động ra quân đánh bắt hải sản được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao được duy trì và phát triển. Đặc biệt, phong trào xây dựng thôn văn hóa phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp. Đến nay, 8/9 thôn được công nhận là thôn văn hóa cấp huyện, trong đó, thôn Đông Dương được UBND huyện tặng giấy khen thôn văn hóa 5 năm liên tục.
  Diện mạo xã Cảnh Dương, một trong những điểm sáng của phong trào TDĐKXDĐSVH ở Quảng Trạch ngày càng đổi thay.
Diện mạo xã Cảnh Dương, một trong những điểm sáng của phong trào TDĐKXDĐSVH ở Quảng Trạch ngày càng đổi thay.
Cảnh Dương chỉ là một trong số nhiều “điểm sáng” trong phong trào TDĐKXDĐSVH ở huyện Quảng Trạch thời gian qua. Có thể thấy, nhờ thực hiện hiệu quả phong trào, diện mạo của nhiều địa phương đã thực sự đổi thay từng ngày, tạo được luồng sinh khí mới trong đời sống kinh tế-xã hội và đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Phong trào đã đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng, tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng tộc; qua đó, tạo động lực để nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh, khi thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, huyện Quảng Trạch quan tâm triển khai cả 5 nội dung và 7 phong trào. Song, để phong trào đi vào thực chất và bền vững, địa phương đã gắn các nội dung với việc xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Từ việc phát động phong trào, cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở đã tập trung triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan; trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của việc xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Qua đó, khơi dậy, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, toàn huyện đã có 16/18 xã đạt tiêu chí số 6 về văn hóa.
 
Khi bắt tay triển khai thực hiện, huyện Quảng Trạch xác định “điểm nhấn” của phong trào TDĐKXDĐSVH là xây dựng gia đình văn hóa. Theo đó, hàng năm, có trên 90% các hộ gia đình trên địa bàn huyện đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Không dừng lại ở việc công nhận danh hiệu, phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại huyện Quảng Trạch ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn, khi gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, chú trọng việc giáo dục truyền thống gia đình, thực hiện nếp sống mới, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy tình làng, nghĩa xóm và các phong tục tập quán tốt đẹp. Cũng nhờ đó, năm 2019, toàn huyện có 84% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 82% thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”...
 
Cùng với đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong đám cưới, đám tang, lễ hội; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao... cũng đã và đang tạo thành những phong trào thi đua sôi nổi trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.
 
Những vướng mắc cần tháo gỡ
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở Quảng Trạch vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ mà vấn đề đầu tiên chính là nguồn kinh phí đầu tư cho thực hiện phong trào ở một số địa phương đang là “nút thắt” khó gỡ. Đơn cử như trường hợp của xã Phù Hóa.
 
Là một trong những địa phương còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân vẫn ở mức thấp, Phù Hóa đang gặp khó trong việc huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa các thôn. Hiện tại, xã đã chọn địa điểm quy hoạch xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, nhưng vì thiếu vốn nên bản quy hoạch vẫn chỉ... nằm trên giấy. 
 Hầu hết nhà văn hóa các thôn ở xã Phù Hóa đều không đạt chuẩn theo quy định.
Hầu hết nhà văn hóa các thôn ở xã Phù Hóa đều không đạt chuẩn theo quy định.
Toàn xã có 6 nhà văn hóa/6 thôn nhưng tất cả đều không đạt theo chuẩn quy định, thậm chí, một số nhà văn hóa đang xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Để nâng cấp nhà văn hóa, các thôn cần một nguồn kinh phí khá lớn, trong khi đó, ngân sách địa phương hạn hẹp, đời sống của người dân lại bấp bênh nên không thể huy động đủ nguồn vốn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Điều này lý giải vì sao tiêu chí văn hóa của Phù Hóa mãi vẫn chưa thể “cán đích” theo chuẩn nông thôn mới.
 
Cùng với khó khăn về nguồn vốn, quá trình thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở Quảng Trạch còn gặp không ít vướng mắc khác, như: Một số cấp ủy, chính quyền, thành viên ban chỉ đạo phong trào xã chưa có sự phối hợp, triển khai đồng bộ, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc phong trào; một số địa phương chỉ coi trọng phát triển kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến các giá trị văn hóa truyền thống và các sinh hoạt cộng đồng; một số mô hình còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu; tỷ lệ các danh hiệu văn hóa cao; tình hình trật tự xã hội ngày càng có chiều hướng phức tạp.
 
Việc có quá nhiều mô hình của nhiều ngành triển khai cùng lúc với tên gọi, tiêu chí trùng lặp làm giảm hiệu quả, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, tốn kém chi phí hành chính mà hiệu lực quản lý nhà nước lại giảm. Một số địa phương chưa quan tâm đến tiến độ triển khai công tác đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở theo quy hoạch; việc phát huy công năng của các thiết chế văn hóa-thể thao xã, thôn còn hạn chế...
 
“Những khó khăn, thách thức đặt ra khi thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở Quảng Trạch hiện nay là không nhỏ. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành và từng địa phương, đơn vị phải dành sự quan tâm, nguồn lực tương xứng, để thực hiện phong trào; đa dạng hóa nội dung, phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở; từ đó, thúc đẩy sự phát triển của các phong trào văn hóa-văn nghệ, các loại hình câu lạc bộ và phong trào thể thao quần chúng tại địa phương; quan tâm đầu tư quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa, kinh phí mua sắm các thiết chế văn hóa-thể thao; gắn chỉ tiêu phong trào với tình hình thực hiện công tác của các cơ quan, đơn vị, địa phương...”, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Trạch Đoàn Tuấn Tư chia sẻ.
 
Tâm An